Phú Thuận, dấu xưa chùa cổ

.

Phú Thuận là làng (xã) thuộc tổng Quảng Hòa, phủ Duy Xuyên; nay thuộc xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Làng này xưa có tên gọi là Phú Thọ, thuộc huyện An Nông, phủ Điện Bàn, xứ Quảng Nam. Không chỉ gắn với chợ Phú Thuận, bến đò Phú Thuận vang bóng một thời, nơi đây vào thời chúa Nguyễn từng có một ngôi chùa cổ - chùa Phú Thuận. Thác bản văn bia ngôi chùa cổ này còn lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm cung cấp cho hậu thế nhiều thông tin quan trọng.

Trong một bài viết đăng trên Tập san Pháp Luân (Trao đổi Kiến thức Cơ bản về Phật học) số 76, tr.92, 2011, tác giả Ngô Quốc Trưởng cho hay, trong thời gian tìm đọc tư liệu văn bia tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ông tìm được thác bản Phú Thuận xã tự bi. Đây là văn bia có trang trí hoa văn theo dạng văn bia tại Bắc Hà. Tráng bia có hình mặt nhật hai bên có tua lửa, diềm bia trang trí dây lá, đế bia trang trí hoa sen, mặt trên để trống. Văn bia có 11 dòng, mỗi dòng số chữ không nhất định, dòng có số chữ nhiều nhất là 22 chữ, chữ viết trên bia không nhất định, có lúc viết chữ lớn nhỏ không đều. Nội dung văn bia (phiên âm) như sau:

Chùa Phú Thọ (thôn Phú An, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) được xây dựng trên nền chùa cũ. Ảnh: V.T
Chùa Phú Thọ (thôn Phú An, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) được xây dựng trên nền chùa cũ. Ảnh: V.T

“Tam bảo chứng minh.

Đại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Điện Bàn phủ… phụng Phật tạo lập bi thạch. Kim hội chủ Phan Thời Định tự Như Đạt, Lê Thị… hiệu Diệu… tạo lập tự nhất tòa điền ngũ cao Thầy Bạn xứ cúng Tam bảo dĩ tôn Phật pháp.

Nội bản đạo Phan Thời Trí tự Như Thông cúng điền nhị sào… bản xã cúng điền nhất mẫu nhị cao…  xứ, bản đạo Phan Phước Trường tự… Phan Thời Ân, Phan Thời Huệ, tín nữ Trần Thị Dường hiệu Diệu Tú, Lê Thị… Ung Thị Tới hiệu Diệu Minh, Phan Thị Đích hiệu Diệu… dục truyền tạo tự di lưu phúc cơ vạn thế. Nguyễn Thị Đẳng hiệu Diệu Cao.

Thiên vận Canh Ngọ niên thất nguyệt sơ nhị nhật tạo tự”.

Dịch nghĩa:

“Tam bảo chứng minh.

… phủ Điện Bàn, xứ Quảng Nam, nước Đại Việt thờ Phật lập bia đá. Nay hội chủ Phan Thời Định tự Như Đạt, Lê Thị… hiệu Diệu… tạo lập chùa một tòa cúng ruộng 5 sào tại xứ Thầy Bạn cúng làm ruộng Tam bảo để tôn sùng Phật pháp.

Nội bản đạo Phan Thời Trí tự Như Thông cúng ruộng hai sào… bản xã cúng ruộng một mẫu hai sào… xứ, bản đạo Phan Phước Trường tự… Phan Thời Ân, Phan Thời Huệ, tín nữ Trần Thị Dường hiệu Diệu Tú, Lê Thị… Ung Thị Tới hiệu Diệu Minh, Phan Thị Đích hiệu Diệu… muốn lập chùa để lại nền phúc muôn đời. Nguyễn Thị Đẳng hiệu Diệu Cao.

Lập chùa ngày mồng 2 tháng 7 năm Canh Ngọ”.

Phú Thuận xã tự bi không chỉ cung cấp một số thông tin về địa danh, về vấn đề ruộng đất, về vai trò của nhà chùa đối với làng xã xưa mà còn phản ảnh sự phát triển của thiền phái Lâm Tế dòng Đột Không - Trí Bản. Dòng này có sự ảnh hưởng lớn đến Phật giáo Đàng Trong.

