.

Ban mai và buổi chiều

.

Lơ đãng đặt nghiêng tách trà trên chiếc đĩa nhỏ, nhìn bâng quơ vào khoảng không, sâu trong đáy mắt ông Mai Thanh Đông, người Bí thư Huyện Đoàn Hòa Vang năm xưa, hình ảnh hai người đoàn viên thanh niên (ĐVTN) chừng như vẫn in hằn dấu tích bi hùng một thời.

Chị Huỳnh Thị Cúc: Những năm làm công tác Đoàn đã giúp tôi trở nên tự tin, đủ bản lĩnh để bước vào thương trường. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chị Huỳnh Thị Cúc: Những năm làm công tác Đoàn đã giúp tôi trở nên tự tin, đủ bản lĩnh để bước vào thương trường. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Bước vào những năm tháng sau năm 1975, Hòa Vang - lúc đó có 19 xã, tập trung vào công tác tháo gỡ bom mìn (chủ yếu ở 3 xã Hòa Tiến, Hòa Hải và Hòa Quý), khai hoang phục hóa để đẩy mạnh sản xuất, đưa dân về làng cũ, trên cao làm nhà, dưới thấp sản xuất nông nghiệp. Đoàn Thanh niên đi đầu, trong đó quan trọng nhất là tháo dỡ bom mìn để an dân.

Xã Hòa Hải quê ông lúc đó có thôn Đông Trà với 6 xóm, gồm: Vùng Trung, Xuân Nhâm, Vùng Tây, Vùng Nam, Trà Khê, Cai Lanh. Đất Vùng Trung bằng phẳng, rộng rãi, nếu cải tạo tốt thì sẽ trở thành vùng sản xuất nông nghiệp chủ yếu cho cả xã. “Bà con nơi đây đã hy sinh cho cách mạng nhiều rồi, chừ thời bình bà con cũng nên hy sinh thêm chút nữa, lên vùng cao hơn để sinh sống, nhường đất cho sản xuất. Chúng tôi nhiều lần động viên như thế, cuối cùng thì bà con cũng vui vẻ đồng ý” - ông Đông nhớ lại.

Hôm đó, hàng trăm ĐVTN về Vùng Trung dàn hàng ngang phát quang bụi rậm. Chỉ một loáng sau, có tiếng nổ chát chúa vang dội một góc trời. Trong nháy mắt, tại hiện trường, cảnh diễn ra thật thương tâm: một người chết, một người bị thương…

Sự việc quá đau thương, chàng trai chỉ vừa bước qua tuổi 27 là ông Đông lúc đó như không đứng vững. Mọi người đang dao động, nếu không có một giải pháp tối ưu thì công tác khai hoang phục hóa ở vùng đất này có nguy cơ phá sản. Nghĩ thế, ông đứng ra tổ chức tang lễ thật chu đáo, trên 500 ĐVTN đến dự lễ truy điệu, mỗi người đeo một băng tang ghi “Biến đau thương thành hành động”.

Gia đình người chết cảm thấy an lòng. ĐVTN được chứng kiến sự hy sinh bi hùng của bạn mình, qua đám tang, khí thế tuổi trẻ càng dâng cao. Người dân thấy việc làm của Đoàn là đúng đắn nên sôi nổi hưởng ứng. Chỉ 2 ngày sau khi đưa tang, ĐVTN đã tiếp tục thi đua ra quân, chuyển trên 100 ngôi nhà dân lên vùng cao hơn, giải phóng trên 100ha đất nông nghiệp…

Có một phụ nữ rời nơi chôn nhau cắt rốn, theo chồng về Đà Nẵng và trải dài tuổi trẻ của mình qua công tác Đoàn ở nơi mà chị chọn làm quê hương thứ hai này.

Chị Huỳnh Thị Cúc đầu những năm 80 thế kỷ trước công tác ở Huyện Đoàn Bình Sơn, Quảng Ngãi. Chồng công tác xa, khi chị sinh con, anh chị em trong cơ quan đưa chị đi bệnh viện, làm giấy chứng sinh và đặt luôn tên cho cháu! Sau này, chị kể, bị ông nội cháu la quá chừng, sao đặt tên cho con mà không hỏi, lỡ như trùng tên trong gia phả thì sao?! Chị cười: Cũng may là không “đụng” tên ai hết.

Năm 1985, chồng chuyển công tác về Đà Nẵng, chị được chuyển theo. Mang cái nhiệt tình, sôi nổi của người cán bộ Đoàn vào làm việc ở Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em, chị bỗng dưng… nổi bật hẳn lên. Thế là hai năm sau, chị được điều động lên làm Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, trực thuộc Tỉnh Đoàn Đoàn Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ). Thấy chị hằng ngày đạp xe đạp đi cơ sở, bố mẹ chồng “xót” quá, cho vợ chồng chị chiếc xe máy. Chồng lại thương vợ, thành ra ở cơ quan Thành Đoàn ngày đó chỉ mỗi chị là được “vi vu” với chiếc Honda. Anh Lê Nguyên Hồng, lúc đó cũng là Phó Bí thư Thành Đoàn, mượn xe chạy bị gãy cái chân chống, chị khóc, bắt đền!

Vừa làm công tác Đoàn, vừa nuôi con, đời sống lắm khó khăn. Chị tranh thủ làm thêm, buổi sáng chở xì dầu của một ông anh sản xuất, chiều đưa bánh ga-tô do vợ một phóng viên báo ảnh gần nhà chị làm, đi bỏ mối các chợ. “Bươn chải với cuộc sống, có lúc tôi chỉ còn nặng 40kg. Nhưng rất tự hào vì mình may mắn được làm công tác Đoàn, nhờ đó tôi trở nên tự tin, biết cách thuyết phục người khác, đủ bản lĩnh, kỹ năng để bước vào thương trường” - chị chia sẻ.

