Nhà thờ tộc Hồ ở thôn Mậu Hòa, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), nằm im lìm sát bên con đường làng rợp bóng cây xanh. Ngôi từ đường nho nhỏ, khiêm nhường này ngoài việc thờ phụng các bậc tiền nhân còn thờ cúng một vị quan lớn dưới triều Nguyễn. Vị quan này không chỉ là niềm tự hào của tộc Hồ mà còn là một danh sĩ tài ba của xứ Quảng.
Ông Ngô Chín thăm mộ Thượng thư Hồ Trung Lượng (ảnh trên) và Bia ghi tiểu sử của quan Thượng. Ảnh: Thái Mỹ |
Năm 1860, vợ chồng người nông dân nghèo Hồ Văn Điển - Nguyễn Thị Doãn (còn gọi bà Tâm Cơ) ở làng An Dưỡng, tổng Mậu Hòa, phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thôn Mậu Hòa, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên) sinh người con trai đặt tên Hồ Trung Lượng. Tuy nhà nghèo, đông con và làm ruộng nhưng ông Điển giỏi giang chữ nghĩa nên có điều kiện dạy dỗ con trai thành đạt.
Gia phả tộc Hồ ở thôn Mậu Hòa cho biết: năm Tân Mão 1891, Hồ Trung Lượng đỗ cử nhân trường Thừa Thiên; năm 1892, đỗ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn, thời triều vua Thành Thái, được triều đình phong tước Tứ thiện đại phu, sở bổ Thừa biện Bộ Lễ tại Huế. Năm 1894, Hồ Trung Lượng được điều vào làm tri phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi rồi lần lượt làm quan Đốc học Quảng Nam, năm 1902 làm Đốc học tỉnh Bình Định với mức hàm Chánh tứ phẩm.
Có nhiều câu chuyện lưu truyền về vị quan thanh liêm, đức độ, giàu lòng vị tha Hồ Trung Lượng nhưng có lẽ qua câu chuyện liên quan đến chính trị của ông lúc bấy giờ mới thấy lòng yêu nước đã bộc lộ khá sớm ngay trong triều đình phong kiến. Theo tài liệu sưu tầm của Nguyễn Thị Tuyết, cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Duy Xuyên thì vào năm 1905, Trường thi Bình Định mở khóa khảo hạch để chuẩn bị cho kỳ thi Hương vào năm sau do Đốc học Hồ Trung Lượng làm chủ khảo.
Lúc đó có 3 chí sĩ yêu nước ở Quảng Nam là Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng và Phan Châu Trinh đang trên hành trình phương Nam để tìm kiếm con đường cứu nước. Khi vào tới Bình Định, các ông mới hay ở đây đang chuẩn bị kỳ thi này. Ba chí sĩ bèn bàn nhau và nộp đơn xin tham gia kỳ thi khảo hạch nhằm mục đích tuyên truyền trong giới sĩ tử về con đường cứu dân, cứu nước. Thế là ba ông đều ghi các tên giả mang họ Đào, bởi họ Đào là một họ lớn luôn nổi tiếng chốn khoa trường ở Bình Định để tránh sự truy tìm của hội đồng chấm thi cũng như các quan lại tay sai triều đình về các nội dung kêu gọi trong các bài thi.
Tại trường thi, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng làm bài “Lương ngọc danh sơn phú”, Phan Châu Trinh làm bài “Chí thành thông thánh”. Song nội dung các bài dự thi này lại hoàn toàn không liên quan gì đến đầu đề mà các ông chỉ đề cập đến việc cứu nước, bài xích chuyện thi cử hủ lậu, kêu gọi quan lại treo mũ từ quan, thư sinh vứt bút đứng lên cứu nước: “Thượng tự quan lại, hạ cập chư sinh, đầu bút nhi khởi, quải quan nhi hành” nghĩa là: Trên từ quan lại, dưới đến các anh vứt bút mà đứng lên, treo mũ mà hành động. Đó là nội dung một trong ba bài dự thi.
Khi xem bài, hội đồng chấm thi vô cùng hoảng hốt và khẩn báo về triều đình. Trong khi các quan lại ở Bình Định ra sức tìm kiếm những người đã làm các bài thơ, bài phú vực dậy phong trào yêu nước, chống lại triều đình tay sai và ngoại bang xâm lược thì Đốc học Hồ Trung Lượng đã biết rất rõ Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng và Phan Châu Trinh là những tác giả chứ không ai khác nhưng ông đã mỉm cười và im lặng. Thế là các bài này lọt ra ngoài, tạo ra luồng gió mới trong xã hội làm cho bọn thực dân, phong kiến rất cay cú.
Sau đó ít lâu, Đốc học Hồ Trung Lượng được triều đình rút về Quốc Sử quán (là cơ quan biên soạn lịch sử chính thức duy nhất của triều đình nhà Nguyễn từ năm 1821 đến 1945), được bổ chức Hàn lâm viện Thị độc học sĩ. Ông là một trong những quan chức có học cao, biết rộng nên được phân công tham gia biên soạn bộ sử đồ sộ Nhà Nguyễn là Đại Nam thực lục.
Sau khi cuộc khởi nghĩa Duy Tân bị đàn áp đẫm máu dẫn đến thất bại, triều chính rơi vào thế lực của thực dân Pháp xâm lược nên Hồ Trung Lượng bỏ mũ, cáo quan về quê mở trường dạy học. Ghi nhận công lao của ông đối với việc giáo dục, ít lâu sau triều đình sắc phong cho ông chức Thượng thư (một chức quan của người đứng đầu một bộ trong lục bộ của triều Nguyễn lúc bấy giờ, có mức hàm Chánh nhị phẩm). Chính vì vậy mà dân quanh vùng đều gọi Hồ Trung Lượng là “cụ Thượng An Dưỡng”.
Bây giờ mỗi khi nhắc đến ông, một số người cao niên ở làng An Dưỡng ngày xưa còn nhớ rất rõ vị quan đức độ, luôn gần gũi với thần dân. Ông Ngô Chín năm nay ngoài 80 tuổi, ở đội 2, thôn Mậu Hòa, gần nhà thờ tộc Hồ nói rằng theo lời kể của ông nội ông cho biết ngày trước mỗi khi quan trên Hồ Trung Lượng về làng thì lính tráng, dân chúng phải nghinh đón ông ở hai bên đường từ xa. Theo “tiêu chuẩn” quan lại lúc bấy giờ, ông có các phu khiêng kiệu mỗi khi về làng nhưng nhiều lần ông vội vàng bước xuống đi bộ cùng quân lính để cho các phu đỡ vất vả, mệt nhọc. Đi tới đâu ông cũng cầm tay, hỏi han việc đồng áng, cuộc sống của dân làng nên mọi người gần xa đều kính nể vị quan triều đình hiếm có này.
Hồ Trung Lượng là một vị quan lớn của triều đình, là nhà giáo dục của hai triều vua nhà Nguyễn là Thành Thái và Duy Tân, có cuộc sống thanh bạch, khảng khái. Rời bỏ chiếc ghế quyền uy, danh vọng, ông về lặng lẽ bên lũy tre làng, ngày ngày dạy chữ cho con trẻ, đến ngày 20-6 Giáp Thân 1944, ông bước vào chốn thiên thu. Tháng 3-2009, hậu duệ dòng tộc dời mộ ông từ nơi trũng thấp về Gò Vàng cao ráo ở cùng thôn Mậu Hòa.
THÁI MỸ