Nếu có ai hỏi tôi trong các bông màu vàng, tôi thích bông nào nhất, tôi trả lời là bông điên điển. Bởi, bông điên điển không chỉ để lại trong tôi nhiều kỷ niệm mà đó còn là nguồn thực phẩm thiết yếu của người miền Tây, chế biến thành các món ăn dân dã như canh chua điên điển, bánh xèo điên điển…, rất hấp dẫn, giàu dinh dưỡng.
Điên điển thường có ở các đầm lầy, ruộng nước. Ảnh: VOV.VN |
Chị tôi là người Thái ở Ban Mê (Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) lấy chồng rồi chuyển vào Long An trước ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trải qua bao thăng trầm, chị nói giọng miền Tây đặc sệt. Thỉnh thoảng tôi xuống thăm, biếu chị cà phê bột uống lấy thảo và tiêu sọ làm gia vị. Và mỗi lần tôi ghé, chị đều niềm nở đổ bánh xèo bông điên điển mời tôi ăn.
Tôi cùng chị chèo ghe ra cù lao giữa sông hái bông điên điển. Hái bông cũng là một nghệ thuật. Chị nói rằng phải hái vào lúc sẩm tối, vì khi đó bông vừa mới hé nhụy, tươi màu. Nếu hái vào buổi sáng, bông nở rực rỡ, ánh nắng chiếu vào, ong bướm bay tới hút mật, bông sẽ nhạt, không còn ngon nữa. Cánh đồng bông điên điển rực rỡ tràn ngập cả dòng sông. Tôi ấn tượng bởi sắc vàng của loài bông này.
Mưa lất phất, tôi và chị mặc áo mưa mỏng tang chèo ghe lênh đênh trên sông. Những khóm bông điên điển vàng trĩu cành, tôi hái bỏ vào rổ. Gió rì rào làm chiếc ghe chao đảo, cánh áo mưa bay phành phạch trong gió. Một số bông điên điển mỏng manh rơi lả chả xuống sông, tôi vớt lấy, vò nát và đưa lên mũi hít hà, hương thơm thanh khiết của sông nước, đặc ân mà thiên nhiên ban tặng.
Hái bông xong, tôi cùng chị ghé vào chợ mua tôm sông làm nguyên liệu đổ bánh. Những con tôm tươi rói búng lách tách trong thau vừa được ngư dân xúc ra bán. Chị mua một ít tôm rồi bóc vỏ, xào sơ để riêng. Với bột bánh xèo, chị khuấy nhuyễn, dùng cọ chuối phết dầu đều trên mặt chảo cho dầu thật nóng, rồi tráng bánh nghe cái “xèo” một cách thuần thục. Sau đó, chị rắc tôm, giá đỗ và bông điên điển lên mặt bánh, đậy nắp lại. Ít phút sau, chị gấp đôi bánh hình bán nguyệt, vớt ra bày trên tàu lá chuối cho ngớt dầu.
Ở Long An, tôi có một người bạn là giáo viên dạy tiếng Anh với tài thổi sáo rất hay. Mỗi lần xuống Long An, tôi tặng anh ché rượu cần, còn anh chế biến canh chua điên điển cho tôi ăn. Thấy chị tôi tráng bánh mỏi tay, anh cũng phụ tráng. Lúc anh múc bột vào chảo, anh cầm cán chảo uyển chuyển qua lại, xốc chảo lên xuống sao cho bột tráng mỏng, trông anh như đầu bếp chính hiệu chứ không phải là thầy giáo nữa. Còn tôi phụ rửa rau sống, bóc và giã tỏi làm nước chấm chua ngọt.
Chúng tôi vừa nấu ăn vừa trò chuyện rôm rả rất vui. Anh bạn thầy giáo dạy tiếng Anh nhưng lại chọc tôi bằng một câu tiếng Thái ngồ ngộ “Ai mặc noọng lái lài” (Anh yêu em rất nhiều). Chị tôi bật cười khúc khích, cả nhà bếp rộn rã tiếng cười. Để tỏ lòng cảm kích, tôi nấu thêm món “Djam trong” (canh cà đắng) của người Tây Nguyên. Tôi ra sau vườn hái ít cà, ngò tàu, ớt hiểm, trong chạn bếp có sẵn cá khô và củ nén. Sơ chế xong, tôi cho tất cả các nguyên liệu vào xoong và nấu tới khi sền sệt là thưởng thức được, mùi thơm nức, vị cay nồng và đăng đắng của cà tạo nên hương vị đặc trưng của “Djam trong”.
Người Long An tính tình hiền lành, xởi lởi và hiếu khách. Nhà chị ở vẫn còn giữ nguyên nét xưa, là nhà rường truyền thống, nhiều cột, mái lợp ngói âm dương, nhiều gian và nhiều cửa thông với nhau, nên mát rượi. Ở phòng khách, những chiếc bàn tròn được trải khăn cũ kỹ theo năm tháng, lặng lẽ chờ khách khứa tới sum vầy dịp giỗ chạp hay dịp lễ, Tết.
Xung quanh nhà, mương nước róc rách chảy, cây dừa phủ xanh um tùm, nhớ những mùa nước nổi chèo ghe đi chợ, nghe đâu đó từng khóm điên điển vàng rực hò reo trước gió.
Bữa trưa gồm có bánh xèo, canh chua điên điển và món “Djam trong”. Một mâm cơm có sự giao thoa văn hóa của hai miền. Thầy giáo bưng ché rượu cần ra, chúng tôi quây quần bên bàn tròn ở hiên nhà. Lát sau, thầy thổi sáo bài Bông điên điển của nhạc sĩ Hà Phương, chị tôi hò:
“Hò ơi má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú…
Hò ơi chim kêu vượn hú biết nhà má đâu
Em đi lấy chồng về nơi xứ xa
Đêm ru điệu hát câu hò trên môi
Miền Tây xanh sắc mây trời
Phù sa nước nổi người ơi đừng về
…
Ăn bông mà điên điển nghiêng mình nhớ đất quê
Chồng xa em khó mà về”
Và tôi biết chị đang khóc trong lòng vì nỗi nhớ… Ban Mê.
LÒ DUY BƯU