1. Nga quyết định về quê sau chuỗi ngày đấu tranh tâm lý dữ dội.
Cô vừa bỏ việc, chẳng phải vì có công việc tốt hơn hay mới phác họa ra một định hướng sự nghiệp mới. Chỉ là, một buổi chiều tan tầm, khi kẹt cứng giữa dòng xe đông đúc, cô bỗng tự hỏi mình là ai, muốn gì ở cuộc đời này, và sẽ về đâu? Những câu hỏi cứ ngỡ chỉ các bạn trẻ tuổi đôi mươi mới bước chân vào đời tự vấn, nhưng nực cười thay, người đàn bà hơn 30 như cô lại không có câu trả lời thỏa đáng cho mình.
Cũng có thể, vào lúc ấy Nga có nghĩ đến Khôi. Mấy ngày trước, cô bắt gặp dòng trạng thái lâng lâng men tình trên dòng thời gian của anh. Người anh yêu thế nào nhỉ? Cô ấy chắc hẳn có mái tóc dài tha thướt, Khôi thích con gái tóc dài. Đây cũng là lý do khiến Nga quyết tâm nuôi tóc và đến nay vẫn không nỡ cắt dù đã không còn anh bên cạnh. Cô và Khôi chia tay trong êm đẹp, lặng lẽ như khi cả hai bắt đầu. Khôi bảo hãy giữ liên lạc như những người bạn tốt nhưng chưa bao giờ tìm cô, cũng như cô không bao giờ đủ can đảm nhắn cho anh mặc dù không thể ngăn mình xới tung tất cả trang mạng xã hội của anh hằng ngày. Cuộc sống của Khôi hẳn đã đổi khác nhiều lắm, anh vốn là người năng nổ. Còn cô thì vẫn vậy, công việc cũ, những mối quan hệ cũ, và cả một vùng ký ức cũ, nơi đâu cũng có hình ảnh của Khôi.
Ngày cô nộp đơn xin thôi việc, sếp khuyên bảo hết lời không được, quay ra thở dài:
- Em cứ mơ mộng cảm tính như vậy khéo thiệt thân. Hơn ba mươi rồi, yên phận một chỗ chả hay hơn là lông bông cạnh tranh với bọn trẻ. Chả lẽ em bỏ hết công sức xây dựng nơi đây mà bắt đầu lại từ số không, lại ngay lúc dịch bệnh phức tạp thế này.
Công việc của cô không hẳn là tệ, giữa thành phố xô bồ này, có một việc làm hành chính tử tế, tiền bạc ổn định. Nhưng cô luôn cảm thấy vòng quay nhàm chán này đang vắt kiệt mình từng giờ từng phút. Khoảng trống trong lòng cô cứ ngày một rộng, nỗi cô đơn cứ dày thêm.
2. Quê nhà đón cô bằng một cơn mưa tầm tã. Má cô cứ càm ràm vì cô không mặc áo mưa, dầm mưa đầu mùa là dễ bệnh lắm. Bà nấu một nồi lá xông rõ to để cô tắm. Hơi nước nhanh chóng ngập tràn không gian với thơm lừng mùi của lá bưởi, sả, gừng và cây mùi già. Nga nhắm mắt nghĩ ngợi nên nói gì với má, bà vẫn chưa biết cô đã thôi việc.
Má Nga nghiêm khắc, ít nhất với vai trò làm mẹ. Bà không răn đe bằng roi nẹt nhưng bảo ban Nga từng chút một. Con bà không cần giỏi giang hơn người nhưng phải hiếu kính, lễ nghĩa, cư xử biết trên biết dưới.
Nhớ ngày xưa, có lần Nga hùa theo lũ bạn hái trộm xoài nhà ông Tám Tự. Ông Tám ôm bọc xoài non bị lũ con nít nửa hái ném nhau, nửa ăn dở vất đầy mấy gốc xoài tới từng nhà mắng vốn. Đó là lần duy nhất mẹ đánh Nga một roi, đánh xong bà vứt roi ngay rồi nức nở: “Dù má không giàu có gì, má chịu cực chịu khổ ra sao cũng không để con phải thiếu thốn đến mức ăn cắp ăn trộm. Đói cho sạch, rách cho thơm, má không có đứa con hư đốn như vậy”. Chưa bao giờ Nga thấy má giận dữ đến thế. Cô bé Nga ngày ấy chỉ biết òa khóc: “Má ơi, con sai rồi, con không dám nữa, con không dám nữa đâu”. Bữa đó, má không chỉ bắt Nga cúi đầu xin lỗi mà còn sang quét vườn cho ông Tám Tự đúng một tháng trời mới nguôi giận.
