1. Chiến đấu dưới chân thành Điện Hải là một cách diễn đạt hoán dụ để nói về sự kiện nhân dân Đà Nẵng thay mặt cả nước và cùng cả nước đánh bại cuộc tiến công quân sự của Liên quân Pháp – Y-pha-nho tại phòng tuyến thành Điện Hải và nhiều phòng tuyến quan trọng khác trên bản đồ chiến sự toàn mặt trận Đà Nẵng trong cuộc chiến tranh hai năm 1858-1860. Nói nhân dân Đà Nẵng thay mặt cả nước và cùng cả nước là nhằm khẳng định cuộc chiến tranh vệ quốc này phải được nhìn nhận như là một chiến dịch cấp quốc gia mà tổng tư lệnh tối cao là vua Tự Đức và tổng hành dinh trực tiếp điều hành chiến dịch đóng ngay ở kinh thành Huế. Chính nhà vua chứ không ai khác đã ra lệnh cách chức những tướng lĩnh không đáp ứng được yêu cầu của chiến trường và đã có một quyết định sáng suốt là điều động danh tướng Nguyễn Tri Phương làm tư lệnh mặt trận Đà Nẵng thay tướng Tống Phước Minh vừa mới được giao giữ nhiệm vụ này ngay sau khi tướng Lê Đình Lý hy sinh.
Toàn cảnh thành Điện Hải xưa. (Nguồn: www.danangtourism.gov.vn) |
Nhìn xa hơn về các triều vua trước, càng thấy tầm cỡ quốc gia của cuộc chiến tranh hai năm 1858-1860. Trong tư duy quân sự của vua Gia Long, thành Điện Hải bên tả ngạn, cùng với thành An Hải bên hữu ngạn sông Hàn và pháo đài Định Hải ở phía đông trạm Nam Chơn, tất cả đều được định vị trong hệ thống phòng thủ chiến lược cấp quốc gia, với nhiệm vụ kiểm soát và phòng thủ cửa biển Đà Nẵng (1). Hệ thống phòng thủ chiến lược này không ngừng được mở rộng, nâng cấp vào các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Điều đáng chú ý là ngay từ đầu - năm 1813, Gia Long đã cho xây dựng thành Điện Hải theo kiểu Vauban mà ông học được của chính người Pháp. Có lẽ đây không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên, càng không phải là tinh thần sùng ngoại của người đứng đầu triều đình nhà Nguyễn. Dường như Gia Long và các vị vua kế nghiệp phần nào đó đã ý thức được rằng chỉ có thể dùng cái thuẫn phương Tây mới có thể chống đỡ hữu hiệu với cái mâu Tây phương, mâu càng sắc bén bao nhiêu thì đòi hỏi thuẫn phải càng cứng cáp bấy nhiêu.
Cũng vì thế mà từ chỗ xây bằng đất, lại nằm sát bờ biển, thường bị sóng xói mòn, mười năm sau - năm 1823, thành Điện Hải được dời đến địa điểm mới, về phía nam, cách thành cũ 50 trượng, với quy mô thành quách và trang bị hỏa lực hơn trước rất nhiều: xây bằng gạch, chu vi 139 trượng, chung quanh có hào sâu 7 thước, cao 1 trượng 2 thước, cửa chính hướng về phía nam, một cửa khác hướng về phía đông - phía sông Hàn, pháo đài có 30 ụ súng đại bác cỡ lớn, tất cả đều sẵn sàng xung trận. Tất nhiên trong thực tế thì hệ thống phòng thủ chiến lược cấp quốc gia tưởng như rất kiên cố và không ngừng được gia cố này - trong đó có phòng tuyến thành Điện Hải - đã bị hỏa lực của Liên quân Pháp –
Y-pha-nho vô hiệu hóa ngay từ những trận đánh đầu tiên. Xem xét vấn đề tương quan kỹ thuật quân sự, có thể nói vào thời điểm 1858, cái thuẫn phương Tây trong tư duy của vua Gia Long vẫn chưa thể chống đỡ được cái mâu Tây phương vốn đang đi trước chúng ta cả một thời đại. Nhưng dẫu sao cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải cũng đã góp phần không nhỏ vào việc cầm chân quân thù, không cho chúng tràn vào đất liền, đổ quân lên bộ, làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch.
