.

Hoài niệm về nghề giáo

Kể từ ngày bước chân vào nghề dạy học cho đến bây giờ đã hơn 38 năm, nhưng cảm xúc của tôi đối với ngày “Tết” của thầy, cô giáo vẫn bồi hồi, xúc động như thuở nào! Những bông hoa tươi thắm, những lời chúc mừng chân tình các em học viên nhân ngày 20-11 đã làm cho cây đời tôi bén rễ với nghề dạy học từ lúc nào!

Ngày Tết của thầy, cô giáo đến với ngành giáo dục Việt Nam khá muộn nhưng đội ngũ thầy, cô giáo trong đó có tôi, đón nhận ngày hội của mình với tình cảm chân thành, sâu lắng.

Đây cũng là dịp để mỗi thầy, cô giáo chúng ta chiêm nghiệm, tưởng nhớ lại quá trình cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, những năm tháng miệt mài, say mê, gắn bó với nghề dạy học, những niềm vui, nỗi buồn, những suy tư, trăn trở... như cuộn phim đời quay chậm, tái hiện lại trước mắt tôi làm cho tôi ngập tràn hạnh phúc.

Cuộc đời nhà giáo, thời nào cũng vậy, thanh bạch chẳng vàng son. Thầy giáo Chu Văn An dâng “thất trảm sớ” xin chém 7 tên loạn thần, không được Vua Trần Dụ Tông chấp nhận, ông đã từ quan về quê dạy học. Học trò của thầy Chu Văn An sau này có nhiều người nên danh giá như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh... Người đời sau tôn vinh thầy là bậc sư tổ của nghề dạy học ở nước ta và thờ thầy ở Văn miếu - Quốc  Tử Giám Hà Nội.

Thầy giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ xin Vua cho chém 18 tên loạn thần, bị Vua Mạc từ chối, ông từ quan về quê làm nghề dạy học và vui thú điền viên. Thơ chữ Nôm và thơ chữ Hán của thầy có rất nhiều bài “hay và đẹp lạ thường” đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thời trung đại, có rất nhiều thầy, cô học rộng, tài cao nức  tiếng gần xa như: Mạc Đĩnh Chi, Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn...

Thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo xuất sắc cho Cách mạng Việt Nam, trong tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội.

Nghề dạy học thanh bạch, đạm bạc, mang cái chữ đến cho con cháu, giúp cho con cháu có cơ hội nên danh, nên giá, đây là nghề cao quý, được xã hội, mọi người tôn trọng, yêu quý xưa nay. Như cụ Lê Quý Đôn đã từng khẳng định: “phi trí bất tiến”. Ai làm nhiệm vụ nâng cao trí tuệ cho con người, để thúc đẩy xã hội tiến lên, chính là đội ngũ thầy, cô giáo. Chính vì thế, mà Đảng ta đã chỉ rõ: “Văn hóa, giáo dục là yếu tố nội sinh, là động lực của sự phát triển”. Chúng ta biết rằng, ngày nay sự giàu có của một quốc gia không phải là tài nguyên nằm trong lòng đất mà nằm ngay trong chính bản thân của mỗi con người, đó là trí tuệ, chất xám. Cuộc cạnh tranh quyết liệt về kinh tế hiện nay là cuộc cạnh tranh về công nghệ, chất xám. Vì thế, ngày nay người ta đã xây dựng lại lý thuyết về phát triển, thừa nhận tính nhiều cạnh của sự phát triển mà chiều cạnh văn hóa, giáo dục là không thể xem nhẹ.

Liên hiệp quốc đánh giá, xếp loại sự phát triển của một quốc gia không chỉ căn cứ GDP/đầu người/năm, mà còn dựa vào chỉ số phát triển HDI. Trong đó, chỉ số thành tựu về giáo dục, y tế và trình độ dân trí được đặt lên hàng đầu. Do đó, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, đầu tư chiều sâu và có lãi nhất, đó là đầu tư mang tầm chiến lược của một quốc gia.

Năm nay đón chào ngày Tết của thầy, cô giáo, tôi rất mừng là xã hội đã đánh giá đúng vai trò, vị trí của giáo dục đối với xã hội. Từ đó, xã hội đã đề ra và tôn vinh đội ngũ thầy, cô giáo.

Thời tiết đang chuyển mùa, những cơn mưa rả rích cùng với cái lạnh se se, dễ làm cho lòng người chùng xuống. Những kỷ niệm, ký ức về năm tháng của nghề dạy học cứ lần lượt hiện ra, tôi khe khẽ thì thầm: Ngày Tết của thầy, cô sắp về!

TRẦN VĂN THIẾT

;
.
.
.
.
.