Nhiều năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng và Hải quân luôn đồng hành với ngư dân trên những hải trình khai thác thủy sản, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Đặc biệt, từ tháng 7-2019 đến nay, việc hỗ trợ ngư dân được nâng lên thành những chương trình cụ thể, thiết thực, ý nghĩa như cứu hộ, cứu nạn, cung cấp thực phẩm, tặng cờ Tổ quốc… cho ngư dân ở các tỉnh ven biển miền Trung.
Bộ đội Biên phòng thành phố trao cờ Tổ quốc và kết hợp tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho ngư dân.Ảnh: PHAN HOÀNG HIỆP |
Đồng hành với ngư dân
Từ tháng 7-2019 đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 6 địa phương gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng ký kết và triển khai thực hiện chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân làm ăn trên biển, gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, cùng với các lực lượng góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Những tờ rơi tuyên truyền về Luật Biển, đánh bắt hải sản bền vững, vai trò của biển, đảo… được phát đến tận tay, giúp ngư dân nắm vững, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi hành nghề trên biển; tuyên truyền cho ngư dân về các khu vực tránh trú bão, phương pháp thông tin, cảnh báo thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; phương pháp thông tin, nhận dạng mục tiêu lạ trên biển; địa điểm triển khai các trung tâm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật nghề cá (âu tàu, làng chài) trên quần đảo Trường Sa, các nhà giàn.
Một trong những món quà ý nghĩa nhất đối với ngư dân chính là lá cờ Tổ quốc và túi thuốc y tế sơ cấp cứu. Ngư dân Huỳnh Văn Bảy (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cho biết, mỗi chuyến biển kéo dài 15-20 ngày, có khi cả tháng, giữa nắng gió và nước mặn nên lá cờ mau bạc màu. “Giữa biển thì lá cờ Tổ quốc là để khẳng định “quốc tịch” của tàu, thấy yên tâm hơn khi thấy những tàu cá có treo cờ như mình. Còn túi thuốc thì chủ tàu vẫn chuẩn bị, nhưng nói thiệt là không thể đầy đủ nên khi được nhận món nớ là bọn tui mừng lắm”, ông Bảy bộc bạch. Ngoài ra, trong những đợt tập huấn, bà con còn được hướng dẫn phương pháp cứu người rơi xuống nước, cấp cứu người bị đuối nước; sơ cứu, cấp cứu một số bệnh hay tai nạn rủi ro thường xảy ra trên biển cho ngư dân.
Trung tá Chu Quang Vinh, Trưởng ban Tuyên huấn, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân cho biết, trên biển luôn hiện diện lực lượng chấp pháp, các tàu trực bám vị trí, tuần tra tuần tiễu, hiện diện khẳng định chủ quyền. Làm điểm tựa cho ngư dân, lực lượng Hải quân còn ngăn chặn hoạt động khai thác bất hợp pháp và không để tàu cá ngư dân ta sang vùng biển nước ngoài khai thác trái phép; bảo vệ an toàn cho ngư dân khai thác trên các vùng biển Việt Nam; hỗ trợ hậu cần, kỹ thuật, tạo chỗ dựa và niềm tin cho ngư dân bám biển sản xuất phát triển kinh tế và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Chăm lo cho ngư dân khu vực biên giới biển
Thành phố Đà Nẵng có 17 phường thuộc 5 quận ven biển và huyện đảo Hoàng Sa là khu vực biên giới biển. Những năm qua, ngư dân nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ lực lượng Biên phòng, cũng qua đó phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” được duy trì, thực hiện có nền nếp. Trong năm 2020, có 412 tổ dân phố đăng ký tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia vùng biển, đảo của Tổ quốc; hơn 250 chủ tàu Cá ký cam kết thông tin liên lạc biển hằng năm với Đồn Biên phòng…
Thượng tá Đinh Ngọc Anh, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố cho rằng, lực lượng Biên phòng bảo đảm là “phao cứu sinh” cho ngư dân trong quá trình bà con hành nghề trên biển cũng như ở vùng bờ. Ngư dân cũng là tai mắt, phản ánh các nguồn tin có giá trị cho Biên phòng về tình hình xảy ra trên biển như tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền khai thác trộm hải sản, xua đuổi tàu cá Việt Nam. Lực lượng Biên phòng thường xuyên duy trì thông tin liên lạc với các tàu cá hoạt động trên biển. Trong năm nay đã liên lạc với 6.141 phiên với các phương tiện hoạt động trên biển, tiếp nhận hàng trăm nguồn tin có giá trị trong đó có 6 nguồn tin phát hiện 50 lượt tàu cá Trung Quốc, 1 nguồn tin tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc tông va trên biển, 2 nguồn tin ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc kéo mất 23 tấm lưới và 77 nguồn tin phục vụ cứu hộ, cứu nạn.
Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, hỗ trợ ngư dân trong quá trình đánh bắt trên biển, giữ an toàn khi vào bờ, Bộ đội Biên phòng thành phố còn nhận đỡ đầu cho 24 cháu là con ngư dân, con gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ 300.000-700.000 đồng/người/tháng; giúp đỡ 38 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn mỗi tháng 500.000 đồng/em; phân công 87 cán bộ, chiến sĩ phụ trách và hỗ trợ 190 gia đình ở khu vực biên giới biển.
Trong số các đơn vị cơ sở thuộc Biên phòng thành phố, Đồn Biên phòng Sơn Trà quản lý vùng biên giới biển và lượng tàu cá nhiều nhất. Trong năm 2020, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, phát động được 128 buổi/ 4.921 lượt người, tuyên truyền đặc biệt 81 đối tượng. Ngoài ra cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Sơn Trà phát tận tay ngư dân hơn 900.000 tờ rơi, 400 ảnh Bác Hồ và 800 lá cờ Tổ quốc cho các chủ tàu cá. Trong năm, Đồn Biên phòng Sơn Trà tiếp nhận 24 trường hợp tai nạn, đau ốm, mất tích trên biển; 20 trường hợp hỏng máy và 9 trường hợp chìm tàu trên biển. Ngoài ra, tổ chức hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia phối hợp cứu hộ, cứu nạn, xử lý các vụ việc như: tìm kiếm người mất tích, cứu kéo phương tiện hỏng máy, xử lý các vụ tông va, chìm tàu...
Giúp ngư dân tin tưởng, vững tâm vượt sóng ra khơi, các lực lượng chấp pháp trên biển luôn có mặt kịp thời khi người dân cần. Đặc biệt trong cơn hoạn nạn, những hỗ trợ thiết thực lúc khó khăn, thiếu thốn trên biển chính là chất xúc tác để tình đoàn kết quân - dân thêm gắn bó bền chặt. Những chương trình đồng hành cùng ngư dân của lực lượng Hải quân, Biên phòng càng khẳng định trách nhiệm giữ biển là của chung, giúp ngư dân tích cực vươn khơi bám biển sản xuất, chủ động tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.
Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” giai đoạn 2015-2020, từ năm 2015 đến nay, ngư dân cung cấp cho Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng 6.575 tin. 5 năm qua, các lực lượng chức năng huy động 1.157 lượt tàu cá với 8.256 lượt ngư dân phối hợp tổ chức xua đuổi 927 lượt tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam. Hằng năm, Bộ đội Biên phòng thành phố phối hợp với chính quyền địa phương vận động 300 chủ phương tiện (thuyền trưởng)/3.000 ngư dân đăng ký sẵn sàng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển khi có tình huống xảy ra theo Nghị định số 30/2010/NĐ-CP ngày 29-3-2010 và Nghị định số 130/2015/NĐ-CP ngày 18-12-2015 của Chính phủ. |
Trong năm qua có 1.853 lượt tàu cá được cán bộ, chiến sĩ Hải quân tuyên truyền trong quá trình hoạt động trên biển. Đã có 4.643 tờ rơi, 350 cờ Tổ quốc, 275 áo phao, cũng như hàng nghìn thiết bị giám sát hành trình được tặng tận tay ngư dân. Lực lượng làm nhiệm vụ trên biển gồm các tàu trực, tàu tuần tiễu, kiểm soát ngư trường cung cấp 17.200 lít dầu, 6.000 lít nước ngọt, 1.450 kg gạo, 125 thùng mì tôm, 45 lít nước mắm, hàng trăm kg rau xanh các loại cho 24 tàu với 292 người dân, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ khắc phục sự cố, sửa chữa máy móc... |
HIỀN LƯƠNG