Chỉ cần gõ phím vào Google là cái tên của Nguyễn Thượng Hỷ hiện ra như một bức chân dung về một họa sĩ suốt đời gắn bó như người tình với hồn Chăm, tháp cổ… Hơn ba mươi năm đánh vật với nắng mưa đo, vẽ, từng viên gạch ở Mỹ Sơn để rồi khi nghỉ hưu lại trở về với khu thánh địa này sống và vẽ như một duyên nợ.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ bên bức tranh gốm Con yêu bánh nậm (trái) và Nụ hôn 1, một trong những tác phẩm acrylic trên gốm ưng ý của anh.(Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Hành trình độc đạo
Gặp họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ vào những ngày đầu xuân Giáp Ngọ tại căn nhà nhỏ bình yên của anh tại con hẻm Đinh Tiên Hoàng, Đà Nẵng. Vừa ngắm mấy con cá vàng thong dong bơi lội trong cái hồ nhỏ trước hiên nhà chúng tôi vừa nghe anh kể chuyện “ngậm ngải tìm trầm” trong cuộc dạo chơi bằng sắc màu trên giá vẽ…
Cái giọng Huế thâm trầm kiểu mấy mệ hoàng tộc dấm da dấm dẳng mà có duyên đến lạ lùng. Anh bảo trong đời anh có ba thứ quan trọng nhất, đó là: Vợ con, hội họa và nghiên cứu văn hóa Chăm. Mấy mươi năm qua, anh như con thoi giữa Quảng Nam và Đà Nẵng. Những chuyến xe buýt cuối tuần đưa anh về với vợ con để rồi đầu tuần anh lại theo bánh xe lăn về với tình yêu hội họa. Người ta biết đến anh như một họa sĩ với tình yêu văn hóa Chăm đến mức cuồng nhiệt. Cuồng nhiệt đến nỗi, sau khi nghỉ hưu, anh lại về với thánh địa, dựng một căn nhà lá… tiếp tục vẽ tranh và lang thang đi tìm những mảnh linh hồn của gạch đá.
Mấy lần bật ti-vi xem, thấy anh lên truyền hình nói chuyện về bảo tồn nhà cổ Quảng Nam, rồi đi tìm hoa văn gốm Chu Đậu... Căn nhà tranh vách nứa giữa vùng đồi núi của anh như một cách lưu giữ hình ảnh nhà mái lá truyền thống của người Quảng Nam xưa cũ. Gia tài của anh sau ba mươi năm cống hiến cho đời là những bản vẽ những mẫu nhà cổ, những mẫu hoa văn tháp Chăm đầy bí ẩn. Tình yêu ấy hóa thân thành tác phẩm hội họa mang tên Hồn của gạch (tên một cuộc triển lãm của anh với họa sĩ Lê Viết Thắng nhân kỷ niệm 10 năm Mỹ Sơn được công nhận là di sản văn hóa thế giới 1999-2009). Và chỉ mới đây thôi, vào ngày 21 tháng 6, tại ngôi nhà mái lá của anh tại ngoại vi khu thánh địa đã có cuộc triển lãm chủ đề Mỹ Sơn nhân sự kiện Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 5 với sự tham gia 25 họa sĩ và hơn 70 tác phẩm được trưng bày…
Và… vẽ trên gạch
Dường như đất và anh cứ có duyên có nợ từ kiếp trước. Hết vẽ tranh trên vải, trên giấy anh lại quay qua vẽ tranh trên gạch gốm công nghiệp. Trong căn phòng khách chưa đến 15 mét vuông nhưng đầy ắp những bức tranh bằng gốm đỏ. Chúng tôi tò mò ngắm nghía một bức tranh lạ đang dựng sát tường. Anh giới thiệu: Đây là bức tranh có tên “Con yêu bánh nậm”, từng tham dự triển lãm Gốm Việt Nam 2010. Thấy chúng tôi thắc mắc hoài về cái tên đậm chất liêu trai thì anh cười: “Con yêu bánh nậm” là cách người Huế gọi yêu mấy cô gái tinh nghịch, chảnh chẹ nhưng vô cùng dễ thương ấy mà… Ô, trời! Hơn ba mươi năm làm rể đất Đà Nẵng vậy mà cái mùi Huế của anh chẳng bay đi ít nhiều chi cả! Lâu nay cứ tưởng, gạch chỉ dùng để lót sàn nhà, hiên vườn…, có ai ngờ rằng qua tay người họa sĩ tài hoa, gạch, đá trở nên có hồn có phách.
