Mỗi thành phố dường như đều có một loại cây điển hình, gắn liền với người dân hoặc du khách nơi xa. Sài Gòn với cây dầu, Vũng Tàu với cây bàng, Đà Lạt với hoa anh đào, Đà Nẵng với cây phượng...
Khi còn mang tên Tourane, Đà Nẵng rợp bóng cây trên đường phố. (Ảnh tư liệu) |
Từ câu chuyện trồng bông gòn trước năm 1975...
Tại miền Nam năm 1955, chính quyền Sài Gòn có kế hoạch ưu tiên đẩy mạnh sản xuất trong nước để xuất khẩu, đặc biệt tại các đô thị Sài Gòn, Đà Nẵng. Đối với việc trồng gòn, được thực hiện chủ yếu bởi tính riêng lẻ của người nông dân, số lượng xuất khẩu bông gòn của Việt Nam, chủ yếu sang thị trường các nước Hà Lan, Pháp, Hong Kong (Trung Quốc) được thực hiện bắt đầu từ năm 1960, riêng năm 1961 có trị giá gần 3 triệu đồng, theo tài liệu lưu trữ. Bông gòn mặc dù có giá trị đóng góp khá khiêm tốn trong tổng số hàng hóa xuất khẩu (văn bản lúc bấy giờ ghi là xuất cảng) cũng phản ánh hiện trạng chung của nền xuất khẩu chính quyền Sài Gòn bấy giờ.
Đối với địa hình và khí hậu miền Nam, dường như tỉnh nào cũng có thể trồng gòn (trên đất phù sa cổ, đất đồi, đất đỏ bazan… nhưng các tỉnh đồng bằng chiếm ưu thế hơn). Lúc bấy giờ, cây gòn chỉ được trồng dựa lề đường, ven sông, chung quanh nhà, ít khi được trồng trên một diện tích lớn.
Trong những năm đầu thập niên 1960, tình hình kinh tế miền Nam Việt Nam có chuyển biến theo chiều hướng tốt lên, riêng việc xuất khẩu bông gòn đã có thị trường tiêu thụ ngoại quốc, chỉ e không có đủ bông gòn để xuất khẩu thu ngoại tệ. Với lý do chính này, đối với nông lâm nghiệp, không chỉ riêng phát triển trồng gòn mà còn phát triển các cây con khác (tất nhiên tính đến cả yếu tố quốc phòng - an ninh) như trồng quế, dương liễu (phi lao), bạc hà, tre nứa… trong một số trường hợp có liên kết với các cơ quan nghiên cứu nước ngoài (như Nhật Bản) để đầu tư, hợp tác nghiên cứu, tạo ra các giống mới.
Với quan điểm nêu trên, ngày 1-2-1963, một cuộc hội họp đã được triệu tập tại Văn phòng Giám đốc Nha Nông vụ để thảo luận về việc khuếch trương trồng gòn trong toàn miền Nam. Chương trình thống nhất giao kèo với Hãng Feather Hills trong việc bảo đảm mua tất cả số gòn do nông dân sản xuất trong 10 năm (từ đầu năm 1966 là năm đầu thu hoạch của chương trình đến cuối năm 1975) với giá tối thiểu 8 đồng/kg bông gòn đã cán hột tại nhà vườn.
Tuy nhiên, có một nghịch lý lúc bấy giờ là vì bông gòn khi tới mùa thu hoạch bay vào nhà dân, nhất là nơi đông dân cư gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân (vì bông gòn tạo ra những hạt bụi nhỏ bay vào phổi khi hít phải). Bộ Y tế đã ra một chỉ thị đốn cây gòn ở các vùng đông dân cư - điều này lại đi ngược với chương trình khuếch trương trồng gòn. Do đó, để có thể khuyến khích dân chúng trồng gòn, Bộ Cải tiến nông thôn đã đề nghị Bộ Y tế bãi bỏ chỉ thị này, thay vào đó tuyên truyền trong nhân dân nên hái gòn trước khi trái nứt để tránh bông gòn phát tán ra bên ngoài.
...đến mù u, hàng phượng và bóng tre
Tính đặc thù các loại cây trong lịch sử và văn hóa đối với vùng miền dường như ít được chú ý, riêng miền Nam Việt Nam trước năm 1975 vẫn còn được thể hiện rõ, vương vấn những dấu ấn có thể cảm nhận được. Về cây gòn gắn liền với việc giải thích về địa danh Sài Gòn - một tên gọi để lại dấu ấn hơn 300 năm, mặc dù về mặt hành chính không còn tên này nữa nhưng trong tâm thức của nhiều người, nó vẫn còn nguyên.
Nhìn rộng ra, mỗi thành phố dường như đều có một loại cây điển hình, gắn liền với người dân hoặc du khách nơi xa. Sài Gòn với cây dầu, Vũng Tàu với cây bàng, Đà Lạt với hoa anh đào, Đà Nẵng với cây phượng...
Đối với Đà Nẵng, ít nhất có thêm nhiều cây để lại dấu ấn văn hóa, lịch sử như cây mù u (dùng trái mù u trong trận đánh Pháp trong những ngày đầu xâm lược). Thậm chí, cây mù u được đưa ra trồng tại quần đảo Hoàng Sa. Ông Nguyễn Văn Nhự - người từng làm việc tại Hoàng Sa năm 1969 nhớ lại: “Trên mặt bằng của đảo toàn là rừng cây rậm, thân cây nhỏ và cao 1,8 mét, mỗi phiên đi ra đảo đốn thứ cây làm củi chụm còn những cây trong đất liền ra trồng như cây mù u, cây mít đều là có trái”. Và trong những hình ký họa của các tác giả nước ngoài về Đàng Trong thế kỷ XVIII-XIX thì hình cây mù u được thể hiện đậm nét, gắn với sự che chở vùng biển đất cát nơi đây.
Riêng đoạn đường từ Đà Nẵng đi Hội An trước năm 1975 phủ rợp bóng tre. Tre hai bên đường xanh tốt giao đầu lại với nhau làm thành một vòng cung, một cái hầm xanh mát rượi che kín mặt đường… Con đường Đà Nẵng về Hội An làm người ta quên hết những tên Tây của nó, mà chỉ gợi nhớ đến cu gáy với bướm vàng trong ca dao, đến con “đường thơm”. Cây tre đối lập với cây phượng trong công tác quy hoạch của Đà Nẵng trong lịch sử. Cây phượng có tính đặc trưng của phố phường, nằm trong quy hoạch theo phong cách phương Tây; còn cây tre chỉ có ở làng, xóm, trên những con đường của vùng quê Việt Nam.
Cây gòn, cây phượng, cây tre… có tính đặc thù của mỗi vùng, mỗi địa phương nên dành một không gian nhất định để thực hiện bảo tàng các loại cây (giống như một khu rừng đặc biệt). Tin rằng, lịch sử và ký ức sẽ sống động biết bao khi bạn lạc vào một rừng tre, một rừng gòn… xanh ngắt, chỉ rộng vài chục héc-ta thôi.
VÕ HÀ