Gửi yêu thương qua… điện thoại

.

1. Những năm gần đây, người ta nói nhiều về tác động của các phương tiện kỹ thuật số đối với đời sống con người. Ở quán cà phê, không ít lần bắt gặp hình ảnh những gia đình mà vợ chồng, con cái ngồi cùng nhau nhưng mỗi người bận rộn với chiếc điện thoại của mình. Ở không gian nghiêm túc như cuộc họp, hội nghị, người phát biểu cứ phát biểu, người nghe cứ cắm cúi vào thiết bị cầm tay; hay nhóm bạn trẻ tụ tập cùng nhau nhưng rồi việc ai nấy làm với chiếc điện thoại nhỏ xinh, chẳng buồn hỏi han, chuyện trò.

Điện thoại di động giờ như vật bất ly thân. Hầu như công ty, cơ quan nào cũng lập các nhóm Facebook, Zalo để tiện kết nối công việc. Người ta bảo, cái điện thoại vô tri đẩy con người ngày càng xa nhau hơn. Có thật cái máy bé xíu kia có quyền năng như thế? Chợt nhớ cảm xúc lâng lâng khi tôi có chiếc điện thoại đầu tiên, đó là ngày tôi nhận giấy báo trúng tuyển đại học. Khi ấy, việc đầu tiên tôi làm là chụp ảnh ba, mẹ, hai đứa em gái, đứa em trai rồi đặt ảnh gia đình làm hình nền trên điện thoại. Tấm ảnh các thành viên trong gia đình tươi cười hạnh phúc đã sưởi ấm trái tim tôi những ngày tháng xa nhà. Chưa hết, chiếc điện thoại ấy là “vật chứng” lưu giữ vô số những tin nhắn của người yêu, những câu chuyện ngây ngô, trong trẻo mà chúng tôi đã chia sẻ với nhau suốt những năm tháng dài. Chúng tôi đã giữ được sự quan tâm nhau bền chặt qua những tin nhắn hỏi thăm, nhắc nhớ nhau học hành, giữ gìn sức khỏe.

2. Ba tôi là em út trong một gia đình có 6 anh chị em. Dù là út nhưng nay ông đã ngấp nghé tuổi 60, đủ biết các cô đều lớn tuổi. Hồi ông còn trẻ, khỏe, mỗi năm ông về quê 6-7 lần. Con số ấy rút ngắn dần theo năm tháng. Ba năm trở lại đây, ông chỉ về quê 2 dịp trong năm là Chạp mã và một ngày nào đó cuối năm. Từ sân nhà tôi đến quê nhà huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) chỉ hơn 60 cây số, đường nhựa thẳng tắp nhưng vì ông có tuổi, con cháu không cho ông tự đi xe máy. Dù biết ông nhớ quê, nhớ các chị, nhớ mồ mả ông bà nhưng chúng tôi vẫn đặt sự an toàn lên trên hết.

Hôm rồi, em tôi gợi ý mua chiếc smartphone (điện thoại thông minh) để ông có thể gọi video cho các cô. Có điện thoại, cứ vài ba ngày là ông gọi. Cô tôi ở quê cầm điện thoại đi quanh nhà, quanh sân, chỉ cây mít đang ra trái, đám sả ngậm nước lên tươi tốt, mấy con gà ăn thóc ăn lúa chạy quanh sân, con lợn ỉn ăn no nằm kềnh… Hai bên chuyện trò, cười nói rôm rả. Ông hỏi thăm những nhà hàng xóm, rồi con cái của họ… Có hồi, ông bảo cô tôi cầm điện thoại lên tận nhà đứa cháu (cách nhà cô 600m) để xem nhà nó đang xây tiến độ đến đâu rồi… Qua màn hình điện thoại, ông và đứa cháu (anh họ tôi) vẫy tay qua lại, chỉ từng viên gạch, cây sắt, thép… Đợt bão số 9, nghe ngóng vừa ngớt gió thì ông cầm điện thoại gọi cho cô hỏi thăm tình hình trong đó thế nào. Thấy đám hồng, cây mít, cây đu đủ… ngã rạp, ông và cô đều tiếc rẻ. Ông dặn cô sạc pin điện thoại đầy đủ, kê cao tất cả vật dụng có giá trị, kiểm tra hệ thống điện đóm trong nhà… “Giữ liên lạc nghe chị”, ông cứ nhắc đi nhắc lại. Vậy là dù cách xa nhau hơn 60 cây số, ông có thể “gặp” người thân của mình gần như mỗi ngày. Ông bảo, lời hỏi thăm có giá trị lớn lắm, chứng tỏ người ta nghĩ về nhau, còn quan tâm đến nhau.

3. Gần đây, gia đình tôi lập nhóm trên mạng. Tôi tham gia 2 nhóm, 1 nhóm có tên Gia đình yêu thương, gồm ba mẹ và mấy anh chị em ruột; 1 nhóm tên Anh chị em họ, gồm các anh chị em bên gia đình nhà ngoại. Cái cảm giác mỗi ngày nhận được tin nhắn từ ai đó trong nhóm rằng: “Mọi người khỏe không?”, “Cuối tuần này đám giỗ bà ngoại, anh em mình về đông đủ nhé”, “Thời tiết Đà Nẵng chuyển lạnh, anh chị em mình ra đường phải mặc ấm”… thấy rưng rưng cảm xúc.

Hay gần đây nhất, trong cơn bão số 9, anh em liên tục nhắn tin vào nhóm hỏi thăm tình hình, cập nhật từng giờ diễn tiến của bão. Sau bão, mọi người cũng tíu tít nhắn tin hỏi nhà ai bị hư hại gì không để chung tay hỗ trợ… Cuộc sống bận rộn, dù ở cùng thành phố nhưng thực tế trong một năm, ngoại trừ đám giỗ, Tết, chẳng dễ gì anh em bà con gặp nhau. Thậm chí, có những đám giỗ, lễ lạt, lúc vắng người này, lúc kẹt người kia đi công tác xa, hoặc bận bịu không tới được nên chuyện hỏi thăm nhau thực sự rất khó. Đời sống ngày càng hiện đại với vô số lựa chọn của công nghệ khoa học khiến thời gian ngày càng gấp rút hơn, chưa thể sắp xếp thời gian để dành cho nhau những lời yêu thương thăm hỏi động viên trực tiếp, thì hãy gửi yêu thương qua... điện thoại, điều đó phần nào cũng đủ làm người nhận cảm thấy ấm lòng.

LAN KHUÊ

;
;
.
.
.
.
.