* Nói về các thi sĩ thời Thơ mới đất Bình Định, nhiều tài liệu nhắc đến “Bàn thành tứ hữu” hay “Nhóm tứ linh”. Xin cho biết các thi sĩ này gồm những ai và vì sao họ lại được gọi như thế? (Nguyễn Ngọc Minh, quận Sơn Trà, Đà Nẵng)
- “Bàn thành tứ hữu” nghĩa là 4 người bạn ở đất Bàn thành, tức thành Đồ Bàn xưa, nay nằm trên đất Bình Định. Đây là tên gọi mà một người Bình Định ngày trước dùng để gọi 4 nhà thơ là Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn và Chế Lan Viên.
Từ trái qua: Nhất Yến (nhà thơ Yến Lan), nhì Hàn (nhà thơ Hàn Mặc Tử), tam Lan (nhà thơ Chế Lan Viên), tứ Quách (nhà thơ Quách Tấn). (Ảnh tư liệu) |
Bài viết Hàn Mặc Tử con rồng trong nhóm Tứ linh đăng trên báo Văn hóa Nghệ thuật số 331 Xuân Nhâm Thìn 2012 cho biết, tuy Quy Nhơn, Bình Định không phải là khởi phát của phong trào Thơ mới nhưng đã quy tụ lực lượng sáng tác đông đảo tạo nên một thi đoàn, hình thành rất sớm vào khoảng những năm 30 của thế kỷ XX: Thái Dương văn đoàn. Thái Dương văn đoàn gồm: Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên, Nguyễn Minh Vỹ, Nguyễn Viết Lãm, Phú Sơn, Hoàng Diệp… Đây có thể coi là tiền thân của nhóm Bàn thành tứ hữu.
Địa bàn hoạt động của nhóm tứ linh chủ yếu là khu vực thành Bình Định, huyện An Nhơn. Xưa kia đây là thành Đồ Bàn, thành của vương quốc Chiêm Thành. Bốn nhà thơ của nhóm Tứ linh đều có tài và chơi rất thân với nhau nên còn được giới văn chương Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu.
Tác giả Trần Thị Huyền Trang trong cuốn Hàn Mặc Tử - Hương thơm & Mật đắng (NXB Hội Nhà văn, 1991) có đoạn: “Một người nghiên cứu văn học ở Bình Định đương thời, chơi rất thân với nhóm thơ là Trần Thống (tức Trần Kiên Mỹ) đã hết lời ngợi ca tình bạn đó trong bài nói chuyện Bình Định lắm duyên với thi sĩ. Ông Mỹ đã dùng hình tượng tứ linh để ví với Bàn thành tứ hữu. Trong đó, long là Hàn Mặc Tử, lân là Yến Lan, quy là Quách Tấn và phụng là Chế Lan Viên. Đó là một cách so sánh lý thú và khá phù hợp với tính cách từng người trong nhóm”.
Quách Tấn được ví như con rùa vàng bởi ông lớn tuổi nhất và đặc biệt ông trở về với sự bền vững với ngọn nguồn Đường thi bằng hơi thơ cổ điển. Con rồng trong nhóm tứ linh - Hàn Mặc luôn phát huy vai trò cầm trịch của mình ở sự điều hòa các mối quan hệ trong nhóm. Bàn thành tứ hữu cũng được gọi là Bàn thành tứ kiệt với 4 nhân vật đã đi vào cách “xếp hạng” của dân gian: Nhất Yến, nhì Hàn, tam Lan, tứ Quách, để chỉ 4 thi nhân theo thứ tự: Yến Lan, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn.
Bàn thành tứ hữu chia sẻ với nhau quan niệm sáng tác cũng như những trăn trở của mình trên con đường sáng tạo. Tuy nhiên, mỗi người trong nhóm theo một khuynh hướng sáng tác khác nhau. Quách Tấn theo khuynh hướng hiện thực xen lẫn lãng mạn với sắc thái cổ điển, Yến Lan lãng mạn, Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử theo khuynh hướng tượng trưng, riêng Hàn Mặc Tử thêm phần siêu thực. Do vậy, chỉ có thể xem Bàn thành tứ hữu là một nhóm thơ, gắn kết với nhau bằng tình thi ca, bằng hữu, hơn là một trường phái sáng tác.
Mỗi thi nhân trong Bàn thành tứ hữu sau này đều trở thành những tên tuổi sáng chói trên bầu trời thi ca Việt Nam hiện đại. Bàn thành tứ hữu đã trở thành niềm tự hào của người Bình Định khi nói, viết về quê hương mình, một vùng đất võ - trời văn.
ĐNCT