1. Cúc nhìn con đường ruộng nhỏ xíu, ngoằn ngoèo trước mắt, cố nén tiếng thở dài. Lúa hai bên xanh rì chạy tới tận chân trời như kéo con đường dài ra bất tận. Hai Nhơn nắm chặt tay cô từ lúc bước xuống xe, mặt mày hớn hở, không đếm xỉa gì đến cổ tay cô hằn đỏ đau điếng, nhưng Cúc cứ để mặc hắn kéo đi. Bà Tư Thơm cười xởi lởi, biểu cô ráng thêm xíu nữa, gần tới nhà rồi.
Nhà sao? Mới mấy tuần trước, Cúc vẫn không nghĩ từ thân thương ấy dùng để chỉ một nơi quá đỗi xa lạ với mình. Hai người trước mặt cô cũng chỉ là những người dưng mà sau này cô sẽ phải gọi là chồng, là má.
Ba cô không về đây cùng. Sau khi lo xong đám ở thành phố lấy lệ, ông tự xem như mình đã hoàn thành nghĩa vụ với con gái. Cúc tự hỏi, nếu có mẹ cô ở đây thì thế nào? Chắc hẳn bà sẽ không để cô lạc lõng trong ngày trọng đại thế này.
Cúc đã kiên quyết từ chối cuộc hôn nhân này. Điều đó khiến dì Hoa vô cùng khó chịu, tìm đủ mọi cách để hành hạ Cúc khi ba vắng mặt và ngọt nhạt trước mặt ông.
- Có con gái lớn trong nhà cứ như hủ mắm treo đầu giường. Huống gì con Cúc dạo này lại hay tụ tập bạn bè mãi tối muộn mới về, em sợ con hư thân rồi lại khổ, chứ mình cũng biết em có lợi lộc gì trong vụ này đâu.
Ba Cúc dĩ nhiên ưng thuận. Hai Nhơn là bà con xa của dì Hoa. Và dì Hoa đúng là không hưởng lợi lộc vật chất gì trong việc gả cô đến xứ quê nắng cháy da này, trừ việc nhổ được cái gai ra khỏi mắt.
Khi vẫn đang đánh vật với áo váy lùng nhùng để bước qua những khoảng gập ghềnh, Cúc nghe tiếng lẩm bẩm từ phía sau “Đúng là bông lài cắm bãi cứt trâu”. Cô ngoái nhìn thì thấy con bé tầm mười lăm với đôi mắt to đen láy, mái tóc cháy nắng được thắt thành hai bím nhỏ đang tăm tia mình, trong khi người phụ nữ trung niên kế bên khổ sở cố bịt miệng nó lại.
2. Chuyện bà Tư Thơm cưới được con dâu thành phố làm cả làng Lát xôn xao suốt mấy ngày liền. Hai Nhơn vô công rỗi nghề, suốt ngày lêu lổng ở mấy sòng bạc, cặp kè với bọn đầu trâu mặt ngựa đá gà, cá độ bằng tiền bán cá còm cõi của bà má. Con gái trong làng nhìn thấy còn ngán, ai mà dám gả con cho thằng phá của như Hai Nhơn. Con Na không tham gia vô mấy nhóm bà tám trong làng, nhưng nó lặng lẽ săm soi đám cưới và cô dâu mới không bỏ lọt chi tiết nào.
Ban đầu, bà Tư định cho con dâu theo phụ bán buôn. Nhưng con dâu nhìn thấy máu cá là đã hồn vía lên mây. Bà Tư chướng mắt, đuổi về coi sóc nhà cửa, mặc dù đi đâu bà cũng nói là sợ con dâu cực. Nhà Na sát vách nhà đó, bên này nói gì bên kia nghe lồng lộng, có gì mà qua được tai nó.
Con Na đang ngồi ăn cơm chiều trong nhà thì nghe tiếng bà Tư Thơm sang sảng:
- Cô nấu cơm kiểu gì mà trên sống dưới khê tứ bề nhão nhoét vậy. Rau luộc thì vàng quạch, cho heo ăn dám nó còn chê.
