* Hơn tuần qua dư luận trong nước và quốc tế đã “nóng” lên trước sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong lãnh hải của Việt Nam. Xin cho biết vụ việc diễn biến như thế nào, phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế ra sao? (Trần Quang Trung, Hải Châu, Đà Nẵng).
Vị trí giàn khoan Hải Dương-981 trái phép của Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. |
- Về vụ giàn khoan của Trung Quốc vừa hạ đặt trái phép trong lãnh hải của Việt Nam, báo chí Việt Nam gọi là “Hải Dương - 981” hoặc gọi tắt là “HD-981”. Thực ra, tên gọi của giàn khoan biển sâu kích cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc sản xuất và do Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) sở hữu này là Hải Dương Thạch Du 981 (海洋石油981) hay CNOOC 981. HD-981 trị giá 952 triệu USD, dài 114m, rộng 90m, cao 137,8m và nặng 31.000 tấn; diện tích boong của giàn khoan có kích thước bằng một sân bóng đá chuẩn; có khả năng khoan sâu tối đa 12.000m.
Truyền thông cho hay, ngày 2-5, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương-981 di chuyển và hạ đặt trái phép vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) 17 hải lý và cách đảo Lý Sơn 120 hải lý. Trong quá trình hoạt động, một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng biển cách đảo Lý Sơn từ 50 - 60 hải lý.
Đi cùng với Hải Dương-981 là hàng chục tàu dịch vụ, kiểm ngư, hải giám, tàu cá có vũ trang và cả 7 tàu chiến của hải quân Trung Quốc. Khi gặp lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tuyên truyền, vận động, đấu tranh ngăn cản, những tàu hộ tống Hải Dương-981 của Trung Quốc đã hung hăng tấn công tàu của Việt Nam bằng những lần đâm va gây thiệt hại cả về người và phương tiện.
Ngày 3-5, Cục Hải sự Trung Quốc đăng cảnh báo tàu thuyền trong ba tháng không tiếp cận phạm vi bán kính 1 hải lý quanh giàn khoan. Phạm vi này được tăng gấp ba lên 3 hải lý hôm 5-5 sau khi Việt Nam chính thức lên tiếng phản đối.
Ngày 9-5 trong một họp báo tại Bắc Kinh, Trung Quốc thú nhận là có dùng các vòi phun nước, nhưng cho là vì phía Việt Nam từ ngày 3-5 đã khiêu khích, cố ý đâm vào tàu Trung Quốc 171 lần (!).
Trước sự ngang ngược, khiêu khích của Trung Quốc, sáng chủ nhật 11-5, hàng nghìn người dân tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh đã xuống đường tuần hành phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Cùng ngày này, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Miến Điện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công khai tố cáo Trung Quốc có “hành động cực kỳ nguy hiểm”, “đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông”, khi “ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam”. Đưa tin này, Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) hôm 12-5 đã giật tít “Lần đầu tiên tại Thượng đỉnh ASEAN, lãnh đạo Việt Nam công khai tố cáo Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông” và bình luận như sau:
“Thái độ mạnh mẽ của Việt Nam tại Thượng đỉnh ASEAN cũng như việc khối này ra được các tuyên bố về tình hình căng thẳng tại Biển Đông tạo sức ép đối với Trung Quốc. Điều này thể hiện rõ qua phản ứng của Bắc Kinh. Hôm qua (tức 11-5 – ĐNCT), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) đã vội vã lên tiếng cho rằng hồ sơ Biển Đông không phải là một vấn đề giữa Trung Quốc và khối ASEAN”.
Ngày 12-5, báo Đất Việt đăng bình luận quân sự “HD-981 vào vùng biển Việt Nam, Trung Quốc đang trả giá đắt!”, có đoạn: “Hiện nay, để duy trì cho một giàn khoan như thế này trên biển (chưa nói đến chuyện khoan xuống lòng biển) là khoảng 1,2 triệu USD mỗi ngày. Khi khoan, chi phí cực kỳ tốn kém. Nếu khoan ở mực nước sâu 40-70m, chi phí cho một giếng khoan sâu 3.000m là 20-25 triệu USD, còn chi phí cho một giếng khoan ở mực nước 90-120m là 200-250 triệu USD. Còn chi phí cho một giếng khoan ở mực nước sâu 1.200m thì không có giá dưới 500 triệu USD. Đó là chưa kể chi phí về dịch vụ và bảo vệ”. Tờ báo đã nhận định như sau:
“Trong khi sự ngăn chặn của lực lượng chức năng Việt Nam là quyết liệt với một quyết tâm cao nhất, bằng mọi biện pháp cần thiết, để buộc giàn khoan phi pháp của Trung Quốc phải rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam thì việc giàn khoan HD-981 hoạt động được là điều rất khó khăn tốn kém nếu như không nói là không thể chịu được!”.
Ngay sau khi dư luận Việt Nam và quốc tế lên án hành động khiêu khích của phía Trung Quốc, Wikipedia đã nhanh chóng mở riêng một mục từ có tên là “Vụ giàn khoan HD-981” và cập nhật thông tin hằng ngày theo diễn biến thực tế của vụ việc. Cập nhật lúc 22:39, ngày 13-5-2014 trên Bách khoa toàn thư nội dung mở bằng nhiều ngôn ngữ trên Internet này cho hay: “Hoa Kỳ, Nhật Bản và Singapore đồng loạt bày tỏ quan ngại trước hành động đơn phương gây hấn của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Sáu nghị sĩ Hoa Kỳ đã gọi hành động của Trung Quốc là “gây hấn”, “gây rắc rối” và “đe dọa tự do thương mại toàn cầu”.
Tại Đà Nẵng, chiều 12-5, Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị và Hội Nghề cá thành phố tổ chức mít-tinh phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong vùng biển Việt Nam. Trước đó, ngày 9-5, Hội Luật gia Đà Nẵng cũng đã ra tuyên bố kịch liệt lên án hành động Trung Quốc xâm phạm thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
ĐNCT