Về sự biến âm của từ tiếng Pháp phiên sang tiếng Việt

.

* Hôm rồi đi mua tấm khăn trải giường, tôi thấy có nơi ghi gốc tiếng Pháp là “drap”, có nơi ghi phiên âm sang tiếng Việt là “ga giường”. Vì sao có sự “vênh” khá xa giữa từ gốc Pháp và từ phiên sang tiếng Việt này? (Lương Văn Cung, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

- Theo wikipedia, khăn trải giường, ga trải giường hoặc ra trải giường (từ chữ drap trong tiếng Pháp) là một tấm vải dùng để bao phủ lên bề mặt của một tấm đệm dùng để nằm ngủ.

Cùng chỉ cái khăn trải giường nhưng mỗi nơi có một cách gọi khác nhau. Ảnh: V.T.L
Cùng chỉ cái khăn trải giường nhưng mỗi nơi có một cách gọi khác nhau. Ảnh: V.T.L

Có thể thấy, cách đọc ra trải giường gần với drap trong tiếng Pháp hơn so với ga trải giường. Gần 100 năm người Pháp đô hộ Việt Nam, vì thế tiếng Việt vay mượn khá nhiều từ có nguồn gốc tiếng Pháp (hiện có gần 2.000 từ tiếng Việt có gốc Pháp). Một số người, nhất là giới bình dân, do không biết rõ từ gốc tiếng Pháp mà chỉ nghe loáng thoáng nên “phiên âm” sai với từ gốc khá xa. Ví dụ, bielle - tiếng Việt nghĩa là thanh truyền (từ trục khuỷu tới pít-tông của động cơ đốt trong), nhưng đã biến âm thành dên (xe máy bị lột dên). Niveau, tiếng Việt nghĩa là máy thủy chuẩn (ống bọt nước, ống bọt thủy), đọc là ni-vô, nhưng không ít anh thợ xây dựng cứ gọi là li-gồ...

Sở dĩ có sự chênh lệch khá xa này là do “trước kia, có nhiều từ gốc Pháp khi đưa vào giao tiếp tiếng Việt đã bị Việt hóa cách đọc, biến âm đi khá nhiều” như nhận định của PGS.TS. Phạm Văn Tình (trong bài “Những lưu ý khi sử dụng những từ tiếng Việt gốc Pháp” đăng trên trang tuyengiao.vn).

Theo các tác giả Nguyễn Quảng Tuân và Nguyễn Đức Dân trong Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp (Dictionnaire des termes Vietnamiens d’étymologie française, Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh, 1992), “xét về con đường hình thành, có thể chia các từ gốc Pháp thành hai lớp. Thứ nhất, những từ ngữ do những người hiểu biết tiếng Pháp sử dụng và tạo nên. Thứ hai, những từ ngữ do những người tuy ít hiểu biết tiếng Pháp, nhưng hằng ngày có nhu cầu giao dịch trực tiếp với người Pháp trong công xưởng, trong quân đội hoặc trong sinh hoạt gia đình... tạo nên con đường “truyền khẩu”, nghe người khác nói rồi nhắc lại. Hai lớp từ này có những đặc điểm khác nhau”.

Cái khác nhau rõ nhất là về mặt ngữ âm. Các âm nguyên ngữ (tiếng Pháp) đã được người Việt thay đổi theo hướng âm tiết hóa, đơn giản hóa cách đọc, chỉ giữ lại cách phát âm “gần giống”. Nhiều từ gốc Pháp ngày nay ta dễ bị nhầm với từ thuần Việt. Chẳng hạn: măng cụt (mangouste - một loại cây ăn quả), sen đầm (gendarme - viên trưởng bót cảnh sát thời Pháp, còn gọi là ông cò, ông cẩm), lê dương (légion- lính người nước ngoài, tình nguyện gia nhập quân đội Pháp), banh (balle - trái bóng), cặp rằng (caporal - cai, thầy đội, người cai quản dân phu trong tù), cỏ vê (corvée - việc làm bắt buộc không hưởng lương, tù nhân bị án phải đi làm hằng ngày), sên (chaine - cái xích xe đạp hoặc xe máy)...

Ta thấy, các từ trên hình thành hoàn toàn bằng cách mô phỏng âm đọc tiếng Pháp, không tuân thủ triệt để cách đọc của người Pháp. Nhiều người cho đó là hệ quả của thứ tiếng Pháp “bồi”, tức là thứ tiếng của người lao động ít học, đọc theo kiểu “nôm na” chứ không theo quy luật ngữ âm nguyên gốc. Nhưng các nhà ngữ học lại không hẳn đồng tình với quan điểm mang tính “kỳ thị” như vậy. Bởi việc các đơn vị từ vựng mới nhập phải được cộng đồng chấp nhận và phải tuân theo nguyên tắc ngữ âm cần có. Quy luật này, thường là bỏ bớt các phụ âm đôi (bloc = lốc, knock out = nốc ao) hoặc bỏ bớt âm tiết (chambre à air = săm, tente de bâthe = bạt, gaz à pansement = gạc, duraluminium = đuy ra, đuya ra...).

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.