Hai Nhơn gằn giọng:
- Ở nhà sướng thây mà nấu một bữa cơm cũng không xong. Hay cô muốn tui với má tui phải xuống nấu hầu cô ăn nữa.
- Ngày xưa mà làm dâu kiểu này, chỉ có nước má chồng lót lá chuối dắt tay trả về nhà má đẻ.
Cứ vậy, bà Tư Thơm một câu, Hai Nhơn một câu. Rồi có tiếng vỡ loảng xoảng, tiếng va đập, tiếng khóc, tiếng hét… Con Na dằn mạnh cái chén xuống bàn, hướng về phía vách gân cổ:
- Ồn ào quá, ăn cơm cũng không yên.
Bà Lan lay tay nó:
- Tao lạy mày, Na ơi. Chuyện nhà người ta, mày đừng có xen vô.
Con Na hất tay má, nói trổng:
- Um sùm ảnh hưởng xóm giềng thì lên tiếng. Chứ chuyện nhà bên đó thì mắc mớ gì mà tui xía vô.
Nhà bên kia bỗng im bặt, chỉ còn tiếng khóc rất nhỏ như cố nén và tiếng dép lẹt quẹt xa dần…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
3. Cúc với tay lấy ống quẹt nhóm lửa, đến khi lưng cô đẫm cả mồ hôi mới nhóm được bếp. Xưa giờ Cúc chỉ có việc học hành, vui chơi, chuyện bếp núc mẹ đều không để cô phải động tay vào. Cúc nhớ mẹ, nhớ giọng nói âu yếm và mùi hương dịu ngọt của bà, đó là mùi hương pha trộn giữa hương lài thoang thoảng và…
Mùi thịt cháy!
Cúc vội vã nhấc nồi thịt kho trên bếp xuống. Nhìn chiếc nồi cháy đen, Cúc rùng mình khi nghĩ về những lời mắng nhiếc của má chồng và chồng. Cô gục đầu khóc vì tủi thân. Một cô gái mười tám tuổi, có gia đình yên ấm, bỗng sau một đêm tỉnh dậy chỉ còn một mình lẻ loi, ấm ức cũng chẳng biết dựa vào ai mà than thở.
- Lấy cái này rồi đưa nồi đó cho tui.
Từ phía bên kia giàn mướp ngăn cách hai nhà, chìa ra một nồi thịt mới kho còn nghi ngút khói. Qua mấy tầng kẽ lá, Cúc nhận ra là con bé săm soi mình ở đám cưới. Trong khi Cúc vẫn ngẩn người chưa biết làm gì thì con Na giục:
- Mỏi tay, lẹ!
Con Na đón lấy nồi thịt cháy làu bàu:
- Để khét lẹt được như vầy, tui cũng sợ chị luôn. Mà bộ… chị hổng biết nấu ăn hả?
Sau khi nhận được cái lắc đầu từ Cúc, con Na tặc lưỡi.
Cũng từ bữa đó, hai cái lò đất được kê sát bên giàn mướp. Con Na bày cho Cúc nấu nướng. Tính con
Na cục cằn, đụng cái gì không vừa ý là nó la oai oái. Thời gian đầu Cúc cũng “ngán” nó, nhưng tiếp xúc nhiều riết cũng quen, con nhỏ ác miệng nhưng cái bụng hiền queo.
4. Con Na hiếm khi mủi lòng với ai, còn thói nanh nọc, mở miệng ra là rủa xả hết cả tông ti dòng họ nhà người ta của nó, cái làng Lát này ai mà không biết. Nó giúp Cúc là cũng có nguyên do.
Hồi trước, Hai Nhơn cứ hay đeo theo con Na, kệ nó ghét bỏ ra mặt. Hắn canh mỗi bận nó lội mương cắt rau muống về bằm cho bầy vịt, quần xắn tới nửa đùi để rình, ánh mắt cứ như lột trần nó ra. Nó tức khí bắt hẳn một giàn mướp từ phía sau nhà, ra tận con mương để Hai Nhơn khỏi liếc ngang liếc dọc nữa.
Khi Cúc xuất hiện, Hai Nhơn bớt tăm tia Na hẳn, bỗng dưng con Na thấy như Cúc đã gánh một phần nợ thay mình.
