Hành trình kết nối yêu thương

.

ĐNO - Suốt khoảng thời gian 22 năm (1995-2017) làm đại diện của Hội Cứu tế Đông Nam Á (SEAR, Mỹ), bà Đinh Thị Vượt (SN 1957, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) đã trở thành cầu nối giữa Hội SEAR với nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam…

Vợ chồng bà Vượt đại diện Hội SEAR tặng quà tết 2017 cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Trong ảnh: bà Đinh Thị Vượt (hàng trong cùng, đứng giữa) Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bà Đinh Thị Vượt (hàng trong cùng, giữa) đại diện Hội SEAR tặng quà Tết 2017 cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: NVCC

Trong một lần tình cờ gặp ông Rex Almquist (người sáng lập Hội SEAR) vào năm 1994, bà Vượt bày tỏ mong muốn được giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong lần quay lại Việt Nam vào năm 1995, ông Rex mời bà Vượt làm đại diện của Hội SEAR tại Việt Nam để giúp ông liên kết với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cần giúp đỡ và hành trình kết nối yêu thương của bà Vượt bắt đầu từ đấy.

Công việc chính của bà Vượt là sau khi được biết một trường hợp nào đó cần giúp đỡ, bà sẽ cùng cán bộ địa phương đi khảo sát rồi gửi thông tin trẻ cần giúp đỡ qua thư điện tử cho ông Rex. 

Nhưng không chỉ dừng ở đó, bà Vượt còn luôn đồng hành với những trẻ em được Hội SEAR giúp đỡ. Ví như chuyện xây nhà, vợ chồng bà sẽ theo sát việc xây dựng từ lúc đặt viên gạch đầu tiên cho đến khi căn nhà hoàn thiện. Đối với những em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo, bà không chỉ kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng SEAR mà còn đồng hành với quá trình chữa bệnh của các em. Bà hiểu rõ nỗi đau bệnh tật mà từng em nhỏ đối mặt, bà hạnh phúc khi các em hồi phục từng ngày… Chính sự đồng hành bằng tất cả tấm lòng này mà những thông tin bà gửi về Mỹ luôn chân thực, lay động các mạnh thường quân ở cách xa Việt Nam đến nửa vòng trái đất. Cứ như vậy, suốt 22 năm, chưa có trường hợp nào bà kêu gọi lại không nhận được sự giúp đỡ đầy đủ nhất từ Hội SEAR.

Bên cạnh đó, vợ chồng bà Vượt còn mở lớp dạy nghề may miễn phí tại nhà với hy vọng giúp các em có hoàn cảnh khó khăn thành thục một nghề, một công việc để mưu sinh.

Lớp dạy nghề may miễn phí được vợ chồng bà Vượt tổ chức dựa trên nguồn tài trợ từ Hội SEAR. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Lớp dạy nghề may miễn phí được vợ chồng bà Vượt tổ chức dựa trên nguồn tài trợ từ Hội SEAR. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bà Vượt cho hay: “Nhận thấy nhiều em sau khi tốt nghiệp vẫn không có khả năng tìm được công việc nên vợ chồng tôi nghĩ đến chuyện mở lớp dạy may miễn phí này vào năm 2015. Suốt 4 năm qua, có khoảng hơn 30 em theo học, từ đó lo được cho bản thân nhờ cái nghề này nên vợ chồng tôi mừng lắm!”.

Như trường hợp của em Y Nguyệt (SN 1998, dân tộc Dẻ, ngụ tại quận Hải Châu). Y Nguyệt vốn sinh sống tại tỉnh Kon Tum. Sau khi học xong 12, do điều kiện gia đình quá khó khăn, Y Nguyệt quyết định đi học nghề để sớm phụ giúp cha mẹ. Năm 2017, hay tin về lớp dạy nghề may miễn phí của vợ chồng bà Vượt, Y Nguyệt đã quyết định theo học. Sau 1 năm, Y Nguyệt xin vào làm công nhân may tại một công ty trên địa bàn thành phố.

Y Nguyệt bộc bạch: “Cuộc sống hiện tại hoàn toàn nằm ngoài tưởng tượng của em. Em biết ơn cô Vượt rất nhiều. Nhờ có lớp dạy may miễn phí của cô mà nay em có được một công việc ổn định để lo cho bản thân và gia đình. Cô Vượt đang khuyến khích em dành dụm tiền đi học tiếng Anh, tiếng Hàn để kiếm một công việc khác tốt hơn”.

Tháng 12-2017, giấy phép hoạt động của SEAR tại Việt Nam hết hạn, cũng là lúc ông Rex Almquist không còn khả năng để tiếp tục đi vận động tiền tài trợ vì tuổi cao. Hội ngừng hoạt động. Tuy nhiên, vợ chồng bà Vượt vẫn luôn cố gắng giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn trong khả năng có thể.

Vợ chồng bà Vượt đại diện Hội SEAR trao tặng học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở quận Liên Chiểu nhân năm học mới 2017-2018. Trong ảnh: Ông Hoàng Văn Lân (hàng thứ 2, ngoài cùng bên phải), bà Đinh Thị Vượt (hàng thứ 2, đứng thứ 2 từ phải qua)  Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bà Vượt trao tặng học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở quận Liên Chiểu nhân năm học mới 2017-2018. Ảnh: NVCC

Qua sự giới thiệu của người quen, năm 2018, em A Ngào (SN 2000, dân tộc Dẻ), sinh viên năm nhất, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) tìm đến vợ chồng bà Vượt để được giúp đỡ về chỗ ở. Không chỉ vậy, gia đình bà Vượt còn lo cho A Ngào cả chuyện ăn uống.

A Ngào chia sẻ: “Nhà em có 8 anh chị em, em là con thứ 6. Mẹ mất sớm, giờ bố cũng không có khả năng lo cho em ăn học. Con đường học vấn của em chỉ có thể tiếp tục khi được cô Vượt tạo điều kiện ăn, ở ngay tại nhà cô chú... Em biết ơn cô chú rất nhiều. Em không nghĩ có người sẽ giúp mình nhiều như vậy”.

Với vợ chồng bà Vượt, điều may mắn nhất chính là vẫn còn mạnh khỏe để có thể giúp đỡ những người khó khăn. Bà Vượt bảo: “Chúng tôi không giàu có nên chỉ có thể dùng sức, sự yêu thương để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn”.

MAI HIỀN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.