Trong Phú Thuận xã tự bi có một thông tin đáng chú ý: “Nay hội chủ Phan Thời Định tự Như Đạt, Lê Thị… hiệu Diệu… tạo chùa một tòa, ruộng 5 sào tại xứ Thầy Bạn cúng làm ruộng Tam bảo để tôn sùng Phật pháp. Nội bản đạo Phan Thời Trí, tự Như Thông cúng ruộng 2 sào…”. Cách ghi này giống với bia chùa Phổ Khánh (tức chùa làng Ái Nghĩa, tọa lạc tại thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam): “Hội chủ Lê Cao Trí, tự Chân Thuyên, Nguyễn Thị Diệp, hiệu Diệu Huệ…”.

Theo tác giả Ngô Quốc Trưởng, cách ghi tên tự cho người đàn ông, tên hiệu cho phụ nữ như trên là cách ghi theo truyền thống của người Việt tại Bắc Hà. Cách ghi này chỉ xuất hiện trên các văn bia cùng một số giấy tờ thời các chúa Nguyễn. Theo cách ghi tên tự Như Đạt đối với ông Phan Thời Định và Như Thông đối với ông Phan Thời Trí cho thấy có thể họ quy y Tam bảo với một vị sư có nguồn gốc thuộc dòng thiền Lâm Tế, kệ phái dòng Trí Bản - Đột Không. Dòng thiền được truyền thừa vào Đàng Trong rất sớm, có bài kệ phái tương truyền được ngài Trí Bản - Đột Không, đời 14 tông Lâm Tế khai sáng.

Tại Quảng Nam, bài kệ được truyền thừa bởi Thiền sư Minh Châu Hương Hải (từng lập am tu trên ngọn núi Tiêm Bút La, tức Cù Lao Chàm; nay thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam - ĐNCT). Vua Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn đều rất kính nể đạo hạnh và tài năng của thiền sư.

Trở lại với Văn bia chùa Phú Thuận. Văn bia ghi “lập chùa ngày mồng 2 tháng 7 năm Canh Ngọ” nhưng lại không ghi niên hiệu nên có những cách suy đoán về năm lập chùa. Theo tác giả Ngô Quốc Trưởng, qua sự đối chiếu với bia chùa Phổ Khánh, có thể nhận thấy hai văn bia từ nội dung cho đến hình thức trang trí có nhiều điểm tương đồng, suy ra niên đại của hai văn bia chênh lệch không bao nhiêu. Bia chùa Phổ Khánh lập năm Vĩnh Trị thứ 3 (1678) nên cho phép suy ra văn bia chùa Phú Thuận lập năm Canh Ngọ - 1690. Tác giả cho rằng, đây cũng chính là niên đại lập chùa Phú Thuận.

Tuy nhiên, theo tư liệu Xã chí của tỉnh Quảng Nam mà Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang lưu giữ, bia chùa Phú Thuận được xây dựng vào năm Đức Long thứ 2, đời vua Lê Thần Tông (Lê Duy Kỳ), tức năm Canh Ngọ - 1630. Nghĩa là chùa Phú Thuận có trước chùa Phổ Khánh gần nửa thế kỷ! Cũng theo tư liệu này, trước Cách mạng Tháng Tám (1945), chùa Phú Thuận vẫn còn và có bảy tượng Phật bằng gỗ và đất, một hậu tẩm nhỏ.

Có lẽ do chiến tranh tàn phá, chùa Phú Thuận và văn bia không còn nữa nhưng danh xưng "chùa" vẫn còn phảng phất nơi các địa danh trong vùng như Gò Chùa, Giếng Chùa, Cầu Chùa… Tại thôn Phú An, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, hiện tọa lạc một ngôi chùa khá bề thế mang tên chùa Phú Thọ, được xây dựng lại trên nền đất chùa cũ. Trong lúc khai quang, thợ xây dựng đã tìm thấy dưới lòng đất một số cổ vật, trụ cột và tường vách năm nào của một ngôi chùa cổ. Phải chăng đấy là dấu tích chùa Phú Thuận xưa?

VÂN TRÌNH

;
;
.
.
.
.
.