Bàn Thạch, ngôi làng của "Tam phụng"

.

Trong lịch sử khoa bảng triều Nguyễn, làng Bàn Thạch có 5 vị cử nhân trong số 51 vị của huyện Duy Xuyên! Đặc biệt khoa thi Hương năm Đinh Mùi làng có ba người cùng đỗ. Đời sau có người gọi Bàn Thạch là đất “Tam phụng”.

Dệt chiếu cói ở Bàn Thạch. Ảnh: V.T.L
Dệt chiếu cói ở Bàn Thạch. Ảnh: V.T.L

Làng khoa bảng nơi giao hòa giữa hai con sông

Bàn Thạch nay là thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, là một làng cổ của Quảng Nam. Theo Tiến sĩ Dương Văn An trong Ô châu cận lục - tác phẩm xưa nhất đề cập một cách đầy đủ nhất hệ thống làng xã ở vùng bắc Quảng Nam, được viết năm 1553 - thì Bàn Thạch vốn có tên là Bàn Cố là một trong 66 làng của huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong dưới triều Nhà Lê.

Không biết vì sao làng Bàn Thạch (hoặc Bàn Cố) lại không thấy tên trong số 138 xã thôn, nhiêu phu, vi tử của huyện Duy Xuyên được liệt kê trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thời các chúa Nguyễn (1776). Phải đợi đến sách Địa bạ Gia Long soạn trong thời kỳ 1812-1818, địa danh Bàn Thạch mới xuất hiện và là một trong số 10 làng của tổng An Lạc Hạ. Theo sách này làng có địa giới:

- Phía đông giáp xã Phúc Sơn (tổng An Thịnh Hạ, huyện Lễ Dương), châu Bà Bồi (thuộc Hoa Châu), xã Thi Lai, xã Vân Quật (tổng Mậu Hòa Trung), xã Triều Châu, xã Bình Khê (An Nhơn Trung, huyện Diên Khánh);

- Phía tây giáp xã Bình Khê, châu Trà Nhiêu (thuộc Hoa Châu);

- Phía nam giáp xã Phú Sơn, châu Hà Bồi;

- Phía bắc giáp xã Bình Khê, xã Triều Châu.

Qua sách Đồng Khánh địa dư chí viết trong khoảng 1887-1890 thì làng Bàn Thạch vẫn là một trong bảy phường, xã của tổng An Lạc Hạ.

Dưới thời Việt Minh, từ năm 1948, Bàn Thạch thuộc xã Duy An. Sang thời Việt Nam Cộng hòa, từ 1954 Bàn Thạch là một trong hai thôn của xã Xuyên An (Bàn Thạch và Thi Lai). Từ sau năm 1975 đến nay Bàn Thạch thuộc xã Duy Vinh.

Bàn Thạch nổi tiếng không chỉ là nơi gặp gỡ giữa hai sông Ly Ly và Thu Bồn, là làng khoa bảng của Duy Xuyên mà còn là làng truyền thống của nghề dệt chiếu. Về Bàn Thạch ta sẽ được nghe câu hát: Em về Bàn Thạch, anh trải chiếu em nắm/ Tình xưa nghĩa cũ mấy mươi con trăng rằm không phai…

Khoa thi có đề bài làm “đau đầu” sĩ tử

Khoa thi Hương năm Đinh Mùi, 1847 ở trường thi Thừa Thiên là một khoa đặc biệt trong khoa cử triều Nguyễn.

Thứ nhất, đây không phải là ân khoa(*) cũng không đúng với chính khoa, vì thi không đúng theo lệ 3 năm một lần mà là khoa thi liền sau khoa thi Hương năm 1846 và cùng năm với khoa thi Hội. Sở dĩ như vậy vì năm 1846 là năm “tứ tuần đại khánh” của vua Thiệu Trị (1807-1847) nên tất cả khoa thi đều được cho là ân khoa. Sách Quốc triều Hương khoa lục (NXB Lao động, 1992, tr.235) của Cao Xuân Dục nói về khoa 1846: “Nhân dịp tứ tuần đại khánh của vua nên mở ân khoa, tăng số lấy đậu, chính khoa thì triển hạn năm sau”. Mặt khác, từ khoa này vua Thiệu Trị ra lệnh cho nâng số người đỗ lên 50 người (thay vì 38 người như quy định cũ) vì “kinh sư là đất đứng đầu tất cả” và “gần đây văn phong ngày một chấn khởi, sĩ số lại nhiều thêm lên”. Tuy nhiên các khảo quan cũng chỉ chọn được có 46 người.

