“Bảo tàng đẹp đã giới thiệu được nhiều nét hấp dẫn của Đà Nẵng cũng như lịch sử Việt Nam. Tiếc rằng bóng đêm của chiến tranh đã bao trùm cả một giai đoạn dài đen tối và khủng khiếp lên đất nước xinh đẹp này, trong đó có người dân Đà Nẵng”.
Giá trị di sản văn hóa là một trong những sức hút để khách tham quan đến với Bảo tàng Đà Nẵng ngày một đông hơn. Ảnh: V.P.Q |
Với không gian trưng bày hiện đại hơn 3.500m2, Bảo tàng Đà Nẵng trưng bày, lưu giữ và bảo quản gần 14.000 tài liệu hiện vật, tài liệu khoa học phụ đã được kiểm kê, xác định có giá trị mang tính pháp lý. Anh Trần Văn Chuẩn, công tác ở Phòng Trưng bày - Đối ngoại của Bảo tàng, cho biết: “Sau hơn một năm đi vào hoạt động tại cơ sở mới, Bảo tàng đã và đang trở thành một địa chỉ tham quan hấp dẫn cho du khách gần xa. Nếu như trước đây người ta nghĩ bảo tàng chỉ đáp ứng những nhu cầu về nghiên cứu, lưu giữ kỷ vật của quá khứ thì nay bảo tàng đã vươn lên để theo kịp những nhu cầu về trải nghiệm, thưởng thức văn hóa và cả nhu cầu giải trí”.
Nếu khi còn ở đường Lê Duẩn, Bảo tàng một năm đón chưa được 1 nghìn lượt khách, thì ở địa chỉ mới 24 Trần Phú, trong khuôn viên thành Điện Hải - Di tích Lịch sử Quốc gia, số lượng khách tham quan đã tăng mạnh từ 12.154 lượt (năm 2011) lên 18.500 lượt (năm 2012); năm nay, chỉ mới tính đến ngày 15-11 đã có 32.721 lượt người đến tham quan. Trong đó, lượng khách nước ngoài đã tăng từ 290 vào năm 2011 lên 6.421 trong năm nay. Đặc biệt, khách tham quan là học sinh - sinh viên, nếu trong năm 2011 không có lượt nào thì năm 2012 đã có 6.418 lượt và năm nay đã tăng hơn gấp đôi với 14.352 lượt.
Khách tham quan là học sinh - sinh viên đến Bảo tàng tăng đột biến, một phần là từ hiệu quả của chương trình Hành trình đến với Bảo tàng Đà Nẵng và Di tích Thành Điện Hải do Bảo tàng phát động đến các trường học trên địa bàn thành phố. Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT và Bảo tàng Đà Nẵng, chương trình được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 bắt đầu ngày 20-3-2013 đến ngày 30-4-2013 dành cho học sinh khối THPT; giai đoạn 2 từ ngày 3-2-2014 đến ngày 30-4-2014 dành cho học sinh khối THCS và tiểu học.
Theo đánh giá của Bảo tàng, chương trình đã mang lại cho học sinh cái nhìn rất khác về việc học lịch sử. Em Lê Công Hậu học sinh lớp 12/26 Trường THPT Phan Châu Trinh bộc bạch: “Chiến tranh là tội ác. Nhưng cũng qua đó để lại những giá trị nhân văn rất lớn, những tấm gương về các vị anh hùng, những bài thơ, những bức thư cảm động... Thật sự đi tham quan thế này học sử mới cảm thấy thích thú, nếu không chỉ là một mớ lý thuyết nhàm chán, mệt mỏi”.
Trong năm nay, Bảo tàng đã tổ chức nhiều hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như Triển lãm ảnh chủ đề “Đà Nẵng, những góc nhìn”, trưng bày tư liệu chủ đề “Da cam - lương tri và công lý”, triển lãm chuyên đề “Tinh hoa cổ vật Phật giáo tại Đà Nẵng”... Đặc biệt, ngay từ đầu năm, lần đầu tiên tại Bảo tàng đã diễn ra một sự kiện quan trọng: trưng bày tư liệu mới phát hiện về Hoàng Sa do UBND huyện Hoàng Sa, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng và báo Tuổi Trẻ phối hợp thực hiện.
Có thể nói, đây là một cuộc “tổng duyệt” để ngày 29-4 sau đó, triển lãm “Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” - triển lãm chuyên đề lần đầu tiên hướng đến đối tượng khách quốc tế, đã được Sở Nội vụ, UBND huyện Hoàng Sa và Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp tổ chức, mở ra cơ hội để bạn bè quốc tế tiếp cận, tìm hiểu và có cái nhìn toàn diện, khách quan về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Trong số gần 7 nghìn lượt khách nước ngoài đến Bảo tàng năm nay, nhiều người đã lưu lại cảm xúc của mình trong sổ ghi cảm tưởng. Một người tên là Jan Tuerlings viết (nguyên văn tiếng Anh, được nhân viên Bảo tàng tạm dịch): “Bảo tàng đẹp đã giới thiệu được nhiều nét hấp dẫn của Đà Nẵng cũng như lịch sử Việt Nam. Tiếc rằng bóng đêm của chiến tranh đã bao trùm cả một giai đoạn dài đen tối và khủng khiếp lên đất nước xinh đẹp này, trong đó có người dân Đà Nẵng”.
Bóng đêm đã qua đi và đất nước, thành phố xinh đẹp này sẽ ngày một xán lạn hơn trong ánh bình minh, đó cũng là thông điệp mà những di sản văn hóa ở Bảo tàng Đà Nẵng muốn gửi đến tất cả mọi người.
VIÊN PHÚC QUÂN