Dù cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chưa đầy 20 phút xe máy, Hòa Vang vẫn giữ được nét quê thanh bình và thoáng đãng. Những người sinh sống và làm việc trên mảnh đất này đang dần ý thức được rằng, sản xuất-kinh doanh (SX-KD) sạch, sẽ góp phần giúp huyện nhà từng bước hoàn thành mục tiêu nông thôn mới.
Công nghệ sản xuất gạch tuynel giúp Hòa Vang giảm ô nhiễm về môi trường nông thôn. |
Cam kết bảo vệ môi trường
Cách đây không lâu, người dân Hòa Vang từng đau đầu vì môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khói bụi, mùi hôi hay nguồn nước bị ô nhiễm ở khu vực có lò gạch, trang trại chăn nuôi gia súc, mỏ đá, lò giết mổ động vật đang hoạt động. Nhiều hộ dân đã cùng ký đơn kiến nghị lên cơ quan cấp trên mong được giải quyết.
Cao điểm nhất có lẽ là lá đơn kiến nghị của 13 hộ dân ở khu dân cư số 7, thôn Cồn Mong, xã Hòa Phước gửi đến UBND huyện Hòa Vang năm 2006 phản ánh về việc các lò gạch thủ công đóng trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của họ. Sau đó, UBND huyện đã buộc đóng cửa 4/7 lò gạch do không bảo đảm vệ sinh môi trường, 3 lò còn lại hoạt động theo cách lò này đốt cách lò kia 10 ngày và chỉ sử dụng hết nguyên liệu đã tập kết. Đến cuối tháng 12-2006 phải di dời ra khỏi địa bàn hoặc chuyển sang công nghệ sản xuất gạch tuynel. Mặt khác, UBND huyện còn buộc các chủ lò gạch phải đền bù thiệt hại về hoa màu cho người dân.
Từ những kiến nghị đó, đến nay Hòa Vang đã hoàn toàn vắng bóng lò sản xuất gạch thủ công. Ông Trương Sĩ, Giám đốc Công ty TNHH gạch Tuynel Phú Vang (xã Hòa Ninh) cho biết, sản xuất gạch tuynel không phụ thuộc vào thời tiết, lò được đốt liên tục giúp nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm. Viên gạch ra lò không nóng, triệt tiêu được khí độc bảo vệ sức khỏe người lao động. Than đốt cháy hoàn toàn và khói được xử lý qua nước vôi giảm 80-90% lượng khí CO2 gây tác hại môi trường là những ưu việt của công nghệ sản xuất gạch tuynel so với lò gạch thủ công.
Theo quy định, các cơ sở SX-KD đạt chuẩn về môi trường phải có giấy phép môi trường được cơ quan có thẩm quyền cấp. Riêng đối với cơ sở SX-KD nhỏ, lẻ đạt chuẩn khi không có hoạt động gây ô nhiễm môi trường, không có đơn thư tố cáo về môi trường. Xã đạt chuẩn về môi trường phải có 100% cơ sở SX-KD của xã đạt được những nội dung nói trên. Đánh giá sơ bộ, toàn huyện chỉ có 2/11 xã có các cơ sở SX-KD đạt chuẩn về môi trường là Hòa Phú và Hòa Bắc. Tuy nhiên, hiện ở Hòa Bắc hầu như không có cơ sở nào hoạt động nên việc đạt chuẩn là đương nhiên! Ngoài ra, việc đánh giá đạt chuẩn hay chưa đạt chuẩn về môi trường hiện còn phụ thuộc rất nhiều vào giấy phép môi trường. Nếu chủ cơ sở nào chưa có giấy phép môi trường và cam kết bảo vệ môi trường, coi như cơ sở đó chưa đạt chuẩn.
