Bảo tàng Đà Nẵng mở cửa đón khách tham quan trở lại vào tháng 4-2011 sau khi được chuyển về và xây mới trong khuôn viên thành Điện Hải - di tích lịch sử nơi Nguyễn Tri Phương chặn bước chân xâm lược của thực dân Pháp vào Việt Nam năm 1858. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho rằng, việc bảo tàng được chuyển về đây đã góp một phần giúp thành Điện Hải được du khách biết đến nhiều hơn, làm “sống” lại một di tích cùng lịch sử hào hùng của nó.
Di tích thành Điện Hải hiện nay. Ảnh: H.N |
Hệ thống phòng thủ trọng yếu
Đầu thế kỷ 19, khi thương cảng Hội An suy tàn, Đà Nẵng trở thành thương cảng và là cửa ngõ trọng yếu của triều đình Huế. Thành Điện Hải nằm trong hệ thống phòng thủ gồm đồn lũy, pháo đài trên bán đảo Sơn Trà và ven bờ sông Hàn để kiểm soát thuyền bè ra vào cửa ngõ Đà Nẵng. Đó là “Trấn dương thất bảo đài” (hệ thống gồm bảy pháo đài) và các đồn Phùng Hải, Thành An Hải, đồn Chơn Sảng, Định Hải, Thạc Gián… trong đó quan trọng nhất là thành Điện Hải.
Thành Điện Hải trước đây gọi là đồn Điện Hải, được xây dựng ở gần cửa sông Hàn vào năm 1813, năm thứ mười hai của triều đại Gia Long. Năm 1823, năm thứ tư của triều đại Minh Mạng, đồn được chuyển vào bên trong và xây dựng lại bằng gạch trên một dải đất cao. Vào năm 1835, năm thứ mười lăm của triều đại Minh Mạng, được đổi tên thành Thành Điện Hải.
Năm 1840, khi Hồng Kông của Trung Quốc rơi vào tay người Anh, vua Minh Mạng lo sợ tới số phận Việt Nam, nhất là cửa biển Đà Nẵng, đã cử Tham tri bộ Công Nguyễn Công Trứ vào xem xét hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng, sau đó có đề nghị tăng cường phòng thủ các thành Điện Hải, An Hải. Sau vua cử tiếp Tham tri bộ Lễ Nguyễn Tri Phương vào làm Tuần vũ Nam nghĩa trông coi việc phòng thủ Đà Nẵng. Ông đã cho xây pháo đài Phùng Hải ở đảo Mỏ Diều. Ba pháo đài Phùng Hải, Điện Hải và An Hải đã bao quát được toàn bộ mặt vịnh Đà Nẵng.
Năm 1847 (Thiệu Trị thứ 7), thành Điện Hải được mở rộng có chu vi 556m, thành cao hơn 5m, chung quanh là hào sâu 3m, được xây dựng lại theo kiểu thành Vauban châu Âu, mở 2 cửa. Trong thành có hành cung, có kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng và được trang bị 30 ụ súng đại bác cỡ lớn.
Rạng sáng ngày 1-9-1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha đã nổ súng xâm lược nước ta tại cửa biển Đà Nẵng. Âm mưu của thực dân Pháp là thực hiện kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh bằng cách cho quân đổ bộ lên Đà Nẵng rồi từ đó vượt đèo Hải Vân thốc ra Huế, dùng vũ lực buộc triều đình nhà Nguyễn dâng nước ta cho Pháp. Nhưng Pháp đã không chiếm được Đà Nẵng và bị giam chân trên bán đảo Sơn Trà ròng rã 5 tháng trời. Sau đó chúng phải bỏ Đà Nẵng, rút vào vùng Gia Định. Tướng Rigau de Genouilly viết thư báo cáo về cho Chính phủ Pháp vào ngày 15-6-1859 có đoạn: “Những người An Nam đã trở thành những chiến sĩ dũng cảm. Họ lùi từng bước trước chúng ta nhưng bắt được họ không phải là chuyện dễ. Chúng tôi có chiếm lĩnh được trận địa nhưng họ chỉ lui vài trăm thước để ẩn nấp trong những chiến lũy được xây dựng kiên cố phi thường... Không thể không công nhận rằng cuộc chiến tranh chống nước này còn khó hơn là cuộc chiến tranh chống vương quốc Trung Hoa”.
Hiện nay, tường thành phía tây, đông và các góc còn tương đối nguyên vẹn còn cửa thành phía nam đã mất và phía bắc đã hư hại. Di tích thành Điện Hải đã được trùng tu, gia cố, phục hồi nguyên trạng. Một tượng đài uy nghi của Tướng quân Nguyễn Tri Phương được dựng tại đây, ghi nhớ một giai đoạn lịch sử hào hùng của thành phố.
