Các loại chiếu thủ công

.

* Chiếu dệt thủ công ngoài hai loại thông thường là chiếu trơn và chiếu hoa còn có loại nào khác nữa không? Nguyên liệu chính cho nghề này là gì? (Nguyễn Thị Vân, quận Hải Châu, Đà Nẵng).

- Ở Đà Nẵng, làng nghề dệt chiếu Cẩm Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) sản xuất chủ yếu 2 loại là chiếu trơn và chiếu hoa. Chiếu trơn được dệt bằng sợi lác mộc không nhuộm màu, được tiêu thụ rộng rãi trong giới bình dân. Dệt chiếu trơn chỉ dùng sợi lác trắng, người cầm con thoi (hay con chuồi) thực hiện việc chuồi sợi đan xen theo tuần tự một sợi gốc, một sợi ngọn đảo chiều nhau, bẻ bìa gốc, cứ thế cho đến khi hoàn thành sản phẩm.

Dệt chiếu thủ công tại thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang). Ảnh: V.T.L
Dệt chiếu thủ công tại thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang). Ảnh: V.T.L

Chiếu hoa là loại chiếu trơn đã được in thủ công những họa tiết dân gian từ ba màu căn bản xanh đỏ vàng căn bản. In hoa là phương pháp tạo hoa văn trên chiếu trơn thành phẩm bằng khuôn in, bàn chải lông (hoặc cọ sơn), ván, phảng, giường với các đề tài khác nhau theo nhu cầu của khách hàng. Chiếu sau khi in, màu thuốc in khô thì hấp chiếu bằng hơi nước để màu ăn chặt vào sợi lác. Dụng cụ để hấp chiếu trước đây bằng thùng phuy, nay việc in chiếu hoa đã được chuyên môn hóa, do các cơ sở in với số lượng lớn trong buồng hấp.

Người dân Cẩm Nê còn lưu truyền câu chuyện về một chiếc chiếu hoa được tiến kinh ngày trước. Chiếu rộng 2,5 mét và dài tới 25 mét, được người trong thôn tổ chức sản xuất công phu trong gần một tháng. Khi chiếu ra đến kinh đô Huế, vua không ngớt lời khen ngợi. Vua ban thưởng trọng hậu, sai bảo quản chiếu để trải trên lối đi trước Ngọ Môn vào các ngày lễ. Sau kỳ tích đó, tiếng tăm chiếu Cẩm Nê bay đi khắp nước.

Bà Dương Thị Thông, nghệ nhân làng dệt chiếu Cẩm Nê, cho biết nguyên liệu chính để dệt nên những chiếc chiếu truyền thống là lác và đay, với tỷ lệ 10 lác 1 đay. Lác mua từ Duy Vinh (nổi tiếng với làng dệt chiếu Bàn Thạch), Tam Quan, Cà Mau, Bến Lức… đem phơi khô theo từng kích cỡ trước khi đưa đi nhuộm màu. Trước kia, người ta chỉ sử dụng các màu từ cây lá thiên nhiên. Ngày nay, nhờ vào màu sắc của công nghệ hiện đại, chiếu truyền thống đã có những mảng màu đa dạng và tươi sáng hơn.

Ngày nay, do kỹ thuật phát triển nên một số nơi đã dệt được loại chiếu hoa bằng cách dệt trực tiếp chứ không in hoa như trước. Theo bài viết “Nghề Dệt chiếu lác ở Long An” đăng trên trang dsvh.gov.vn (Cục Di sản Văn hóa), tạo hoa văn bằng kỹ thuật dệt với sợi lác đã được nhuộm màu đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Về hình thức và chất lượng, dệt hoa đẹp hơn dệt thường và bền màu hơn chiếu in hoa. Phẩm màu được pha với nước đun sôi, lọc bỏ cặn rồi nhúng sợi lác cho thấm đều khoảng 10 phút, đem phơi nắng khoảng một ngày. Thông thường, sợi lác được nhuộm các màu xanh, đỏ, vàng và tím (còn gọi là nâu). Ngoài dệt chiếu hoa cơ bản là dệt đan xen giữa sợi cói màu và sợi trắng theo mẫu còn có kỹ thuật dệt các loại chiếu hoa khác nhau như: chiếu phệt, chiếu sọc, chiếu hột mè...

Chiếu phệt là loại chiếu hoa văn được dệt ở chính giữa bằng cách chuồi xen kẽ sợi lác màu và lác trắng theo một trình tự cố định. Chiếu sọc Miên là loại chiếu dệt tạo thành các đường sọc ở giữa chiếu. Người dệt cũng dùng sợi lác màu và sợi lác trắng dệt hai đầu chiếu như cách dệt chiếu phệt, ở giữa chiếu dệt tổ hợp xen kẽ hai màu gồm 6 đoạn, mỗi đoạn dài 10cm. Chiếu hột mè hai đầu dệt như các loại chiếu trên, giữa chỉ dệt hai màu trắng, đỏ (hoặc xanh, đỏ) bằng cách chuồi một gốc một ngọn theo thứ tự trắng đỏ, cứ thế cho đến gặp đầu dí bên kia.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.