Tìm đến HTX Chế biến Mây tre, kinh doanh hàng xuất khẩu Bảo Trung (xã Hòa Nhơn) thì được biết, cơ sở này chưa có giấy cam kết bảo vệ môi trường do mới đi vào hoạt động tháng 6-2012. Nếu xét về thủ tục, đây là cơ sở chưa đạt chuẩn. Tuy nhiên, môi trường làm việc ở đây khá tốt. Toàn xưởng 3.000m2 sân phơi đúc bê-tông được trồng cây xanh như công viên, 2.500m2 nhà xưởng nhưng chỉ có 25 lao động làm việc. Ông Hà Tấn Vĩnh, Phó Giám đốc HTX cho biết, mây nhập về được phơi khô tự nhiên, sau đó đưa vào hệ thống “than hóa” để sợi mây khô, không biến dạng, về lâu dài không bị mối mọt mà không cần sử dụng hóa chất. Được biết, trước khi ký được lô hàng 60 nghìn sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trị giá 370 nghìn USD với Nhật Bản vào năm ngoái, phía đối tác đã cử đội ngũ chuyên gia sang khảo sát, giới thiệu dây chuyền và đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường như sản phẩm không được tẩm hóa chất, chủ cơ sở phải bảo đảm việc bảo vệ sức khỏe cho người lao động, môi trường xung quanh nhà xưởng. Nhờ làm tốt công tác môi trường, thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục ký kết hợp đồng xuất hàng sang Đức. Ông Vĩnh cho biết, sẽ ký cam kết bảo vệ môi trường trong tháng 6 năm nay.
Xây dựng nền tảng
Là huyện nông thôn duy nhất của thành phố Đà Nẵng, Hòa Vang hiện có 16.411 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm; 62 trang trại chăn nuôi lớn, nhỏ. Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó phòng Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn huyện cho biết, hầu hết các trang trại chăn nuôi trên địa bàn đều bảo đảm tiêu chí môi trường do xây dựng mô hình chăn nuôi khép kín, cách khu dân cư đông đúc ít nhất 200 mét, xây dựng hầm biogas tận dụng lượng phân vật nuôi thải ra… Để giữ vững tính ổn định này, từ tháng 3-2011, UBND huyện đã ra quyết định cấm phát triển mới mô hình trang trại chăn nuôi trên địa bàn nhằm bảo đảm không khí trong lành của vùng nông thôn.
Đứng trước chủ trương của thành phố trong việc đưa các cơ sở SX-KD (nhất là những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường) ra vùng ven, vùng nông thôn, vô hình trung tạo nên áp lực cho Hòa Vang xây dựng NTM. Thấy trước hướng đi này, tháng 7 năm 2012, UBND huyện Hòa Vang ban hành Đề án phát triển công nghiệp và dịch vụ huyện Hòa Vang đến năm 2015, đề nghị thành phố quan tâm đầu tư và sớm hoàn thành các dự án đã công bố, quy hoạch trên địa bàn huyện theo đúng tiến độ; Tạo cơ chế cho huyện Hòa Vang chủ động thực hiện thí điểm quy hoạch một cụm công nghiệp nhỏ (dự kiến tại xã Hòa Khương hoặc Hòa Tiến) để bố trí mặt bằng cho các doanh nghiệp hoạt động không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời di dời các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất gần khu dân cư…
Ông Lê Phương Nam, Phòng Công thương huyện Hòa Vang cho rằng, về nguyên tắc, đối với cơ sở SX-KD mới, phải có giấy cam kết bảo vệ môi trường, cơ quan chức năng mới cấp giấy chứng nhận kinh doanh. Vấn đề đặt ra là các ngành liên quan cần quan tâm đến vấn đề sau cấp phép để bảo đảm tính trung thực của các doanh nghiệp, xây dựng nền tảng vững chắc cho nông thôn mới.
Trước làn sóng đô thị hóa, ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho rằng, còn rất nhiều việc phải làm để phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường bền vững. Bởi hiện nay, Hòa Vang chưa có con số thống kê cụ thể những cơ sở nhỏ, lẻ hoạt động tự phát, nhiều cơ sở chưa có sự đầu tư, cam kết bảo vệ môi trường. Cũng như, việc thống kê, đánh giá tình trạng gây ô nhiễm đến nay vẫn chưa đầy đủ.
TIỂU YẾN