Mười năm trước, Nguyễn Thượng Hỷ đến với tranh vẽ trên gạch gốm như một sự thử nghiệm tìm tòi chất liệu mới. Từ ý định vẽ trang trí cho mấy bức tường nhà, anh đến với gạch gốm như một tình yêu sâu thẳm dành cho đất. Bởi chất liệu gạch gốm vốn không cầu kỳ, vẽ mau khô lại có độ bền vững theo thời gian. Nếu thay màu vẽ công nghiệp bằng màu men gốm rồi nung lên thì màu sắc tranh vừa đẹp lại không phai màu. Bí quyết để có một bức tranh gạch gốm đẹp nhưng cho cảm giác gần gũi và thân thiện thì người vẽ không tô màu kín như trên chất liệu vải hay giấy mà phải chừa lại màu nền nguyên bản của gạch. Và trên cái màu nền chân phương: da lươn, đỏ, vàng thổ của gạch ấy, những sắc màu sẽ được bay lên cho gạch đá thăng hoa.
Anh bảo, anh là người đầu tiên vẽ trên những viên gạch gốm công nghiệp và cũng chưa thấy ai dùng chất liệu này để vẽ như anh. Và đặc biệt hơn cả mỗi bức tranh của anh vẽ trên gạch đều không có bản thứ hai. Nhiều quán cà-phê, nhà hàng lớn ở Quảng Nam và Đà Nẵng đều đặt hàng anh vẽ để làm tranh trang trí tường. Ưu điểm của loại tranh này là chỉ cần chạy ra cửa hàng vật liệu mua gạch. Sau đó dán lên tường bằng vữa xi-măng. Cố định xong là thỉnh mời họa sĩ đến phóng bút. Cũng có thể vẽ trực tiếp lên gạch sau đó dán bức tường đã định. Cách nào đi nữa thì họa sĩ phải chuẩn bị bản phác thảo thật kỹ càng… Có như thế tranh mới đẹp, màu mới chuẩn…
Festival Huế 2008, anh đã cùng một số họa sĩ thân quen tổ chức một cuộc triển lãm mi-ni tại nhà riêng của cụ thân sinh tại K100/2 đường Lê Thánh Tôn, thành nội Huế. Lần đó anh đem theo 6 bức tranh vẽ trên gạch gắn vĩnh viễn lên tường khiến nhiều khách phương xa đến thưởng lãm trầm trồ kinh ngạc. Đây cũng là ý tưởng lạ cho những ai muốn biến những bức tường vô tri của ngôi nhà thành bức tường tranh đầy cảm xúc…
Không chỉ tìm thấy ở gạch đá sự tri âm nghệ thuật, họa sĩ còn có ý định dạy vẽ miễn phí cho trẻ con làng Mỹ Sơn, nơi anh tình nguyện làm cư dân miền di sản, trên chính những quả bầu hồ lô được trồng quanh nhà. Biết đâu đấy, một ngày không xa, du khách đến quan lãm vùng thánh địa này sẽ được nghe người họa sĩ già kể chuyện về tháp cổ trong âm điệu tiếng trống ba-ra-nưng trầm bổng thiết tha, được cầm tay món quà lưu niệm quả bầu hồ lô đầy sắc màu bảng lảng…
NHƯ HẠNH