Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020, 5 năm qua, ngành y tế Đà Nẵng không ngừng hoàn thiện hệ thống mạng lưới y tế và nhân lực chuyên sâu từ thành phố đến cơ sở. Đặc biệt, việc ứng dụng các kỹ thuật y khoa chuyên sâu góp phần khẳng định vai trò, vị trí vững chắc của y tế Đà Nẵng đối với khu vực và cả nước.
Trong giai đoạn 2015-2020, ngành y tế Đà Nẵng tiếp tục phát triển các kỹ thuật chuyên sâu trong khám và điều trị bệnh cho người dân. TRONG ẢNH: Các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng thực hiện ca phẫu thuật nội soi ít xâm lấn cho bệnh nhân. Ảnh: D.M |
Phát triển nhân lực, đầu tư hạ tầng bệnh viện
Giám đốc Sở Y tế thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết, hiện nay bộ máy cơ quan Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc được sắp xếp, kiện toàn bảo đảm quản lý theo ngành dọc toàn diện. Đến nay, ngành y tế đã sắp xếp lại với 23 cơ quan, đơn vị trực thuộc. Trong đó có Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và 22 đơn vị sự nghiệp y tế. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị y tế dự phòng và chuyên ngành, thực hiện quản lý xuyên suốt công tác y tế dự phòng từ tuyến thành phố đến xã, phường.
Các Trung tâm y tế quận, huyện được tổ chức thống nhất theo mô hình đa chức năng về phòng bệnh, khám, chữa bệnh và dân số. Bệnh viện Đà Nẵng quy mô 2.000 giường bệnh phát triển theo hướng “đa trung tâm”; Bệnh viện Phụ sản - Nhi tiếp tục phát triển với quy mô hơn 1.200 giường bệnh. Ngoài ra, Sở Y tế còn phối hợp và thực hiện quản lý Nhà nước về chuyên môn, nghiệp vụ của 5 bệnh viện thuộc bộ, ngành Trung ương trên địa bàn thành phố, 7 bệnh viện tư nhân và 1.578 cơ sở hành nghề y tế tư nhân. Chỉ tiêu giường bệnh tăng từ 66,18 giường bệnh/10.000 dân năm 2015, lên 79 giường/10.000 dân năm 2019, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ trung bình cả nước.
Điểm nổi bật, theo bà Ngô Thị Kim Yến, nhân lực ngành y tế của Đà Nẵng trong thời gian qua phát triển mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu lao động và trình độ chuyên môn của cán bộ y tế cũng ngày càng được nâng cao. Tính đến cuối năm 2019, nhân lực toàn ngành y tế bao gồm cả bệnh viện tư là 9.122 người.
Trong đó có 6.882 nhân lực công lập, chiếm tỷ lệ 75,4%, tăng 22,3% so với thời điểm cuối năm 2016. Thành phố có tỷ lệ 18 bác sĩ/10.000 dân, cao hơn mức trung bình cả nước. Bên cạnh việc tăng cường phát triển kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, đội ngũ cán bộ y tế không ngừng được giáo dục về phẩm chất đạo đức, y đức, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh và nhân dân. Từ năm 2012, hằng năm ngành y tế có 20 cán bộ y tế được bình chọn, vinh danh là những tấm gương sáng về y đức của ngành.
Với sự đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn ngân sách của thành phố, nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế, cơ sở hạ tầng của các bệnh viện, cơ sở y tế đã được nâng cấp và xây dựng, trang thiết bị y tế được đầu tư tiên tiến, hiện đại. Trong 5 năm qua, hầu hết các cơ sở y tế đã và đang được đầu tư xây dựng mới trụ sở làm việc, cải tạo, nâng cấp các khu chuyên môn, đáp ứng kịp thời nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân thành phố và hỗ trợ cho nhân dân các tỉnh lân cận. Qua khảo sát hằng năm, tỷ lệ hài lòng của người bệnh luôn được duy trì trên 90% (năm 2015) và 94,54% (năm 2019).
Làm chủ kỹ thuật chuyên sâu
Giai đoạn 2015-2020, với các mô hình bệnh viện vệ tinh, đề án 1816, đào tạo ekip, đào tạo chuyên môn sâu y tế, các đơn vị trong ngành y tế thành phố đã thực hiện chuyển giao nhiều kỹ thuật chuyên môn sâu phù hợp với phân tuyến kỹ thuật. Bệnh viện Đà Nẵng đã triển khai thành công ca ghép tế bào gốc điều trị chấn thương tủy sống đầu tiên vào năm 2016.