Sau hơn 5 tháng bị sa lầy dưới-chân-thành-Điện-Hải, nhận thấy không thể kéo dài mãi phương án nuốt chửng nước Đại Nam theo hướng Đà Nẵng, ngày mồng 2 tháng 2 năm 1859, Rigault de Genouilly kéo đại quân vào đánh chiếm Sài Gòn; ngày mồng 8 tháng 5 năm 1859, sau khi từ Sài Gòn ra Đà Nẵng xem xét binh tình, Rigault de Genouilly quyết định tấn công Huế, làm vỡ tuyến phòng thủ thứ nhất của triều đình trên sông Hương; ngày 19 tháng 10 năm 1859, thiếu tướng hải quân Le Page từ Pháp tới Đà Nẵng thị sát cũng quyết định tiếp tục tấn công theo hướng Huế, đến ngày 18 tháng 11 đã phá hủy xong tuyến phòng thủ cuối cùng. Và rốt cuộc Le Page - trên cương vị chỉ huy liên quân thay cho Rigault de Genouilly - hạ lệnh rút toàn bộ quân viễn chinh ra khỏi Đà Nẵng vào ngày 23 tháng 3 năm 1860, kết thúc cuộc chiến tranh hai năm, để lại ở lưng núi Sơn Trà một nghĩa địa chôn xác những sĩ quan, binh lính Pháp – Y-pha-nho.
Xin nói thêm là ngay sau khi quân Pháp triệt thoái khỏi Đà Nẵng, vua Tự Đức đã xuống chiếu động viên nhân dân: “Lòng can đảm và sự hy sinh của tướng sĩ ta đã chiến thắng vẻ vang quân Tây Dương. Nên lợi dụng những thắng lợi đó để làm cho quân địch vô phương, ngõ hầu đem lại thái bình và an ninh cho xứ sở, vì phúc lợi tối thượng của thần dân trung thành của trẫm. Đó là niềm mong ước thiết tha nhất của trẫm. Khâm thử” (2). Niềm mong ước của Tự Đức dẫu thiết tha đến đâu cũng không thể thành hiện thực: Hơn hai năm sau ngày Pháp thôi xem Đà Nẵng là mục tiêu chiến lược để giải quyết các vấn đề chính trị, thương mại, tôn giáo liên quan đến Việt Nam, triều đình Huế buộc phải ký Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị 1862 (thường gọi là Hòa ước Nhâm Tuất), trong đó có điều khoản quy định thương nhân Pháp – Y-pha-nho được ra vào buôn bán ở cửa biển Đà Nẵng. Rõ ràng những gì Pháp không đạt nổi trên chiến trường 1858-1860 thì nay họ cố đạt cho kỳ được tại bàn hội nghị 1862: tạo cơ hội đứng chân nơi đầu cầu Đà Nẵng - cửa ngõ nối liền kinh thành Huế.
2. Một trăm năm mươi lăm năm sau nhìn lại cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải, có thể thấy người Đà Nẵng vẫn đang nỗ lực để những năm tháng hào hùng của ông cha xưa không bị chìm vào dĩ vãng. Về phương diện học thuật, ngày 31 tháng 8 năm 1998 thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học kỷ niệm 140 năm ngày nhân dân Đà Nẵng đi đầu chống thực dân; mười năm sau - năm 2008 cũng có một cuộc tọa đàm khoa học tương tự và cuối tháng 9 năm nay, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng sẽ phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò Nguyễn Tri Phương trên mặt trận Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1858-1860”… Những danh nhân có nhiều công lao trong cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải như Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương… đã được người Đà Nẵng tôn vinh qua việc đặt tên đường, đặt tên trường, đặt tên cầu - riêng Nguyễn Tri Phương còn được dựng tượng đồng ngay trong thành Điện Hải. Nhân đây tôi cũng xin kiến nghị Hội đồng Nhân dân thành phố cho đổi tên con đường chạy thẳng từ đường Bạch Đằng vào cổng thành Điện Hải đang mang tên danh tướng Lê Văn Duyệt sang mang tên Thành Điện Hải.