Hơn hết, Cúc khác hẳn với đám con gái trong làng. Ở cô toát ra dáng điệu nhã nhặn và điềm tĩnh lạ thường, nhất là mỗi khi Cúc ngồi một góc đọc sách. Con Na mê học lắm, nhưng mỗi miếng ăn trong nhà mà hai mẹ con đã phải chạy vạy khó khăn, lấy đâu ra tiền và thời gian mà đi học. Vậy nên tới giờ nó chỉ biết đánh vần bập bẹ.
Từ khi biết Na ham đọc sách, Cúc thường ngồi cạnh giàn mướp đọc thành tiếng cho con Na bên kia nghe. Giọng Cúc nhẹ nhàng nhưng truyền cảm, quyện và ấm.
Được nghe sách nhiều, con Na ăn nói ý tứ, văn vẻ hơn hẳn, đến bà Lan còn thấy lạ. Bản thân con Na cũng thấy mình khác trước, nó có thể cùng cười cùng khóc với nhân vật. Nó thấy cuộc đời này cũng đẹp lắm chứ đâu có mỗi những chuyện xấu xa.
5. Hồi Cúc có bầu, cô báo với con Na đầu tiên. Lúc đó, thai được tầm 3 tháng. Ngày nào Na cũng leo cây hái cả rổ cóc, xoài vì Cúc thèm chua. Hai chị em đinh ninh là con gái. Sự xuất hiện của một sinh linh bé nhỏ làm những cuộc chuyện trò bên giàn mướp vui vẻ hẳn lên.
Cúc định đặt tên con là Liên, nhưng con Na xua đi. Nó bảo phụ nữ tên bông tên hoa số khổ, giống mẹ nó và cô. Cuối cùng, hai chị em quyết định gọi em bé là Phúc, rủi như tò ra thằng cu, cũng không cần phải đổi tên.
Phải chi cái rủi như đó thành hiện thực thì Cúc đã bớt khổ. Phúc là bé gái kháu khỉnh nhưng lại bị ba và bà nội ghẻ lạnh vì lề thói trọng nam khinh nữ. Cúc ở cữ mà nhà chồng không ai chăm sóc, quan tâm.
Con Na cơm nước cho nhà xong là tót qua để nấu nướng, giặt giũ cho cô. Cúc vẫn hay ví Na như cô Tấm chui ra từ quả thị trong truyện cổ tích. Con Na nghe xong cười hì hì, thì na với thị cũng là trái cây hết chứ gì.
Nhưng cô Tấm trong truyện cổ tích lén lút xuất hiện, còn cô Tấm Na thì thấy chuyện bất bình liền nộ khí xung thiên.
Bữa đó không rõ nguồn cơn gì, Hai Nhơn về tới nhà đã chửi um lên. Cúc thỏ thẻ bảo:
- Anh nhỏ nhỏ tiếng, con mới ngủ thôi.
- Á à, hôm nay mày còn dám biểu tao phải thế này thế nọ nữa hả.
Rồi Hai Nhơn tay túm tóc, tay đấm tới tấp vào mặt Cúc. Con Na nghe ồn ào đã vội chạy qua, nó quơ luôn cái ghế gỗ nhắm lấy đầu Hai Nhơn mà phang tới. Hai Nhơn phải lên y tế xã khâu 6 mũi, nằm viện gần cả tuần. Bà Tư chỉ mặt con Na mắng mỏ không tiếc lời, đòi bắt nó lên công an. Con Na vênh mặt thách thức sẽ tố cáo luôn bả với con trai hành hạ, đánh đập phụ nữ mới sinh. Cúc phải quỳ xuống xin nó về nhà mọi chuyện mới yên.
Từ đó, nhà bà Tư lúc nào cũng khóa cửa trước, giam lỏng Cúc và ngăn con Na lại lên cơn đánh người.
Đôi khi nằm đưa con trong căn nhà tối, chỉ có chút ánh sáng lọt thỏm từ mái lá chiếu xuống nền đất, Cúc nhớ hình ảnh mẹ nằm ngửa trên nền bê-tông, mái tóc xõa bung. Mắt bà mở to như thể đang hoảng hốt, ai oán.