Đến nay đã tiến hành thành công 26 ca ghép thận, thực hiện kỹ thuật solitaire (lấy huyết khối) trong điều trị nhồi máu não cấp tính; ứng dụng kỹ thuật ECMO, kỹ thuật thẩm tách siêu lọc máu… đã cứu sống kịp thời nhiều bệnh nhân rất nặng như sốc phản vệ, viêm cơ tim. Nhiều kỹ thuật mới đã được chuyển giao như phẫu thuật tạo hình thực quản trong teo thực quản bẩm sinh sơ sinh; kỹ thuật cắt thực quản và tạo hình thực quản bằng ống dạ dày qua nội soi ngực bụng; phẫu thuật và can thiệp bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp, cân nặng thấp; phẫu thuật bắc cầu động mạch vành; cắt đốt nội mạc bằng sóng radio cao tần, đặt máy tạo nhịp hai buồng tim…
Bên cạnh đó, từ tháng 9-2016, Bệnh viện Đà Nẵng đưa vào hoạt động Trung tâm Xạ trị - Y học hạt nhân khu vực miền Trung. Đây là đơn vị thứ 3 trong toàn quốc có thể sản xuất FDG 18 bằng máy cyclotron kết hợp với các máy PET/CT và SPECT/CT hiện đại thế hệ mới cho phép chẩn đoán sớm nhiều bệnh lý như ung thư, các tổn thương di căn, xạ hình tưới máu cơ tim với hình ảnh và chất lượng cao, góp phần nâng cao khả năng chẩn đoán chính xác và điều trị sớm nhiều bệnh, cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo…
Là đơn vị tuyến cuối về lĩnh vực phụ sản và nhi khoa, từ tháng 4-2014, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng đã triển khai thành công kỹ thuật “Thụ tinh trong ống nghiệm”.
Đến nay đã chào đón trên 300 trẻ ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (tỷ lệ thành công khá cao, từ 40-45%). Kỹ thuật “Chăm sóc thiết yếu sơ sinh sớm da kề da” được triển khai từ tháng 7-2014; đã nhanh chóng được áp dụng tại 100% các bệnh viện trên địa bàn thành phố, góp phần làm tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ từ dưới 30% vào giữa năm 2015 tăng lên 80% đến nay, giảm tỷ lệ tử vong và bệnh tật cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng cũng là đơn vị đầu tiên triển khai Ngân hàng sữa mẹ tại Việt Nam.
Các bệnh viện chuyên khoa khác cũng từng bước triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong khám, chữa bệnh. Bệnh viện Mắt phát triển các kỹ thuật phẫu thuật Phaco, chụp OCT phần trước, phần sau nhãn cầu. Bệnh viện Tâm thần đã triển khai nhiều trắc nghiệm và liệu pháp tâm lý trong điều trị cho trẻ em, đặc biệt, đã đưa Khoa Tâm thần trẻ em - một trong các đơn vị tâm thần chuyên cho trẻ em sớm nhất ở Việt Nam vào hoạt động. Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng với phẫu thuật tạo hình sau ung thư, phương pháp đồng biến liều tia trong xạ trị…
Thạc sĩ, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết, bằng những sự nỗ lực của ngành y tế, công tác y tế dự phòng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nổi bật là đã ngăn chặn có hiệu quả các dịch bệnh mới nổi như Ebola, Cúm A (H7N9), Mers-CoV..., đặc biệt là đại dịch Covid-19 trong năm 2020. Hiện nay, CDC Đà Nẵng hoàn thành việc xây dựng phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 2 và đang tiếp tục củng cố, duy trì phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 17025:2005; đồng thời triển khai nhiều kỹ thuật xét nghiệm mới trong chẩn đoán nhanh các bệnh truyền nhiễm.
Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh yêu cầu cần quan tâm phát triển đồng bộ 3 lĩnh vực cơ bản cho chất lượng cuộc sống đô thị của Đà Nẵng. Trong đó, về y tế sẽ hình thành các bệnh viện hiện đại, đáp ứng yêu cầu của một thành phố sống tốt.
Do vậy, trong giai đoạn đến, ngành Y tế nỗ lực nhằm đạt các mục tiêu: Giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển y tế trở thành lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao của thành phố và ở tầm khu vực.
Cùng với đó, tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở vật chất y tế theo hướng hiện đại, đồng bộ và chuyên sâu; xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế.
Đóng vai trò then chốt trong phòng, chống Covid-19 Từ cuối tháng 7 đến tháng 9-2020, khi Covid-19 diễn biến phức tạp và bùng phát tại Đà Nẵng, với sự chi viện tối đa từ Bộ Y tế và hỗ trợ của các địa phương, ngành y tế Đà Nẵng đã tăng tốc trên mọi mặt trong công cuộc phòng, chống Covid-19. Thành phố và ngành y tế xây dựng Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng trở thành hai đơn vị chủ lực về hồi sức tại thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, chuẩn bị Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn sẵn sàng hoạt động nếu tình hình dịch bệnh có những diễn biến khó lường. Theo Giám đốc Sở Y tế thành phố Ngô Thị Kim Yến, trong 2 tháng qua, lực lượng y tế thành phố làm việc ngày đêm không ngưng nghỉ. Nhiều y, bác sĩ chỉ tranh thủ chợp mắt sau nhiều giờ làm việc mệt nhoài. Mỗi ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố căng mình xét nghiệm hàng chục nghìn mẫu để kịp thời sàng lọc, phát hiện các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận xét, năng lực y tế miền Trung, nhất là của thành phố Đà Nẵng thời gian qua đã được tăng lên rất nhiều. Việc phối hợp đồng bộ và quyết tâm cao nhất của đội ngũ y bác sĩ trong thời gian qua đã giúp ngành y tế vượt qua nhiều khó khăn thách thức, từng bước cùng thành phố đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên địa bàn. |
D.M