Nga nhất nhất nghe lời má phần vì kính sợ, nhưng phần nhiều vì thương, cô không muốn bà phải buồn lòng. Với cô, má còn là ba, là ông, là bà, là tất cả những gì người ta nhắc đến trong gia đình. Má không kể về ba, thậm chí Nga không biết cả họ của ông. Má cũng không nhắc về bà con nội ngoại, và Nga chưa bao giờ được gặp mặt họ, như thể trên thế gian này chỉ có mình má đơn độc chống chọi với mọi thứ. Hồi nhỏ, Nga cũng từng thắc mắc khi nhìn thấy gia đình của bạn bè có đủ ba đủ má. Những lúc ấy, má chỉ ôm cô vào lòng thỏ thẻ, gia đình của má chỉ có cô con gái bé bỏng này thôi. Sau này, Nga không hỏi nữa, cô không muốn gợi lại nỗi đau trong má; vả lại, cô cũng chỉ cần có má là đủ. Nhưng mỗi khi giặt bộ quần áo làm hồ lấm lem vết bẩn của má, khi thấy má tranh thủ xới thêm mảnh đất sau vườn trồng rau, cô lại khao khát nhà có một bờ vai đàn ông rắn rỏi để đỡ đần cho má. Có lẽ vì vậy mà cô bị Khôi thu hút bởi anh luôn ân cần và chu đáo trong việc chăm sóc mọi người xung quanh.
- Sao nay con lại về? Được nghỉ phép à? - Má xới cơm ra chén cho Nga hỏi.
- Con nghỉ việc rồi má ạ. - Nga trả lời, rồi ngần ngừ nói thêm - Con sẽ tìm việc mới.
- Nghỉ một thời gian cho khỏe đi con. Làm lụng thì cả đời, nhưng sức khỏe là vốn quý, sau có muốn mua lại cũng không được. Má nhìn bây ốm tong teo rồi.
Nga hơi bất ngờ vì thái độ của má. Ngày xưa nghèo khó đến đâu má cũng không cho Nga bỏ học, dù nhiều đứa con gái trong xóm học hết cấp 3 đã lục tục lấy chồng sinh con. Má nói phải có cái chữ mới đỡ khổ, đời má coi như xé nháp cho đời cô khá khẩm hơn. Những nụ cười hiếm hoi của má cũng chỉ xuất hiện khi cô đạt được thành tích tốt trong học tập. Lúc Nga lên Sài Gòn học đại học rồi quyết định sẽ lập nghiệp ở đấy, má ở nhà vò võ một mình nhưng chưa bao giờ than thở. Bà vẫn hay khoe với hàng xóm là có con gái học hành giỏi giang, đang làm việc trên thành phố.
Cô ngập ngừng:
- Hơn 30 tuổi đầu mà còn thất nghiệp lông bông, con có làm má thất vọng không?
Má Nga cười hiền:
- Công việc của bây, má tin bây tự biết sắp xếp. Bây liệu sao mà sống vui vẻ, đàng hoàng tử tế là má mừng rồi. Còn giờ bây cứ ở đây, má nuôi. Rau cải sau hè, cá dưới mương, gà thì má gầy cả đàn, không lo thiếu thốn.
Nga nghe nghèn nghẹn ở cổ. Má luôn là chỗ dựa vững chãi cho cô, dù là lúc trước hay bây giờ. Cứ ngỡ mình đã đủ lớn đủ khôn để bước qua những va vấp cuộc đời, nhưng mỗi khi về đây với má, cô mới thấy lòng an yên, dường như mọi giông bão đã lùi sau đôi tay lam lũ ấy. Cô bỗng thèm được vùi đầu vào lòng má và òa khóc ngon lành như thời xưa trẻ.
3. Ban ngày ở quê vắng vẻ và im ắng, không tiếng còi xe, chẳng tiếng hàng quán xôn xao. Chỉ có các ông bà lão ở nhà trông cháu cho đám con đi làm, nuôi thêm ít con gà con vịt, chăm vườn tược cho khuây khỏa tuổi xế chiều, thi thoảng xóm giềng mới qua lại thăm hỏi.
Mấy hôm nay Nga cứ ra vô ở nhà, thú vui điền viên phần nào làm dịu đi những câu hỏi khó chịu trong cô. Duy chỉ có nỗi nhớ Khôi vẫn âm ỉ, ngày nào cô cũng lén lút vào trang cá nhân của anh mấy lượt.
Bà Năm dẫn theo con nhóc tầm năm tuổi sang biếu rổ khoai đầy ụ, liến thoắng:
- Gửi cô ăn lấy thảo, cái vườn nhỏ xíu mà củ nào củ nấy to đùng. Nè Gạo, thưa dì đi con!