Di tích sống mãi trong lòng dân
Ngày 18-5-2012, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức buổi lễ công bố tiếp nhận hiện vật: Sắc phong chức “Thự Thủ thành Điện Hải” năm Minh Mạng thứ 21 (1840), do ông Bùi Văn Quang, cán bộ chuyên trách công đoàn Sở Giao thông vận tải tỉnh Nam Định, qua sưu tầm cổ vật phát hiện trao tặng. Bức sắc phong giấy dó màu vàng nhạt hình chữ nhật có kích thước 80 x 40cm với đường viền trang trí hình rồng, mây, hoa văn chấm phủ nhũ bạc.
“Thự thủ thành Thành Điện Hải” - Cai đội làm nhiệm vụ cai quản binh lính trấn giữ thành vào năm 1840. Nội dung tại sắc phong có chép rằng: (theo lời dịch của nhà Hán học Ngô Văn Lại ): “…Nhân vật này là người có công trạng tham gia công việc (bảo vệ) thuộc Đội nhất tiền vệ doanh “Thần cơ”. Nay được Bộ binh chuẩn cho ông ta giữ chức Thự Thủ thành Điện Hải (điều khiển) biền binh (binh chiến đấu) của doanh ấy. Vâng lệnh thực hiện mọi công việc, nếu để khiếm khuyết chức vụ sẽ không được khoan nhượng”.
Theo nghiên cứu của ông Lê Duy Anh (Hội KHLSVN) ở bộ sách Đại Nam thực lục cùng tập sách Đại Nam chính biên liệt truyện (quyển 11) và các tư liệu khác. Được biết, vị tướng Thự Thủ thành Điện Hải lúc bấy giờ, tánh danh là: Tôn Thất Trực, ông cũng còn có tên là Tôn Thất Trúc.
Tôn Thất Trực sinh năm Ất Mão (1795), thuộc dòng dõi Nguyễn Phước tộc. Tháng 7 Canh Tý, niên hiệu Minh Mạng thứ 21 (1840), Vua sắc trao cho Phó Vệ úy Vệ Thủ hộ tiền Tôn Thất Trực chức Thự Thành Thủ úy ở Điện Hải. Tháng 6 Tân Sửu, niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất (1841), vua cho Phó Vệ úy Thủ hộ Tôn Thất Trực thăng Vệ úy ở Vệ ấy. Tháng 7 Tân Sửu (1841) Thự Thành Thủ úy thành Điện Hải là Tôn Thất Trực được thăng Phó Vệ úy Vệ Kim ngô…
Bức sắc phong đã giúp làm phong phú thêm nguồn tư liệu quý về Thành Điện Hải, vốn là thành thứ 2 sau Kinh đô Huế còn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay ở khu vực miền Trung.
Chưa hết, hiện Bảo tàng Đà Nẵng còn trưng bày và lưu giữ 10 khẩu súng thần công. Gần đây, Bảo tàng còn phục chế thêm 2 khẩu súng là súng phát lệnh tấn (phản) công và một khẩu súng thần công bằng đồng. Ông Hồ Đắc Trai, Phó Giám đốc Bảo tàng cho biết, đi kèm với các khẩu súng là một số đạn dành cho súng thần công và dây sắt xích súng khi bắn. “Đó là minh chứng cho sự quan tâm của triều đình về sự phòng thủ buổi đầu chống lại kẻ thù xâm lược. Tuy nhiên, sử liệu cho biết thành Điện Hải có đến 30 khẩu súng thần công, hiện con số hơn 10 súng chúng tôi sưu tập được vẫn chưa đủ bộ. Hy vọng những năm tới số súng thần công này sẽ tìm được về “nguồn cội” của nó”.
"Tổng số khách tham quan Bảo tàng Đà Nẵng kể từ ngày Bảo tàng chuyển về trong khuôn viên thành Điện Hải kể từ tháng 4-2011 đến nay là 55.011 lượt khách, trong đó số khách tham quan từ đầu năm 2013 đến cuối tháng 6 vừa qua là 24.011 lượt. Có thể khẳng định là Bảo tàng đã góp phần làm rõ vai trò của thành Điện Hải, người dân biết đến thành trì phòng thủ của cha ông khi xưa, đặc biệt là những thế hệ trẻ biết đến sự hy sinh của những vị tướng và hàng nghìn người lính, người dân tham gia giữ thành buổi đầu chống Pháp" Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng |
HOÀNG NHUNG