.
Truyện ngắn

Làng chài

.

Làng ở ven sông Sêrêpôk nên gọi là làng chài. Làng chài toàn người Thái, di cư vào Tây Nguyên đã lâu, hay còn gọi là làng Thái. Thuyền bè là phương tiện chính để người Thái lênh đênh trên sông mưu sinh. Hằng ngày đàn ông đánh bắt, chài cá; phụ nữ đan, vá chài và dệt thổ cẩm.

Minh họa:HOÀNG ĐẶNG
Minh họa:HOÀNG ĐẶNG

“Em vá giùm anh cái “muông” (giỏ đựng cá của người Thái) chưa?” - Muôn hỏi vợ.

“Em vá xong rồi, em treo trên gác bếp nè anh Muôn” - Tím từ gian bếp nói vọng ra, trên tay cô cầm đũa cả đảo nồi cơm sôi sùng sục.

Đứa con gái nhỏ ngồi vắt vẻo bên nhà sàn, lúng liếng đôi má bầu bĩnh, gấp những chiếc thuyền giấy, chốc chốc con gái ra mương nước trước nhà thả trôi bồng bềnh. Bên bờ sông vườn xoài lủng lẳng xen kẽ những trái xanh, vàng. Mùa hè oi ả, gió thổi từ phía sông lên mát rượi. Những chiếc khăn Piêu đủ màu sắc sặc sỡ, Tím phơi ở mái hiên nhà sàn. Gió lồng lộng thổi, những chiếc khăn phơi trên dây bay phập phồng dù được kẹp chặt. Ánh nắng vàng óng rọi vào chiếc khăn Piêu càng thêm rạng rỡ.

Xế chiều, Muôn cầm chài đi quăng. Anh leo lên thuyền nan, hai tay cầm cây dầm khua nước lao ra sông, thuyền lênh đênh giữa dòng, Muôn đeo chiếc “muông” đựng cá đủng đỉnh bên eo bụng. Những thanh niên cùng làng với Muôn đồng hành cùng anh trên con sông này. Ở mực nước nông, các thiếu nữ cầm “ca sa” (dụng cụ xúc tôm tép của người Thái), họ lọ mọ vào các khe suối róc rách chảy, úp “ca sa” vào khe, một lát sau “ca sa” đầy tôm, tép, cá nhỏ búng lách tách. Họ nói với nhau bằng tiếng Thái và bật cười rôm rả vì “muông” đầy tôm cá.

Đi cùng Muôn là Mân - anh trai Muôn. Mân có vợ và con trai tên Bon. Bon mười tuổi, câu cá rất cừ. Buổi sáng, Bon đến trường, chiều phụ ba kiếm cơm.

“Ủa cái thằng Bon này, mày quên mang mồi rồi sao câu?” - Mân nhăn nhó với con.

“Trời! Mới nãy con thấy ba cầm theo cái bọc nhỏ đựng mồi mà” - Bon giải thích.

“Hừ! Thằng khỉ” - ba Bon trách.

“Thôi mà, xíu ba chở con vào bờ, con đào giun đầy ấy mà” - Bon nói, lộ rõ hàm răng trắng bóc và làn da bánh mật.

Ba Bon lắc đầu, một đứa trẻ mười tuổi mà nói chuyện như người lớn quá. Khi thuyền dạt vào, Bon nhảy xuống bờ đào giun, chả mấy chốc giun đầy ống lon, tha hồ câu. Cậu bé loắt choắt, nhanh nhảu, gắn lưỡi câu vào con mồi và quăng cần ra sông một cách điêu luyện. Không khí mùa hạ oi bức, sau cơn mưa đầu mùa, nước nổi, nên cá sinh sản nhiều. Từng con cá tung tăng nhảy lên khỏi mặt nước rồi lặn xuống đột ngột. Cậu giật cành chuyên nghiệp, những con cá như người bạn của cậu vậy. Bon ngồi một lát thì cá tràn “muông”. Không biết ba Bon và chú Muôn sao rồi, cậu bé thẫn thờ ngồi đợi.

Chạng vạng tối. Mặt trời đong đưa cuối cánh rừng. Ánh hoàng hôn hắt xuống sông lấp lánh, chạng vạng, tạo ra một màu bàng bạc, huyền ảo, tranh tối tranh sáng. Tiếng gà rừng quang quác gọi bầy. Âm thanh của ngày tàn rớt lại. Không gian yên ắng, đượm buồn.

Ba và chú Muôn đánh thuyền vào bờ đón Bon. Thuyền di chuyển chầm chậm. Từ xa thấp thoáng nhìn về ngôi làng bé xíu như búp sen mọc ven sông, từng chấm nhỏ li ti bởi ánh đèn của các nhà hắt ra chấp chới, vàng vọt. Khoảng giữa sông hướng về nhà. Dáng Tím nhỏ thó, uyển chuyển đứng ở hiên nhà bón con, thấp thỏm ngóng chồng về. Màn đêm buông xuống, đặc quánh như nhung. Trên bầu trời những ngôi sao lấp lánh. Thi thoảng vài chiếc máy bay nhấp nháy trên bầu trời...

