ĐNO - Việc học trực tuyến (online) kéo dài, thay đổi kế hoạch học tập, không ra ngoài vui chơi, không tiếp xúc bạn bè, bị mắc hoặc có người thân mắc Covid-19… là những vấn đề học sinh, sinh viên (HSSV) đối mặt trong đợt dịch bệnh kéo dài lần này. Những điều đó tác động đến tâm lý các em theo chiều hướng nào phụ thuộc rất lớn vào chính bản thân các em cùng sự quan tâm, hỗ trợ can thiệp sớm từ gia đình và xã hội.
Trong những ngày thành phố cách ly nghiêm ngặt, các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng vẫn lặng lẽ miệt mài làm việc để tư vấn, hỗ trợ điều trị trực tuyến cho những trường hợp gặp vấn đề tâm lý khẩn cấp, trong đó có nhiều người trẻ như HSSV.
Là người chịu trách nhiệm chính, thực hiện công tác đào tạo, chọn và điều phối các hoạt động tư vấn của chương trình, bác sĩ Trần Thị Hải Vân, Trưởng khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đã có những chia sẻ với Báo Đà Nẵng về thực tế hỗ trợ tâm lý cho HSSV trong mùa dịch và cách giúp các em cùng gia đình vượt qua giai đoạn này nhẹ nhàng hơn.
Bác sĩ Trần Thị Hải Vân đang tư vấn tâm lý trong mùa dịch. Ảnh: NNCC |
* Được biết, trong đợt Covid-19 năm trước và năm nay, bác sĩ đã tư vấn và điều phối điều trị nhiều trường hợp HSSV gặp vấn đề tâm lý khẩn cấp. Tình trạng thường gặp của các em là gì và cần làm gì để hỗ trợ các em kịp thời, hiệu quả, thưa bác sĩ?
- Có hai trường hợp chúng tôi đang tư vấn, điều trị có những biểu hiện điển hình. Ca đầu tiên là bệnh nhân Huỳnh L. (22 tuổi), SV năm thứ 3, tính tình năng nổ, tham gia tích cực các hoạt động của trường.
Giai đoạn giãn cách xã hội, em L. phải học và thi online tại nhà. Trong một lần thi, hệ thống điện ở nhà tắt đột ngột nên em bị bỏ thi một môn.
Một lần khác, em bị nhập sai điểm do lỗi hệ thống. Em L. đã báo vấn đề này với nhà trường nhưng chưa sửa được điểm. L. còn đăng ký học cải thiện 4 tín chỉ nhưng cũng không được như mong muốn. Những điều này khiến em lo lắng kết quả đầu ra tốt nghiệp.
Từ đó, em có các biểu hiện rối loạn về cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực dẫn đến các vấn đề về tâm lý và cơ thể như: thức khuya 2-3 giờ sáng mới đi ngủ, khó đi vào giấc ngủ; khó kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc; cảm thấy căng thẳng, nhiều áp lực; học không tập trung; hay cáu gắt, giảm động lực trong việc học; cảm giác hối hận về thời gian đã qua mình không tập trung học hành.
Không chỉ chất lượng cuộc sống, hiệu quả học tập bị ảnh hưởng mà các mối quan hệ với gia đình của em cũng theo đó bị tác động không tốt.
Tiếp nhận trường hợp này, Tổ tư vấn của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đã can thiệp hướng dẫn bệnh nhân các kỹ năng trong liệu pháp giải quyết vấn đề. Hiện tại, bệnh nhân cảm thấy tự tin hơn và vượt qua được áp lực tâm lý.
Trường hợp thứ hai cũng là một SV, tâm trạng bồn chồn, lo lắng, bất an của em đã xuất hiện từ năm cấp 3, đến nay thì tình trạng nặng thêm. Lúc căng thẳng quá, em có thể bỏ trắng bài thi. Em thường tự đặt áp lực cho bản thân, luôn so sánh mình với bạn bè cùng lứa.
Khi đứng trước một vấn đề nào đó ngoài tầm kiểm soát hoặc chưa biết cách ứng phó kịp, bệnh nhân thường run rẩy, khóc, không suy nghĩ được, “não đóng băng”, khó thở, nhịp tim nhanh. Hiện tại, bệnh nhân học online ở nhà nhưng vẫn thiếu tập trung và khó tạo động cơ tốt trong học tập. Vì vậy, bệnh nhân lại lo lắng kết quả không tốt và lo lắng cho tương lai.
Chia sẻ với các bác sĩ, em mong muốn tìm được cách giúp bản thân bình tĩnh khi đứng trước những tình huống bất ngờ; tạo được hứng thú cho bản thân, giảm những suy nghĩ tiêu cực.
Để can thiệp trường hợp này, Tổ tư vấn đã hướng dẫn bệnh nhân các kỹ năng giải quyết vấn đề, cách giảm quá tải, tạo động cơ tích cực bằng phương pháp làm tăng động cơ, xây dựng mục tiêu phù hợp...
Qua những trường hợp trên cho thấy, việc phát hiện, can thiệp sớm rất quan trọng, bởi nhờ đó công tác hỗ trợ dễ dàng đạt được kết quả hơn.
Nếu các biểu hiện chỉ mới bắt đầu, chưa ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống, việc can thiệp sẽ có tác dụng giúp các em nhanh chóng hòa nhập và thích nghi trở lại. Gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc quan tâm phát hiện sớm những biểu hiện bất thường về cảm xúc và hành vi của con em, từ đó gần gũi và nhắc nhở thêm.
