Địa bàn rộng, nhiều nơi dân cư thưa thớt nên việc thu gom và xử lý rác thải ở Hòa Vang theo quy định rất khó khăn. 5 năm qua, việc thành lập Xí nghiệp Môi trường Hòa Vang bước đầu định hình một số khu dân cư thu gom, vận chuyển rác theo mô hình đô thị.
Thu gom rác trong kiệt hẻm ở thôn La Bông, xã Hòa Tiến. |
Mô hình “Thôn không có rác”
Là một trong những nội dung quan trọng của tiêu chí 17 trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM), vấn đề rác thải được UBND huyện Hòa Vang đưa vào tầm ngắm xử lý khi xây dựng Đề án thu gom rác thải các xã trên địa bàn huyện giai đoạn 2012-2015 vào cuối tháng 6-2012. Một trong những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý và thu gom rác thải ở Hòa Vang, theo đánh giá của đề án, là huyện quá rộng, mật độ dân cư phân bố thấp với địa hình phân cách và chia cắt. Chưa có giải pháp đồng bộ và quản lý tổng hợp, công tác quản lý chất thải rắn vẫn chưa được phân công nhiệm vụ một cách cụ thể và chưa có quy định, chính sách để khuyến khích xã hội hóa trong hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải.
5 năm trước, người dân Hòa Vang đã biết đến mô hình thu gom, xử lý rác thải như ở nội thành sau khi Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng thành lập Xí nghiệp Môi trường Hòa Vang và hiện đã tổ chức thu gom rác khắp 10 xã, trừ xã Hòa Bắc. Hoạt động của xí nghiệp đã giúp cho Hòa Vang triển khai thí điểm mô hình “Thôn không có rác” tại Phong Nam (xã Hòa Châu) và Cẩm Nê (xã Hòa Tiến) vào tháng 3-2011, hai thôn đang xây dựng làng du lịch sinh thái phục vụ du khách - chị Trần Thị Kim Oanh, chuyên viên Phòng Tài nguyên Môi trường huyện cho biết.
Thôn Phong Nam đã thành lập CLB Môi trường nhiều năm nay. Chủ nhật hằng tuần, mỗi hộ dân trong thôn dành nửa giờ dọn vệ sinh quanh nơi mình sinh sống. Ông Nguyễn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Châu, cho biết triển khai tiêu chí về Môi trường trong xây dựng NTM, ngay từ đầu năm 2012 xã tổ chức hội nghị để bàn về công tác bảo đảm môi trường trên địa bàn; tổ chức cho các thôn ký kết hợp đồng thu gom rác với Xí nghiệp Môi trường Hòa Vang, xây dựng điểm chứa rác tập trung tại các thôn… Hiện hai thôn Cẩm Nam và Bàu Cầu đã có đường được đặt tên, xí nghiệp cho xe đến thu gom rác như ở dưới phố, 6 thôn còn lại xã đã xây dựng 10 điểm đặt thùng thu gom rác. Trước dân tự đem rác tới các điểm, nay thì các xe ba gác tới tận nhà dân lấy rác theo lịch cách nhật.
Ở xã Hòa Tiến, mô hình “Thôn không có rác” được triển khai thí điểm thành công ở Cẩm Nê, sau đó được nhân rộng ra các thôn Yến Nê 2 và La Bông, sắp đến sẽ tiếp tục thực hiện ở các thôn Yến Nê 1, Lệ Sơn 1 và Dương Sơn.
Thu phí thấp nhưng rác nhiều
Cũng như ở phố, việc đặt thùng rác trước nhà dân ở quê cũng bị người dân không đồng tình lúc đầu, bởi ai cũng ngại hôi, bẩn. Ông Trần Được, tổ lấy rác thôn La Bông, xã Hòa Tiến, cho biết: “Được Xí nghiệp Môi trường Hòa Vang tập huấn về chuyên môn nên anh em lấy rác sạch sẽ, gọn gàng; lau chùi thùng trước khi trả về chỗ cũ, thỉnh thoảng đưa xuống kênh thủy lợi rửa sạch. Dân thấy thế rất yên tâm, xin thêm 4 thùng rác nữa, tổng cộng cả thôn hiện có 19 thùng”.