Cuối cùng thuyền Muôn cập bến. Các thuyền khác cũng xếp hàng cố định ven bờ. Ba người thu xếp đồ đạc leo lên bờ, vừa đi vừa huýt sáo, hát nghêu ngao dân ca Thái “Inh lả ơi”.

“Inh lả ơi, sao noọng ơi… Khắp núi rừng… Inh lả ơi, sao noọng ơi!”

“Được nhiều hơn mọi hôm đúng không anh Muôn?” - Tím vừa bón con, vừa xởi lởi với chồng.

“Sao bà xã biết hay thế?” - Muôn nhíu mày cười.

“Em thấy anh vừa đi vừa hát là biết được nhiều cá rồi, có lần chài về không được, mặt anh cau có. Chồng em mà, em biết chứ” - Tím đon đả với chồng.

Nói đoạn Muôn đưa “muông” cá cho Tím. Cô đổ ra thau, cá tươi rói dãy đành đạch, cá “pà khín”, cá trắm cỏ, cá thát lát… Cô bắt tay vào làm cá, đánh vẩy. Cá thát lác cô băm nhuyễn một phần làm chả nấu canh chua, phần còn lại cô nấu cháo cho con gái. Cá “pà khín” chiên giòn “chẩm chéo” chua ngọt. Cá trắm cỏ làm món “Pà pỉn tộp” (cá ốp nướng) của người Thái, cô rạch bụng, làm sạch bụng cá. Cô băm nhuyễn sả, trộn đều với mắc khén (tiêu rừng) cùng các gia vị làm nhân. Sau đó, cô cho phần nhân vào bụng cá, dùng thanh nứa kẹp chặt cá và nướng trên bếp than. Căn bếp nhỏ trong nhà sàn, khói bếp bảng lảng, sực nức mùi cá nướng.

Số cá lỡ cỡ còn lại trong thau, Tím lựa ra treo trên giàn bếp hun khói, phòng khi những ngày mưa gió trở trời, không đi chợ, đi chài được, cá hun khói để vậy ăn dần.

Xong xuôi Tím dọn cơm cùng chồng ăn tối. Cô rót rượu cẩm mời chồng.

“Ôi! Ai lại để vợ rót cho chồng thế này” - Muôn nói.

“Được mấy khi anh nè, cứ để em” - Tím ân cần.

Rượu cẩm ủ trong ché đã lâu nên vị thơm nồng. Ngoài sân màn trời đen đặc, những cánh dơi đi ăn đêm lượn lờ bay thảng thốt. Đàn cú mèo với đôi mắt tròn xoe phát sáng đậu trên cây Kơ Nia...

Ngọn lửa bập bùng cháy trong gian bếp nhỏ, những con cá hun khói trên gác bếp săn vàng, khô queo lại. Lửa nhỏ dần, than lốm đốm đỏ và bảng lảng khói, hơi ấm lan tỏa trong nhà sàn. Mưa bắt đầu nặng hạt. Từng cơn mưa mùa hạ rủ nhau kéo đến, rơi lộp độp trên mái tôn tầm tã, mưa kèm gió lao xao, hắt vào mái nhà sàn, làm chiếc khăn Piêu trên đầu Tím rớt xuống, vất vưởng bên lan can nhà sàn. Sấm chớp đì đùng, những vệt sáng le lói xuất hiện trên bầu trời, rồi đột ngột vụt tắt trong đêm.

Đứa con gái ngồi đong đưa trên võng say sưa chơi búp bê, búp bê tóc vàng hoe, hàng mi cong vút, có đôi mắt nhắm mở mà Tím chắt chiu mua từ tiền bán cá. Con bé rất ngoan. Dường như mọi thứ ở con sông này đều êm đềm, bình lặng và yên ả. Từ người lớn, trẻ em cho đến phong cảnh thiên nhiên. Ngôi làng nhỏ bé nằm nép mình bên sông dung nạp nhiều ưu đãi từ sông, nên con người đôn hậu, chân phương quá đỗi.

Ngớt mưa, một số thanh niên Thái rủ nhau đi săn ếch, trên đầu họ đeo đèn pin le lói ánh sáng trắng, ánh sáng trắng làm chói mắt những con ếch, đánh lạc hướng chúng, tạo điều kiện săn bắt dễ dàng hơn, trên tay họ cầm “muông” và ống nứa để dụ con mồi. Hai cha con Mân qua rủ chú Muôn đi cùng. Ba người cùng một tốp thanh niên trong làng Thái rong ruổi xuống cánh đồng ven sông. Sau cơn mưa, nước đỏ ngầu bởi đất đỏ bazan xói mòn, những con ếch nhảy rất khỏe, chúng cưỡi lên nhau làm tình. Nhưng khi bị chi phối ánh sáng trắng của đèn pin, chúng nằm im thin thít.

“Sao hai con ếch nằm lên nhau kìa ba?” - Bon hiếu kỳ.

“Chúng giao phối để sinh sản, là một hiện tượng tự nhiên, con à”.

“Sao ba biết hay vậy?”.

