111 - Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em là dịch vụ công đặc biệt thực hiện tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân và các em qua điện thoại. Tổng đài 111 hoạt động 24 giờ tất cả các ngày, không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến, sau hai năm đi vào hoạt động đã tiếp nhận hơn 1 triệu cuộc gọi.
Một trong những logo của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. |
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 được nâng cấp từ Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 (đã hoạt động hơn 13 năm) và chính thức vận hành từ cuối năm 2018 với 3 trung tâm vùng đặt ở Hà Nội, Đà Nẵng và An Giang.
Đa dạng nội dung cuộc gọi
Anh N.T.H.T, nhân viên tư vấn ở tổng đài Đà Nẵng cho biết, tại Đà Nẵng phần lớn các cuộc gọi rơi vào nội dung như mâu thuẫn giữa trẻ em và bố/ mẹ. Người gọi đến là bố hoặc mẹ - chiếm khoảng 60% cuộc gọi - mong muốn được hỗ trợ khi trong gia đình bố/ mẹ có hành vi bạo lực với con cái mà họ không thể can thiệp được. Nhiều cuộc gọi do hàng xóm thực hiện khi họ nghe hoặc thấy bố mẹ có hành vi bạo lực với trẻ. Hoặc các em sẽ trực tiếp gọi đến tổng đài (chủ yếu ở lứa tuổi từ 11-14), nhờ tư vấn khi bị bạo lực học đường, hỏi cách học - thi khi các em gặp khó khăn trong chuyện học hay bị áp lực bài vở. Anh T. cho biết thêm, gần đây có nhiều cuộc gọi hỏi về vấn đề bị đe dọa hay xâm hại qua môi trường mạng.
Mùa hè vừa qua có một em tầm 8-9 tuổi gọi đến tổng đài trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi. Em kể rằng bị một người quen trên mạng xã hội đe dọa sẽ sát hại gia đình em nếu em không đưa ảnh cho họ. Tư vấn viên sau khi nói chuyện, giúp tâm lý em ổn định, đề nghị em cung cấp số điện thoại của mẹ để nói chuyện. Nhân viên tư vấn đã gọi điện cho người mẹ kể lại sự việc, đề nghị người mẹ hỗ trợ con trên những nguyên tắc như không đổ lỗi cho trẻ, xác định nạn nhân là ai và cách hành xử với trẻ như thế nào, hướng dẫn trình báo Công an…
Cuộc gọi của phụ huynh và trẻ em liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tăng lên so với cùng kỳ các năm trước. Người gọi mong muốn được Tổng đài hướng dẫn cách bảo vệ an toàn cho trẻ khi tham gia môi trường mạng và cách giải quyết khi trẻ em bị xâm hại tình dục, bắt nạt, nói xấu, xúc phạm trên mạng. Hiện nay, nhiều trẻ (chủ yếu lứa tuổi từ 10 trở lên) có tài khoản mạng xã hội, và mặt trái của nó là tỷ lệ trẻ phát sinh các mối quan hệ tình cảm và bị xâm hại tình dục với bạn quen qua mạng tăng lên.
Năm 2020, số lượng các cuộc gọi tăng mạnh so với năm 2019, nguyên nhân được xác định là phát sinh các vấn đề do ảnh hưởng Covid-19: Trẻ em không phải đi học, không được giao lưu với bạn bè, ít vận động, vui chơi ngoài trời khiến các em nhàm chán và có những dấu hiệu rối loạn tâm lý; trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử như tivi, máy tính bảng, laptop, điện thoại chưa phù hợp để giải trí hoặc không hoàn thành công việc được giao; bố mẹ lúng túng trong việc lên thời gian biểu cho con, thiếu kỹ năng tương tác với trẻ em lớn và kỹ năng chơi với trẻ em nhỏ, từ đó mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái gia tăng.