Tổ lấy rác ở các thôn có 2 người, được cấp trang phục bảo hộ lao động, giày, khẩu trang, xẻng. Ông Nguyễn Đình Anh, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho biết, hai thôn Cẩm Nê và Yến Nê 2 được huyện cấp xe ba gác, thùng rác; riêng thôn La Bông xã mua trang thiết bị các loại hết gần 40 triệu đồng. Anh em lấy rác được hỗ trợ mỗi tháng 1,2 - 1,5 triệu đồng/người, trích từ phí vệ sinh do các hộ đóng.
Phí vệ sinh được thu theo Quyết định 40/2011/QĐ-UBND ngày 31-12-2011 của UBND thành phố Đà Nẵng. Theo đó, phí vệ sinh hộ gia đình không sản xuất kinh doanh ở Hòa Vang thu như các hộ trong kiệt hẻm, hộ chung cư, nhà tập thể cao tầng (trừ tầng trệt) với mức 15 nghìn đồng/hộ/tháng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Kiệm, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Hòa Vang, nhiều hộ ở Hòa Vang chỉ nộp phí 10 nghìn đồng/hộ/tháng như đối tượng hộ chung cư thu nhập thấp, phòng trọ, nhà tạm được quy định tại quyết định nói trên; thậm chí có hộ chỉ nộp 5-7 nghìn đồng!
Mỗi ngày xí nghiệp lấy 8 chuyến xe rác thu gom ở Hòa Vang với khoảng 25 tấn. Năm 2008, xí nghiệp thu 248 triệu đồng phí vệ sinh; năm 2012 gần 1 tỷ (vượt 7% kế hoạch); kế hoạch năm 2013 là 1,067 tỷ. Doanh thu hằng năm vượt so kế hoạch, nhưng mỗi năm công ty phải bù lỗ cho xí nghiệp trên 700 triệu đồng.
Lỗ nhưng cũng phải phục vụ. Trên tuyến đường chính 14B và 1A, dù các xã không đặt hàng, xí nghiệp cũng phải phục vụ. Nông thôn phí thu thấp nhưng rác lại nhiều. Rác ở phố chỉ là sinh hoạt gia đình. Ở quê, gốc cây, thân chuối, cành cây, thậm chí gia súc chết… cũng đều bỏ vô bao với cách nghĩ quá “sòng phẳng” rằng “đã nộp tiền rác rồi thì mắc chi đào hố chôn cho mệt?”.
Nhìn chung, người dân nông thôn đã dần ý thức được mình là chủ thể của xây dựng NTM. “Để công tác quản lý, thu gom rác thải ở Hòa Vang được thuận lợi hơn như ở phố, chúng tôi đề nghị chính quyền các xã tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, nhất là thu phí vệ sinh trong dân theo đúng Quyết định 40. Nếu xã nào cũng tổ chức thu gom rác như Hòa Tiến, Hòa Châu thì xí nghiệp sẽ không phải mang gánh nặng bù lỗ nữa” – ông Kiệm nói.
Tiến độ thu gom rác thải ở Hòa Vang * Giai đoạn 2012 – 2013: Tập trung xử lý mạng lưới thu gom rác thải sinh hoạt, các hộ dân được thu gom rác thải và nộp lệ phí môi trường đạt được như sau: - 3 xã đồng bằng Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước: đạt 80 – 90%; - Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Nhơn: đạt 70 – 80%; - Hòa Phú, Hòa Bắc: tập trung thu gom ở các chợ và trung tâm xã. * Giai đoạn 2014 – 2015: Cơ bản xây dựng và hoàn thiện mạng lưới thu gom rác thải: - 3 xã đồng bằng: 100% chất thải rắn được thu gom, xử lý hoặc tái chế; các xã còn lại đạt 70 – 80%. - Phân loại rác thải tại nguồn, đưa lượng tái chế lên trên 20% lượng chất thải rắn. (Nguồn: Đề án Thu gom rác thải các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang giai đoạn 2012 – 2015) |
VĂN THÀNH LÊ