“Hồi xưa ba đến trường có học môn Sinh học. Mai mốt con cũng được học môn này để biết thế giới tự nhiên muôn màu sắc con trai nè!”.

Những con ếch đồng mắt tròn xoe chẳng mấy chốc đầy “muông”, đùi ếch được cột chặt bằng dây dù.
Sáng hôm sau, đã có món thịt ếch xào sả ớt mắc khén ăn với cơm nóng hấp dẫn, số ếch còn lại Tím mang ra bến phà bên sông đổi gạo hoặc thức ăn tương đương. Bến phà là bến cát, những xe cát nối đuôi nhau ra vào bến liên tục, thợ hút cát, người cầm xẻng xúc cát chủ yếu là người ngoài huyện, họ làm ra tiền, và họ rất chuộng những món hương đồng gió nội, nên vừa thấy Tím xách “muông” ếch ra là tranh mua liền. Ếch đồng thịt chắc, ngọt, thường là món khoái khẩu của dân nhậu và không phải lúc nào cũng có sẵn.

Bán xong, Tím tranh thủ về nhà. Cô ra sông gội đầu, mái tóc cô buông dài tới đầu gối, hằng ngày cô “tẳng cẩu” (lấy chồng búi tóc theo luật tục của người Thái), chải tóc hương bồ kết và hoa bưởi phảng phất cả một khúc sông. Cô ngồi tựa lan can nhà sàn hong tóc cho khô rồi “tẳng cẩu”. Phía xa những cánh cò trắng lượn lờ xung quanh mái nhà sà xuống cánh đồng cỏ bỏ hoang, đôi chân thon thả nhịp nhàng như múa ba lê.

Tím ngồi dệt khăn Piêu để mang ra chợ bán, tiếng khung cửi vang cót két trong nhà sàn, các sợi chỉ đủ màu sắc được bàn tay cô thoăn thoắt  đẩy đưa nhuần nhuyễn. Những chiếc khăn Piêu nhiều hoa văn, họa tiết sặc sỡ lần lượt được cô xếp vào cái “lếp” (một loại giỏ của người Thái). Số khăn Piêu Tím phơi trên dây bữa nọ cộng với số khăn Piêu hôm nay dư dả để cô mua thêm sữa cho con và chi trả cho các sinh hoạt phí khác.

Chợ cách làng Thái khá xa. Cô chèo thuyền ra chợ. Chợ quê nằm bên cầu Sêrêpôk, cầu có từ thời Pháp thuộc, nhịp cầu cong cong, thân cầu cũ kỹ, rong rêu theo thời gian. Chợ nhỏ nhưng đông đúc, tấp nập người qua lại. Tiếng mặc cả, năn nỉ ỉ ôi trả giá náo nhiệt. Khăn Piêu Tím dệt bắt mắt, những đường hoa văn, họa tiết sắc sảo nên đắt hàng, thậm chí một số tiểu thương trong chợ còn đặt hàng Tím.

Thời gian thấm thoát trôi, đời sống người Thái trong làng ít nhiều thay đổi. Hai vợ chồng Muôn khấm khá hơn, có của ăn của để. Con gái tên Phiên của hai vợ chồng đã trở thành thiếu nữ. Phiên nước da trắng hồng, mái tóc dài đen nhánh, óng mượt, dáng thon thả phổng phao và đặc biệt có má lúm đồng tiền, nụ cười e ấp như Tím. Muôn tự hào vẻ đẹp của con gái nhà mình.

Những chàng trai ở ngoài làng giàu có rất thích những cô gái Thái. Con gái Thái đẹp, lại nết na. Họ vào làng “săn” Phiên. Để gạ tình, họ mua sắm cho cô những váy áo, trang sức đắt tiền nhưng Phiên không muốn “tẳng cẩu” (một dấu hiệu để cho mọi người biết người con gái đã lập gia đình) sớm, mặc cho bố mẹ thúc giục.

Phiên muốn vào đại học để thay đổi tư duy, trau dồi tri thức, xóa đi lối suy nghĩ đã lạc hậu nơi làng chài này. Phiên nghĩ về bọn trẻ thất học ở làng của mình, hơn phân nửa trẻ em thuộc hộ nghèo, chúng cần được đến trường, những con chim bồ câu đôi mắt ngây dại mà Phiên hay trêu vui bọn chúng.
Tí Liêng, trai Thái cùng làng yêu Phiên da diết. Tí Liêng có võ thuật cao cường, chài cá giỏi, cậu có cùng nguyện vọng học ngành sư phạm với Phiên. Hai người hứa hẹn mang con chữ về gieo vào ngôi làng của mình, sau đó sẽ... “tẳng cẩu”.

Sớm tinh mơ, chuyến xe đầu ngày rước hai người vào thành phố. Để lại ngôi làng bé nhỏ đầy sương mù còn ngái ngủ bên sông, bố mẹ và mọi người trông theo biết bao nhớ nhung.

Con chữ ươm mầm ngày một lớn lên, những chú chim bồ câu nơi làng chài, sẽ được chắp cánh bay vào tương lai…

LÒ DUY BƯU

;
;
.
.
.
.
.