Ăn Tết, người Cơ tu Nam Giang gọi là Cha Pổiq hay Cha Pling, còn người Cơ tu ở Đông Giang và một số ở Nam Giang thì gọi là Cha Pruôt. Thực ra “Pling” hay “Pruôt” đều có nghĩa là Tết (“Cha” trong tiếng Cơ tu nghĩa là ăn), và cũng có nghĩa là tổng kết một năm bội thu hay thất bát, khỏe mạnh hay ốm đau.
“Ông chủ rượu cần Phú Túc” Lê Văn Nghĩa giới thiệu sản phẩm mới đón Tết. Ảnh: V.P.Q |
Trước khi Tết, người Cơ tu thường làm rượu cần. Ông Lê Văn Nghĩa, người mấy năm nay khôi phục “thương hiệu” Rượu cần Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang cho biết rượu cần ủ càng lâu càng nồng đượm, càng được nước, thơm ngon. Muốn vậy, phải dùng loại nếp huyết có màu đỏ thẫm đồ lên, ủ với men rượu được làm bằng bột gạo trộn với các loại thực vật phơi khô trên giàn bếp. Nếu không có nếp huyết thì thay bằng nếp đỏ.
Đó là loại rượu “thượng hạng”, còn bình dân hơn thì ủ bằng sắn. Bà con gọt sắn để 2 - 3 ngày cho thâm rồi mới nấu để rượu có màu bắt mắt. Sắn nấu chín, để nguội, rắc men, trộn với trấu, cho vào gùi đã được lót lá chuối rồi phủ một lớp trấu xuống đáy cỡ một ngón tay. Đoạn, đặt gùi gần bếp lửa, sau 3 hoặc 4 ngày sẽ bốc lên mùi thơm như mùi chuối chín, sau đó đổ tất cả ra nong cho nguội rồi cho vào ché đã được lót một lớp trấu dày. Trên miệng ché rượu người ta lại cho một lớp trấu dày cũng khoảng một ngón tay.
Cùng với việc ủ rượu cần, nhà nào cũng chuẩn bị một con gà trống tơ để cúng Giàng, tiên tổ. Ngày Tết, ngoài thịt heo, chim, cá, bà con Cơ tu còn làm bánh acuốt - một loại bánh rất phổ biến hình tam giác, không có nhân, được làm từ gạo, nếp. Có nơi gọi nó là bánh sừng trâu vì trông giống như sừng trâu, hoặc bánh đót vì được gói bằng lá đót – một loại cây mọc rất nhiều ở rừng. Ngày trước, người Cơ tu chỉ nấu xôi đồ (avỉ đhooh) hoặc xôi nướng trong ống nứa tươi (avỉ hor). Ngày nay, cùng ăn tết với người Kinh, bà con đã biết gói bánh tét, bánh chưng; tuy hình thức không đẹp bằng nhưng hương vị thì không thua kém.
Chuẩn bị đâu vào đấy, theo lời già làng Nguyễn Văn Cần (Alăng Cần), thôn Phú Túc, tối 30 tháng Chạp, mỗi nhà mang một chai rượu, một đĩa xôi, một đĩa thức ăn (thường là cá suối khô, gọi là asiu tapriêng) lên nhà Gươl để cúng giao thừa. Tết, nhà Gươl là nơi được trang trí, trưng bày đẹp nhất làng. Đêm giao thừa, các già làng tề tựu về Gươl đông đủ, lễ cúng có khi chỉ là một con gà, không cần phải rình rang làm heo.
Già làng năm nào cũng đứng ra cùng với đại diện các gia đình cúng xin Giàng ban cho một năm mới mùa màng tốt tươi, dân làng khỏe mạnh. Giữa lúc tiếng chiêng vang vọng núi rừng, già bước lên thắp nén nhang, khấn bằng tiếng mẹ đẻ, đại khái: “Xin ông Trời cùng ông bà cô bác sơn lâm bổn xứ đừng làm hại; mưa gió thuận hòa để cây lúa ra bông, sắn khoai đầy củ, bà con làm ăn khá giả, giàu có, bớt đau ốm”.