Cái độc đáo nhất chỉ riêng Đà Nẵng mới có là ngay sau khi kết thúc chiến tranh không lâu, lần đầu tiên ở nước ta, hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia - nghĩa trủng Phước Ninh quy tập khoảng 3.000 hài cốt nghĩa sĩ, còn nghĩa trủng Hòa Vang chừng 1.300 - được thành lập để làm nơi yên nghỉ cho các quan quân triều đình cùng không ít thường dân Đà Nẵng đã vị quốc vong thân. Cần làm sao để trải qua thời gian dâu bể, dẫu cái nghĩa trủng xưa có thể chỉ còn một chút dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo (thơ Bà Huyện Thanh Quan), người đời vẫn nhận ra đây không chỉ là tấm lòng và trách nhiệm của người dân Đà Nẵng một trăm năm mươi năm trước mà còn là tấm lòng và trách nhiệm của người dân Đà Nẵng hôm nay đối với đất nước, với những người vì đất nước và với các bậc tiền nhân của chính Đà Nẵng quê mình. Hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy đang xem xét đề nghị của Hội Khoa học Lịch sử thành phố về việc mỗi năm một lần lãnh đạo thành phố sẽ đến dâng hương tại hai nghĩa trủng để thay mặt người Đà Nẵng bày tỏ lòng tri ân đối với các nghĩa sĩ đã trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu dưới chân thành Điện Hải năm nào, như đã và đang làm như vậy - rất đều đặn - đối với các liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Gò Cao (3).
Sáng 13 tháng 8 vừa qua, đoàn đại biểu cấp cao của thành phố Đà Nẵng có chương trình nghiên cứu về mô hình Chính phủ điện tử tại Tòa Thị chính Seoul mới. Đây là một trung tâm hành chính vừa được khởi công xây dựng từ năm 2008 và khánh thành vào cuối năm 2012. Qua tìm hiểu về quá trình thiết kế và thi công công trình có kết cấu nhà kính 13 tầng được tạo nên như một con sóng khổng lồ, có thể thấy người Seoul đã ứng xử với quá khứ một cách rất thông minh. Kế hoạch ban đầu đối với Tòa Thị chính Seoul cũ là phá hủy và thay thế bằng một thiết kế mới, nhưng phần đông ý kiến ủng hộ việc bảo tồn đã đẩy lùi kế hoạch phá hủy này, nghĩa là vẫn giữ lại nguyên vẹn Tòa Thị chính Seoul cũ như một di tích lịch sử - từ cuối năm 2012 đã trở thành Thư viện Thành phố Seoul - đồng thời cho phép xây dựng tòa nhà hiện đại nằm ngay sau tòa nhà cũ. Trong khi đào móng để xây dựng tòa nhà hiện đại, người Seoul đã phát hiện một di chỉ khảo cổ quan trọng gồm các mảng tường thành bằng đá và nhiều cổ vật liên quan đến vũ khí bảo vệ thành này.
Người Seoul quyết định cho khai quật di chỉ khảo cổ trước khi thi công công trình kiến trúc mới, sau đó dành hẳn tầng dưới cùng của tòa nhà mới để làm nơi trưng bày tại chỗ các mảng tường bằng đá và các cổ vật ấy, và quan trọng hơn là mỗi khi đón các đoàn khách quốc tế đến thăm, Văn phòng Tòa Thị chính Seoul đều chủ động sắp xếp lịch làm việc để đưa khách tham quan di chỉ khảo cổ này và bố trí người thuyết minh giới thiệu tường tận. Liệu một khi Trung tâm Hành chính mới của chúng ta khánh thành và đi vào hoạt động ngay bên cạnh thành Điện Hải - thậm chí có một phần ngay trên thành Điện Hải, có thể có một cách làm tương tự để quảng bá với bè bạn muôn phương rằng nơi đây một trăm năm mươi lăm năm trước và hơn thế nữa, nhân dân Đà Nẵng từng thay mặt cả nước và cùng cả nước đánh bại cuộc tiến công quân sự của Liên quân Pháp – Y-pha-nho, làm nên chiến thắng thứ nhất và duy nhất trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân trước khi người Pháp hoàn thành mục tiêu xâm lược và đô hộ trên phạm vi cả nước.
BÙI VĂN TIẾNG
(1) Theo Lê Đình Liễn: Triều đình Huế phòng thủ cửa biển Đà Nẵng, Tạp chí Khoa học và phát triển số 59-1998.
(2) Dẫn lại của Võ Văn Dật: Lịch sử Đà Nẵng - Tiểu luận cao học sử học, Viện Đại học Huế, 1974, Tài liệu đang lưu trữ tại Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng (bản đánh máy).
(3) Xem thêm Bùi Văn Tiếng: Hướng đến sự đều khắp, Báo Đà Nẵng Cuối tuần số ra ngày 28 tháng 7 năm 2013.