Cúc vuốt ve khuôn mặt bầu bĩnh no sữa của bé Phúc, tự hỏi không biết giây phút mẹ cô quyết định gieo mình xuống đường, trong lúc đang rơi giữa thinh không, bà có nghĩ mình sẽ bỏ lại cô? Cúc không trách mẹ. Cô biết với người phụ nữ cả đời hy sinh vì gia đình lại chứng kiến cảnh chồng mình ngoại tình thì chẳng khác nào giáng đòn chí tử vào trái tim của bà. Cúc ôm con vào lòng, thủ thỉ “Dù khổ cực đến mức nào, mẹ cũng sẽ không bỏ con đâu”.
Con Na ở bên đây giàn mướp cứ thập thò, ngó nghiêng lo cho Cúc với bé Phúc có bề gì. Con Na thương Cúc một phần vì thấy chính mình trong câu chuyện của cô. Nhưng thay vì cam chịu như Cúc, nó tự xây vỏ bọc bất cần, nanh nọc để bảo vệ bản thân.
Bé Phúc càng lớn càng đáng yêu. Na khoái thò tay qua giàn mướp, nắm lấy chiếc chân trắng hồng nhỏ xíu mà hôn hít. Cúc không thuộc nhiều bài hát ru, có một câu “Ầu ơ ví dầu mẹ dắt con đi” hát tới hát lui miết. Vậy mà chỉ cần hát tới lần thứ ba là con nhỏ ngủ ngon lành. Chắc nó thương mẹ vất vả.
6. Đầu trên xóm dưới ai cũng đồn Hai Nhơn đang bị giang hồ đuổi đánh vì mượn nợ cá độ. Sau khi vắt kiệt hết tiền dành dụm từ bà Tư Thơm, hắn nhìn căn nhà trống huơ trống hoác rồi ngọt nhạt với Cúc:
- Nhà anh Vĩ xóm trên mong con lắm mà chưa đẻ được. Người ta thấy con nhà mình dễ thương, nên muốn xin về lấy vía.
- Con mình mà người ta xin là anh cho liền sao đặng.
- Người ta xin lấy vía, rồi mốt người ta đẻ được người ta trả. Nhà đó giàu, con mình không khổ đâu mà em lo.
Cúc vẫn ôm khư khư con, chặt đến mức con bé bắt đầu khóc oe oe:
- Con của tui, tui không cho ai hết.
- Con của mày hả? - Hai Nhơn đổi giọng, túm tóc Cúc - Không có tao thì mày đẻ được nó không? Thứ mày, ba ruột còn không thèm nhìn mặt, tưởng hay ho lắm hả?
Cúc giằng ra khỏi tay của Hai Nhơn, tát hắn một cái như trời giáng, rồi ném ra tờ giấy đã để sẵn dưới giường từ lúc nào:
- Ký giấy ly hôn đi. Tui sẽ tự nuôi con tui!
Hai Nhơn vẫn chưa hết bất ngờ thì bà Tư Thơm đã xông tới, giằng lấy đứa bé.
- Mày muốn bỏ chồng thì cút khỏi đây. Còn nó là cháu tao, mày đừng có hòng đem đi!
Bé Phúc khóc toáng lên trong tay bà nội. Con Na bên đây giàn mướp, lòng nóng như lửa đốt, nó nghe tiếng Cúc rành rọt:
- Vậy thì má cứ giữ lấy. Nhưng tới ngày gặp nhau trên tòa, con Phúc mà có sứt mẻ gì, thì hai người không yên với tui đâu.
Cúc quay lưng đi thẳng không ngoái lại. Phía sau, bé Phúc khóc tức tưởi.
Con Na không chạy theo giữ Cúc, nó biết cô sẽ sớm trở lại để đón con. Nó đứng bên này giàn mướp, ngẩng mặt lên trời, ngăn nước mắt chực rơi, hát “Ầu ơ ví dầu mẹ dắt con đi”. Nó hát đến lần thứ năm rồi mà con bé vẫn không ngừng khóc…
THANH LAM