Chờ tàn mưa tía đi hái càng cua

.

Con phà chiều của chú Chín đang thong thả băng mình qua dòng Vàm Nao. Bát ngát quá, mênh mông quá những nỗi nhớ cho một miền quê lâu ngày tôi mới được đặt chân tìm về. Cơn mưa chiều nay không vội vã như dòng cộ xe nơi chốn phố thị. Từng nhịp phách ngân nga ầu ơ trong lời mưa hòa cùng cái ràn rạt của miền sông nước làm tôi nhớ tía quá chừng. Tàn cơn mưa này, đám càng cua sau hè sẽ lại rộ lên cho tía con tôi vui vẻ ra hái.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mà giờ tía ở đâu hỡi tía? Mùa Tết năm đó, tía hứa sẽ về để ăn Tết cùng má, cùng con và các em vậy mà. Tía không đành đoạn rời đi khỏi cuộc đời, chắc tại nợ duyên với cõi tạm của tía hết rồi nên tía thong thả nhịp chân theo ông bà về miền xa thôi. Mỗi lần về nhà thấy đám rau càng cua xanh ngát sau cơn mưa, tôi đều hỏi má như vậy. Mười lần như một tôi đều nhận lại lời đáp của má, tía bây mãn phần rồi thì tía đi. Hỏi thì là hỏi như vậy, chớ tôi biết chứ, biết thực tế lắm trái ngang trong buổi đại dịch Covid-19 vần xoay. Mà nhiều khi, tôi hỏi cũng chỉ để cho thỏa cơn nhớ tía trong lòng.

Có lần tôi hỏi tía sao người ta lại gọi là rau càng cua vậy tía? Tía cười hiền, nét cười chứa đầy sự vị tha và bao dung mênh mông của xứ sông nước miệt bưng biền. Tía nói ờ thì tía cũng hông có biết nữa, ông bà mình đó giờ quen gọi vậy thì tía gọi theo thôi. An Giang quê tôi cũng lạ thiệt, mà cũng thương thiệt. Lạ cho cái tên gọi từ con vật cho đến hoa trái hay các loại rau đều giản đơn, đều chân chất và mộc mạc. Mà thương thì cũng thương cho cái sự dung dị, không cầu kỳ trong tiếng thương, lời nhớ. Chắc vì thân rau nó tẻ đường nhìn cong cong như càng cua nên ông bà mình đặt luôn cho cái tên gọi là càng cua cũng nên.

Những cơn mưa của buổi ấu thơ, hòa cùng tiếng tách giòn tan khi ngắt từng cọng rau càng cua đã trở thành một điểm đọng trong veo, trong mớ hành trang niềm tin khi tôi rong ruổi từng bước chân lên phố thị. Tía ưa ăn rau càng cua lắm. Tía nói nồi cá kho me mà thiếu đi rau càng cua thì có khác gì con người ta sống mà quên đi việc thở. Nồi cá phi kho me lạt lạt, rồi mớ rau càng cua tươi mát sau mưa như sinh ra là đã dành cho nhau, hợp nhau đến lạ lùng trong ký ức thơ bé của tôi.

Tôi nhớ hoài những buổi theo tía lên thăm vườn. Bữa trưa của hai tía con cũng vội lắm, để cho kịp ngày sẽ làm xong đám cỏ dại thi nhau mọc quanh mấy gốc mãng cầu. Khi thì là gói mì xin nước sôi vội của nhà cậu Năm, lúc lại là hộp cơm mua để dành từ buổi sáng. Vậy mà không bữa nào tía quên món rau càng cua ăn kèm. Tía tôi tìm rau càng cua hay lắm. Trong đám cỏ xanh rờn, tía nhanh mắt thấy tụi rau càng cua dắt dìu nhau mọc lên, non ơ. Rau càng cua dễ mọc, dễ sống. Đất thịt cũng được, mà đất pha sỏi đá cũng chẳng kén. Tía nói rau cỏ quê mình thấy vậy mà không khác chi dân xứ quê là mấy. Ở đâu dân mình sống cũng được, cũng làm việc ngon lành không kén chọn, duy chỉ có đất quê mới làm rau càng cua xanh ngát một màu chân chất, nắng nhớ trong mảnh vườn cố thổ mới hong khô đi những nhọc nhằn của một kiếp người nổi trôi xa xứ.

Mưa đầu mùa lác đác rơi trên mái lá ngoài hiên. Cơn lạnh không mấy se sắt nhưng đủ sức ủ tê những vết thương đang lành đường chỉ khâu nơi tim. Từng giọt thơm thơm mùi cỏ tươi ngái nồng mang theo trong gió. Càng cua lại lên rồi, nhiều lắm phía sau hè. Chắc tụi nó cũng như tôi mải miết với câu hỏi liệu tạnh mưa rồi thì tía có ra hái rau không.

Tía ơi, càng cua mọc đầy rồi! Tía ơi, dậy mà hái rau với con thôi! Rau ngon và tươi lắm tía! Tía ơi, tía ơi…

VĨNH HOÀI

;
;
.
.
.
.
.