Năm 1992, chị về nối nghiệp gia đình bên chồng, mở hiệu ảnh Hoàng Gia mang tên con trai chị trên đường Phan Châu Trinh. Những mối quan hệ đầy nghĩa tình một thời làm công tác Đoàn là một trong những thuận lợi giúp cho việc kinh doanh của chị ngày một phát triển. Chị hiện là Phó Chủ nhiệm CLB Nữ doanh nhân Đà Nẵng.

Khác với chị Cúc, chị Nguyễn Thị Thu Hà mang những kinh nghiệm, kỹ năng của Phó Bí thư Thành Đoàn làm “hành trang” khi chuyển qua làm Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố. Theo chị, công tác Đoàn Thanh niên và công tác Hội Phụ nữ tuy tương đồng, nhưng cũng có những khác biệt bởi phần lớn phụ nữ tham gia tổ chức Hội đã có chồng con, có những nhu cầu khác với tuổi trẻ. Nhiệm vụ của Hội là phải làm sao để đáp ứng nhu cầu của họ thì họ mới đến, mới gắn bó với Hội.

Kinh nghiệm của chị Hà: “Khi qua công tác bên Hội, nhiều điều tôi phải làm lại từ đầu. Nhưng, cái tôi sẵn có từ công tác Đoàn, ngoài vốn kiến thức đã được học từ thầy, từ đồng nghiệp, từ gần 20 năm tích lũy trong cuộc sống, là sự linh hoạt, mềm dẻo, chịu khó và chân tình. Giữa cái “trầm” của công tác phụ nữ (trong cách nghĩ của một số cán bộ Hội) và cái “sôi nổi” trong công tác thanh niên thường được tôi “pha chế” hài hòa trong những hoạt động mà mình tham mưu, thực hiện”.

Chịu khó, nhiệt tình cũng là tính cách của ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng, khi ông làm cán bộ Đoàn. Gần 40 năm nhìn lại quãng thời gian hoạt động Đoàn của mình, ông thấy mình đã vượt qua rất nhiều thách thức, trước hết là vượt qua tuổi tác (ông làm Bí thư Đoàn xã lúc chưa tròn 19 tuổi, Bí thư Huyện Đoàn năm 22 tuổi và Thường vụ Tỉnh Đoàn chưa đầy 30 tuổi) để khẳng định mình. Thứ nữa là khắc phục hạn chế về trình độ bằng con đường kiên trì học tập để cho mình có kiến thức nhất định.

Trao đổi với các bạn trẻ hôm nay, ông nhắn nhủ: “Cứ bằng chính cuộc sống của mình, việc làm của mình, cố gắng vượt qua những cám dỗ đời thường… chắc chắn mình sẽ không ân hận với những gì mình đã trải qua. Tôi rất thích câu thơ của Hoàng Thị Minh Khanh: Tôi không buồn những buổi chiều/ Vì tôi đã sống rất nhiều ban mai - những ban mai đầy ắp tình yêu thương và sự dâng hiến cho cuộc đời mình đang sống”.

Cuộc đời ông Đông đang vào buổi chiều, sau khi nghỉ hưu ở cương vị Trưởng ban Dân vận Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ngũ Hành Sơn, nhưng ông đã sống rất hết mình trong buổi ban mai. Nhiều ĐVTN thời ông làm Bí thư Huyện Đoàn giờ đã là những cán bộ lãnh đạo của thành phố. Gần 40 năm trước, khi hai ĐVTN bị nạn, ông đã trực tiếp vừa đi làm thủ tục công nhận liệt sĩ, thương binh cho họ, vừa vận động bà con dời nhà lên trên cao. Giờ ai cũng nhà cửa khang trang dọc theo mặt tiền đường Trần Đại Nghĩa, gặp lại ông, lần nào nhắc chuyện cũ họ cũng cười: Hồi đó, nói thiệt đâu phải ai cũng ưng lên đây. Mà cũng may, nghe lời anh chừ mới được như thế này...

Ba người con của ông đều trưởng thành từ phong trào Đoàn và trở thành những đảng viên trẻ. Tôi tin rằng, những người cùng trang lứa, cùng hoài bão với họ đang “sống rất nhiều ban mai” để không phải than van, tiếc nuối điều gì khi đời mình mãn chiều xế bóng...

Thời chúng tôi, cán bộ Đoàn lấy nhiệt tình, say sưa công tác là chính chứ trình độ học vấn so với bây giờ thì hạn chế lắm. Điều kiện vật chất sinh hoạt thì rất khó; nơi nào có ampli, đàn điện, trống… thì được xếp vào loại oách nhất. Thế nhưng điểm tương đồng của người cán bộ Đoàn ngày trước cũng như bây giờ là có một phong cách nhanh, nhạy, đầy nhiệt huyết, sôi động và luôn luôn sống có ước mơ, hoài bão. Nếu ai không có được những phẩm chất đó thì chỉ là một công chức Đoàn, “quan Đoàn”, cùng lắm chỉ là người lãnh đạo Đoàn chứ chưa phải là người bạn, là thủ lĩnh của tuổi trẻ.

Ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng, nguyên Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh Đoàn Quảng Nam-Đà Nẵng

Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.