Nếu những cảm xúc và hành vi không phù hợp đó ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống thì nên tìm đến cơ sở trị liệu để được hỗ trợ đúng lúc.
* Thưa bác sĩ, việc sử dụng thiết bị điện tử để học tập và vui chơi giải trí chiếm phần lớn thời gian trong ngày về lâu dài có thể khiến các em bị lệ thuộc hoặc nghiện điện thoại, máy tính hay không
- Học online trong giai đoạn giãn cách xã hội là giải pháp tình thế tốt nhất. Tuy nhiên, mỗi giải pháp đều có mặt lợi và hại của nó. Nếu không duy trì việc học online, các kiến thức và thói quen học tập sẽ suy giảm dần. Vấn đề là HSSV học online như thế nào và vai trò, sự quản lý của cha mẹ trong việc con cái sử dụng thiết bị điện tử ra sao.
Để đạt hiệu quả tốt trong sử dụng thiết bị thông minh phục vụ việc học và giải trí, cần lưu ý các điều sau: Cha mẹ thảo luận với con mặt lợi và hại của học online, cách sử dụng thiết bị điện tử hữu ích. Mỗi người tự tìm cho mình các hoạt động lành mạnh trên không gian mạng thay vì tốn nhiều thời gian vô bổ; trao đổi với bạn bè, người thân làm thế nào để sử dụng thiết bị điện tử trong giai đoạn này một cách tốt nhất.
Cha mẹ cũng nên làm mô hình để trẻ tuân theo (cha mẹ không nên sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều). Gia đình cần dành thời gian nói chuyện, trao đổi trực tiếp với nhau.
Nếu không, chúng ta sẽ tạo thói quen không tốt trong giao tiếp, khiến trẻ ham thích các chương trình không lành mạnh trên mạng. Vì thế, các thành viên trong gia đình cũng có thể xung đột về việc sử dụng thiết bị điện tử.
Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đang kê toa thuốc trực tuyến cho bệnh nhân. Ảnh: NNCC |
* Đối với HSSV đầu cấp, áp lực học online và sự thiệt thòi của các em có lẽ còn lớn hơn các độ tuổi khác. Theo bác sĩ, việc chuẩn bị và hỗ trợ tâm lý cho các em cần những gì?
- Chuyển tiếp các cấp học là giai đoạn dễ khủng hoảng tâm lý, nay lại thêm khủng hoảng vì dịch bệnh thì vấn đề sẽ lớn hơn. Cách học mới; bạn bè, thầy cô mới mà lại phải học theo phương pháp hoàn toàn khác so với bình thường dễ khiến tâm lý các em không ổn định. Đặc biệt, nếu cha mẹ quan tâm và lo lắng quá mức thì vấn đề càng trở nên nặng nề thêm.
Để giải quyết điều này, đầu tiên là ổn định tâm lý cho cha mẹ. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị môi trường học phù hợp (phòng học, máy móc…); thảo luận với con về cách học; có thời khóa biểu rõ ràng cho việc học trực tuyến, trực tiếp và thiết kế các hoạt động giải trí giữa giờ phù hợp.
Ngoài ra, các thói quen ăn, ngủ cũng dễ bị thay đổi trong thời gian giãn cách xã hội. Trẻ có tình trạng sinh hoạt tự do, không đúng giờ giấc, nếu thành thói quen sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập sau này. Do đó, đây cũng là điều gia đình cần lưu tâm.
* Cách cơ bản nhất để HSSV có thể vượt qua các khó khăn do dịch bệnh hiện nay là gì, thưa bác sĩ?
- Những khó khăn như hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến việc học mà còn cả vấn đề phát triển tâm lý của các em. Việc học cần có động cơ để duy trì.
Trong giai đoạn bình thường, việc học được duy trì một phần do áp lực từ giáo viên, một phần do tính tự giác của người học. Việc học tập cũng được thực hiện thông qua các bài giảng của thầy cô và qua sự giao tiếp, trao đổi, cũng như các hoạt động xã hội khác.
Ngược lại, trong giai đoạn online như hiện tại, sự ảnh hưởng trực tiếp của giáo viên có phần giảm, các nguồn kết nối bên ngoài lại đứt quãng nên gây ra nhiều trở ngại hơn. Học tập khó khăn và cũng không xác định được tương lai chuyện học hành như thế nào trong bối cảnh các nguồn hỗ trợ học tập và phát triển tâm lý - xã hội bị hạn chế tạo nên căng thẳng rất lớn đối với HSSV.
Ngoài ra, hằng ngày thường xuyên tiếp nhận tin tức về đại dịch, nhất là các thông tin không tốt hoặc tin không chính thống sẽ tạo cảm giác hoang mang trong các em.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, đây là một thử thách để thể hiện tính chủ động, sáng tạo của các em và phụ huynh.
Hơn lúc nào hết, cách cơ bản nhất chính là vận dụng đến tính chủ động ứng phó trước hoàn cảnh và tự mình vượt qua khó khăn. Đây là lúc các em khám phá sức mạnh lớn hơn của bản thân mình.
Sự thông minh, sáng tạo cũng sẽ hướng các em đến những hoạt động, suy nghĩ lạc quan, từ đó góp phần giảm thiểu các vấn đề tâm lý tiêu cực.
THU HOA thực hiện