Cúng Giàng xong, mọi người quây quần bên nhau, cùng nâng ly rượu chúc phúc đầu năm. Trong phần hát lý bằng tiếng phổ thông rồi tiếng dân tộc Cơ tu diễn ra sau đó, bà con ôn lại cái khổ, cái cực, cái nghèo hôm qua, ca ngợi cuộc sống mới hôm nay để giáo dục con cháu. Nếu có khách, già làng đem ra một chai rượu, một đĩa cau trầu, một gói thuốc rồi nỉ non hát lên bổng xuống trầm trong lúc rót rượu mừng mời khách: “Tôi mời anh, dù chỉ một chút bé nhỏ như miếng cau, lá trầu, nhưng tình nghĩa thì như tiếng chiêng rộng dài vượt qua mấy ngọn núi”.
Xưa thì không, chứ nay thì người Cơ tu cũng kiêng, không ai dám đến “xông đất” nhà người khác trong ngày mồng một Tết. Già Alăng Cần giải thích: “Đi thăm như rứa, qua năm mới mà nhà họ ăn nên làm ra thì họ khen, mà nếu ốm đau thì họ lại nói mình”. Mồng hai bà con mới đi thăm từng nhà.
Ngày tết, người Cơ tu có tục Dơdáo – đi thăm nhà chị em gái hoặc con gái đã lấy chồng mà lâu ngày chưa gặp, chứ không có tục con cái đã có vợ chồng về thăm nhà cha mẹ. Nhưng giờ theo lệ người Kinh, con gái Cơ tu có chồng ngày Tết cũng về thăm nhà cha mẹ, mang theo thịt heo làm quà, không nhiều thì một miếng cũng được, gọi là lấy tình. Già Cần cũng đi thăm sui gia, trước ngày quà tặng là ếch khô, cá khô, chừ thì hai loài sống dưới nước này đã cạn kiệt, sui gia thăm nhau tặng gà là chính.
Cũng như người Kinh, ngày mồng ba Tết, người Cơ tu cúng đưa Giàng và ông bà. Mồng 4 nghỉ một ngày lấy sức, sang mồng 5 cả làng kéo xuống khe suối dùng vợt (tatuuc) đi xúc tôm cá, gọi là cho mát mẻ đầu năm. Mồng 6 mới chính thức ra quân sản xuất.
Hiện nay, cha Pruôt của người Cơ tu và Tết của người Kinh gần như đã hòa nhập làm một, nhất là ở vùng có nhiều người Kinh cùng sống. Thành phố Đà Nẵng hiện có gần 1.400 nhân khẩu người Cơ tu sống ở hai thôn Tà Lang, Giàn Bí xã Hòa Bắc và thôn Phú Túc xã Hòa Phú. Nếu người Cơ tu ở Hòa Bắc còn giữ được ít nhiều nét riêng của cha Pruôt thì người Cơ tu ở Hòa Phú, do sống dọc theo quốc lộ 14G (đường ĐT 604 cũ) nên hầu như đã không làm được điều đó. Nhất là giới thanh niên, do trưởng thành khi đất nước đã thanh bình, được đi đây đi đó nên đã có nhiều thay đổi, từ chuyện ăn mặc cho đến cách giao tiếp.
Có điều, dù đổi thay gì thì người Cơ tu vẫn không đánh mất lệ cúng một ít muối trong các lễ phẩm ngày Tết. Khi được hỏi, già làng Alăng Cần bảo rằng điều đó nhắc nhở người dân Cơ tu một thời gian khó giữa rừng thiêng nước độc, xem hạt muối quý như máu trong con người. Vì thế, người Cơ-tu dùng từ ngọt muối thay vì nói là mặn muối (ngam bhooh: ngọt muối; ngược lại với tabha bhooh: nhạt muối hay là chưa có muối).
VIÊN PHÚC QUÂN