Độ phủ sóng mới đạt khoảng 60%
Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 là đường dây khẩn cấp có trách nhiệm liên hệ với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc có thẩm quyền để kiểm tra thông tin tố giác ban đầu. Những thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại sẽ được chuyển tới các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em. Đối với các trường hợp trẻ bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, Tổng đài có trách nhiệm hỗ trợ người làm công tác trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp với từng trẻ. Với những trẻ cần trị liệu tâm lý, sẽ được điều trị tại hai trung tâm vùng ở Đà Nẵng và An Giang.
Đồ họa: MAI ANH |
Theo báo cáo của Tổng đài 111, năm 2019, cơ sở trị liệu tâm lý cho trẻ em thuộc Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã thực hiện 219 ca đánh giá phát hiện các rối nhiễu tâm lý ở trẻ em, tiến hành 6.262 ca trị liệu tâm lý cho hơn 60 trẻ tự kỷ, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển ngôn ngữ, trí tuệ, trẻ em bị lo âu, trầm cảm... tăng gần 10% so với năm 2018. Tổng đài đã đánh giá, trị liệu tâm lý miễn phí cho 17 trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại. Trong số 928 ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em trong 9 tháng đầu năm 2020 có tới 430 ca bạo lực trẻ em, chiếm 46,34%. Trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất.
Năm nay, do đại dịch Covid-19 kéo dài dẫn đến một số vụ việc kết nối, can thiệp cho trẻ em liên quan tới trường học bị chậm trễ. Việc xác minh, tiếp xúc với trẻ và gia đình gặp khó khăn hay việc trẻ em cần di chuyển để được thăm khám, đánh giá về tâm lý bị trì hoãn.
Theo đánh giá của nhiều nhân viên tư vấn, Tổng đài 111 tiếp cận các ca từ nguồn gọi đến và báo chí đăng tải, thời gian qua việc tiếp cận thông tin nhanh hơn trước, đây cũng là kênh để trẻ chia sẻ khi không thể tâm sự với bố mẹ hay người thân. Trẻ được tư vấn, cung cấp thông tin như kỹ năng phòng chống xâm hại, bắt cóc và cả việc làm thế nào để học tốt hơn, có mối quan hệ với bạn bè, thầy cô tốt hơn… Tuy nhiên, độ phủ sóng của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em mới đạt khoảng 60%, do có nhiều người chưa biết, hoặc biết một cách mơ hồ về số đường dây nóng này.
Cũng theo báo cáo từ Tổng đài 111, nhiều vấn đề nảy sinh trong chính cán bộ địa phương như tình trạng cán bộ địa phương thiếu hợp tác với Tổng đài 111 hoặc cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em ở một xã thuộc tỉnh Thanh Hóa từ chối tiếp nhận trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục dẫn đến mang thai; cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em một xã ở tỉnh Nghệ An từ chối tiếp nhận trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục với lý do không biết Tổng đài, sau 2 ngày xác minh danh tính Tổng đài xong thì cán bộ này lại cho biết Chủ tịch xã mới có quyền phát ngôn về sự việc. Có trường hợp cán bộ sau khi thấy số điện thoại của Tổng đài 111 (111) thì từ chối nhận cuộc gọi hoặc không tiếp nhận, như chủ tịch một xã của huyện Cư’Mga, Đắk Lắk từ chối trao đổi thông tin vì băn khoăn không rõ số 111 này là số nào…
Để tăng cường hiệu quả hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em, Tổng đài 111 đã thành lập mạng lưới kết nối với 63 tỉnh, thành phố, tổ chức giao ban, tập huấn cho các thành viên mạng lưới kết nối. Tổng đài xây dựng và đào tạo đội ngũ cộng tác viên tiếng dân tộc (H’Mông, Tày, Nùng, Mường, Gia Rai, Êđê, Khơme, Chăm) và cộng tác viên tiếng Anh để hỗ trợ trẻ em dân tộc và trẻ em có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam; triển khai nhiều hoạt động truyền thông quảng bá để người dân và trẻ em biết số điện thoại của Tổng đài, đồng thời hợp tác với các cơ quan báo chí để truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em.
HOÀNG NHUNG