Con bé vẫn níu áo bà, lấm lét nhìn Nga với đôi mắt to đen láy, cúi đầu:
- Em thưa chị!
- Sao lại thưa chị? Phải là dì mới đúng!
- Dì là phải như Dì Lan kìa. Chị này trẻ, Gạo thưa chị thôi.
Nga nhìn con bé đối đáp ngây ngô với bà mà không khỏi bật cười. Từ hôm đó, Gạo sang suốt, nó có vẻ rất quý Nga. Có con bé ríu rít bên cạnh, Nga cũng bớt nghĩ ngợi lung tung.
- Chị Nga có nhiều sách quá! Má Gạo nói Gạo phải chăm đọc sách thì mới học giỏi được. Nhưng Gạo chỉ đánh vần được mấy câu là đã buồn ngủ rồi. Chị Nga ơi, chị cho Gạo cái này nhé, Gạo thích cái này lắm!
Nga nhìn sang thì thấy con bé đang ôm khư khư tập tranh vẽ của mình. Ngày xưa, Nga mê vẽ lắm, và cũng được thầy cô nhận xét là có khiếu vẽ. Đến tận những năm đầu đi làm, Nga vẫn tiếp tục vẽ, thậm chí cô còn tham gia các lớp học vào cuối tuần và đầu tư một bộ màu cọ xịn với ao ước sẽ tạo nên kiệt tác. Nhưng cũng chính cô đã vùi giấc mơ này dưới guồng quay cơm áo gạo tiền và quên mất nó.
- Chị Nga có chuyện buồn à?
- Chị không buồn, sao Gạo lại hỏi vậy?
- Vì chị Nga ít khi cười lắm. Khi Gạo buồn, Gạo cũng không cười. Gạo dẫn chị Nga tới chỗ này, chị Nga sẽ hết buồn liền. Nhưng chị Nga hứa không được nói cho ai biết nhé, đây là chỗ bí mật của Gạo.
Chỗ bí mật mà Gạo nói là cái đồi thấp nằm phía sau trường học. Con bé hăng hái kéo tay Nga:
- Đây là Đồi Gió! Mỗi khi bị ngoại la, Gạo hay ra đây. Thần Gió sẽ lấy hết nỗi buồn của con người. Chị Nga làm theo Gạo để Thần Gió lấy buồn của chị đi nha!
Nói rồi con bé nhắm nghiền mắt, dang rộng tay chân, vươn vai ưỡn ngực. Sau cơn mưa tối qua, bầu trời như được gột rửa trong vắt, không gợn bóng mây. Nga nhắm mắt, dang tay, hít một hơi thật sâu, cảm nhận gió dịu dàng len qua từng kẽ ngón tay, luồn qua vạt áo và thổi tung mái tóc đang xõa dài của cô ra sau. Trong hơi gió vẫn còn mang ít hơi ẩm mát lành và hương hăng hăng nhẹ nhàng của cỏ dại. Đã từ rất lâu rồi cô chưa để lòng mình tĩnh lặng thế này.
- Chị Nga ơi, Thần Gió đã lấy hết buồn của chị chưa?
Nga nhoẻn cười, xoa đầu con bé:
- Thần lấy đi hết rồi. Cảm ơn bé Gạo nhé!
Con bé cười tít mắt:
- Gạo đã nói rồi mà!
Tối hôm đó, lần đầu tiên sau hàng mấy năm, Nga cầm lại cọ vẽ. Trong bức tranh ấy, có má, có bé Gạo và ngọn Đồi Gió xanh rì, những ngọn cỏ rợp nghiêng theo chiều gió.
4. Hôm Nga lên xe về thành phố, bé Gạo cứ bịn rịn mãi. Nó ôm tay Nga:
- Chị Nga nhớ về thăm Gạo nha!
Nga xoa đầu nó:
- Chị Nga sẽ về suốt luôn. Bé Gạo ở nhà phải ngoan ngoãn, học giỏi nhé.
Má đưa cô một gói đồ ăn dọc đường, dặn dò phải giữ gìn sức khỏe.
Nga bước lên xe, đặt chiếc ba lô lên kệ để đồ, khẽ lấy bức tranh Đồi Gió ra ngắm. Hôm qua, cô đã lặng lẽ bỏ theo dõi Khôi, cô cần phải bước tiếp thay vì cứ đứng yên hối tiếc những gì đã qua, dù rằng những kỷ niệm đẹp đẽ của cả hai những ngày xa cũ vẫn được cô gói ghém cẩn thận ở một góc tim.
Xe chạy được một quãng, khi nhìn lại cô vẫn thấy má và bé Gạo đứng đấy. Con bé ra sức vẫy tay, còn má thì cứ như bất động. Nhưng cô biết, má đang mỉm cười…
THANH LAM