TUỔI TRẺ CỐNG HIẾN

Lan tỏa và chia sẻ

.

Hai năm trước, cơn bão số 9 (Molave) ảnh hưởng đến thành phố Đà Nẵng, gây gió giật và mưa lớn, để lại hơn 7.000 tấn rác dọc các bờ biển. Lượng rác quá nhiều khiến Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phải huy động hàng ngàn tình nguyện viên tham gia dọn dẹp, vận chuyển rác đến điểm tập kết.

Sinh viên Đại học Đà Nẵng tham gia hoạt động trồng cây tại huyện Hòa Vang trong tháng 3-2021. Ảnh: H.L
Sinh viên Đại học Đà Nẵng tham gia hoạt động trồng cây tại huyện Hòa Vang trong tháng 3-2021. Ảnh: H.L

Thời điểm ấy, Thành Đoàn Đà Nẵng cũng huy động gần 5.000 học sinh, sinh viên, đoàn viên khối quận, huyện, lực lượng vũ trang, bộ đội, công an, trường học thu gom, làm sạch bãi biển và các tuyến đường trong khu dân cư.

Chuỗi hoạt động bảo vệ môi trường biển cũng diễn ra rầm rộ năm 2021, khi Thành Đoàn phối hợp với Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch thực hiện chương trình “Hãy làm sạch biển”. Đối tượng chính tham gia các hoạt động này, không ai khác, là học sinh, sinh viên, thanh niên đang tham gia sinh hoạt tại các tổ chức Đoàn.

Sự đóng góp công sức của lực lượng đoàn viên, thanh niên cho thành phố là điều dễ nhận thấy trong hơn 2 năm diễn ra dịch bệnh, trong hàng chục km giao thông nông thôn, trong hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, ươm tạo tài năng trẻ…

Cũng tại Đà Nẵng, có thời điểm Đoàn thanh niên trực tiếp giúp đỡ, cảm hóa thanh, thiếu niên chậm tiến. Nhiều bạn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó: theo sát, hỗ trợ các đối tượng từng có hành vi sai trái như tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, sử dụng ma túy, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng… Khó, bởi đối tượng thanh niên chậm tiến thường ít chia sẻ, ít lắng nghe những  khuyên nhủ, góp ý  từ gia đình, người thân và các tổ chức xã hội.

Một đoàn viên, thanh niên từng chia sẻ rằng, mỗi lần biết bạn đến nhà thì thanh niên chậm tiến do bạn phụ trách trốn trong phòng, không chịu ra gặp, tuy nhiên bằng trách nhiệm, bạn tìm cách kết nối qua tin nhắn zalo, facebook để hiểu hơn tâm tư, tình cảm, tìm phương pháp tiếp cận phù hợp. Qua rất nhiều lần trò chuyện, cuộc cảm hóa đó đã thành công, thanh niên này chịu cai nghiện, đi học nghề và hiện làm việc tại một gara ô-tô trên địa bàn quận Sơn Trà.

Hoạt động tình nguyện là phong trào lớn, có ý nghĩa với các thế hệ đoàn viên, thanh niên. Hoạt động này mang đến nhiều giá trị tốt đẹp khi vừa đóng góp sức trẻ, vừa thể hiện tình cảm, trách nhiệm của thanh niên đối với quê hương, đất nước. Sức sống của phong trào không chỉ thể hiện ở số lượng mô hình, phần việc, công trình thanh niên, mà ở tinh thần sáng tạo, ở sự chịu thương, chịu khó và từng thành viên sẽ trưởng thành hơn trước những vấn đề xã hội.

Cụ thể, trong mỗi chương trình tình nguyện, thanh niên buộc phải học cách ứng xử phù hợp, khéo léo. Kiểu như bạn không thể khoác lên người bộ váy thật đẹp, trang điểm thật lộng lẫy và mang giày cao gót khi đến thăm, tặng quà các em nhỏ vùng sâu, vùng xa; bạn cũng không thể ăn nói bổ bã, phớ lớ khi gặp người cao tuổi, ốm đau bệnh tật và bạn càng không nên nhặt rác tại điểm này nhưng lại xả ở điểm khác… Cứ như vậy, thói quen tốt được hình thành, ăn sâu vào tính cách, hành động và cách ứng xử của mỗi bạn trẻ.

Để phù hợp hơn với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh niên, các cấp bộ Đoàn đang tích cực đổi mới cách thức tổ chức, nâng cao chất lượng phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”, “Tuổi trẻ sáng tạo”… Đặc biệt, các cuộc thi năng khiếu, hội thi chuyên ngành được tổ chức thường xuyên nhằm phát hiện nhân tố tài năng, có triển vọng để tiếp tục bồi dưỡng. Không đứng ngoài các vấn đề chính trị, xã hội, Đoàn cũng tích cực tham mưu, đóng góp ý kiến về cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát huy tài năng trẻ trong Luật Thanh niên 2020 và giới thiệu hàng trăm quần chúng ưu tú đứng vào hàng ngũ Đảng.

Ở một khía cạnh khác, dù tổ chức được nhiều chương trình chất lượng nhưng trên thực tế, các tổ chức Đoàn vẫn chịu một áp lực rất lớn như làm thế nào giúp phong trào thanh niên ngày càng lan tỏa, có chiều sâu, tránh xu hướng “đến hẹn lại lên”, gói gọn trong hai chữ “mô hình” là trăn trở của mỗi người cán bộ đoàn. Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn kinh phí hạn hẹp là một trong những nguyên nhân khiến các chương trình, hành động của Đoàn gặp khó khăn.

Và để khắc phục vấn đề này, ngoài sức trẻ, sự nhiệt huyết, rất nhiều cơ sở Đoàn đã và đang tổ chức các hoạt động gây quỹ, với hy vọng mỗi đoàn viên, thanh niên sẽ học được đức tính chịu khó và không bao giờ từ bỏ. Trong câu chuyện này, hiểu để thương cũng là cách chúng ta chia sẻ, tiếp sức để phong trào Đoàn ngày một lan tỏa, mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.