Thứ hai, khoa này, được vinh dự đón vua Thiệu Trị ngự giá đến ngự lãm một số bài thi, một điều rất hiếm đối với các khoa thi Hương. Sách Đại Nam thực lục viết: “Vậy các quan tư xem ngay bên ngoài trường chỗ nào cao ráo rộng rãi, dựng vọng lâu đến kỳ đệ nhị ta sẽ thân đến coi… Truyền chỉ cho quan trường đợi sau khi chấm quyển xong, chọn những quyển văn có thể xem được, lấy dăm ba quyển phong kín tiến lãm” (tr.1043).

Thứ ba, đề thi do Chánh chủ khảo Đỗ Quang ra: Cúc thủy nguyệt tại thử (Vốc nước trông thấy mặt trăng ở lòng bàn tay) bị nhà vua và các đại thần… chê, dù Đỗ Quang là tiến sĩ (đỗ khoa 1832) và đang giữ chức Tham tri bộ Lễ. Đọc đề thi do Tiến sĩ Đỗ Quang ra, vua Thiệu Trị cho rằng: “Đó là cái hư huyễn rất khó làm ra bài. Không biết sĩ tử cấu tứ thế nào cho hay” và “Chủ khảo Đỗ Quang cũng không biết làm thơ dù cho chính tay y làm, chưa chắc đã hay huống chi sĩ tử”. Còn Trương Đăng Quế thì bảo: “Đề bài ấy dầu sĩ tử ở ngoài đến 2 - 3 ngày làm cũng không đủ khả quan được” (Đại Nam thực lục, quyển 6, tr.1043 - 1044).

Khoa thi của những con chim phụng

Thứ nhất, Quảng Nam có đến 9 người đỗ, chiếm 20% số người thi đỗ của cả trường Thừa Thiên, một tỷ lệ khá cao.

Thứ hai, khoa này một sĩ tử Quảng Nam mới 15 tuổi thi đỗ và được xem là vị cử nhân trẻ tuổi nhất của lịch sử khoa cử triều Nguyễn. Đó là Ông Ích Khiêm, người làng Phong Lệ, huyện Hòa Vang. Về chuyện này, sách Đại Nam thực lục cho biết: “Có cử nhân Ông Ích Khiêm, mới 15 tuổi, người Quảng Nam. Vua xem danh sách bảo thị vệ đại thần là Nguyễn Đức Hoạt rằng tú tài các khóa đều có người già về trường ốc, một chàng tuổi trẻ kia sao dễ vậy. Sai đòi ngay Ông Ích Khiêm đến xứ Thị vệ, ngự ra bài thi, đầu đề một bài thơ luật là Thiếu niên đăng cao khoa (Tuổi trẻ đỗ cao). Đến khi quyển dâng lên vua nói: “Tuổi trẻ hơi có tài, tuy ý thơ chưa thông hoạt cho lắm. Có thể lấy được. Có điều tuổi còn ít chưa thể cho ra làm quan, làm hại cả tư chất tốt. Hãy chuẩn cho về quê học tập đợi sau trưởng thành tiến lên cũng chưa lấy gì làm trễ” (sđd, tr.1044).

Đây cũng là khoa Duy Xuyên có “Ngũ tiểu phụng” và làng Bàn Thạch có “Tam phụng”.

Trước đây một số người Duy Xuyên vẫn thường nói đùa rằng Quảng Nam là đất Ngũ phụng còn Duy Xuyên là đất “Ngũ tiểu phụng” để chỉ việc 5 người Duy Xuyên cùng thi đỗ Cử nhân khoa Đinh Mùi 1847, chiếm hơn 50% số người thi đỗ khoa này của Quảng Nam.

Trong số 5 vị cử nhân của huyện, làng Bàn Thạch lại chiếm hết 3 vị, đó là: Võ Thành Doãn vị thứ 21/47, được bổ làm Huấn đạo; Dương Thế Tuyển vị thứ 39/47, được bổ làm tri huyện; và Nguyễn Lập vị thứ 42/47, được bổ làm Tri huyện sau thăng chức Thị lang, cuối đời được cử làm Khâm sai sứ tỉnh Nam Định.

Bàn Thạch xứng đáng với tên gọi: đất “Tam phụng”!

LÊ THÍ

---------------
(*) Ân: ơn, khoa: kỳ thi. Khoa thi đặc biệt nhân dịp một lễ lớn trong thời phong kiến (ĐNCT)

;
;
.
.
.
.
.