Cầm phiếu xét nghiệm sinh thiết khối u với kết quả “lành tính”, chị Nguyễn Thị Vân (ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) lao ra khỏi phòng, chạy vội đến phía hành lang Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng - nơi cả nhà đang hồi hộp ngóng tin.
Và chính trong khoảnh khắc thoát “án tử” đó, bất giác chị nhìn lại những bệnh nhân với cái đầu trọc do xạ - hóa trị đang nằm trong phòng, chị đã nguyện “sẽ làm một việc gì đó để chia sẻ với họ”. Sau nhiều đêm suy nghĩ, chị quyết định đặt thêm ở quán cơm chay của mình thùng từ thiện với dòng chữ: “Cảm ơn tấm lòng của quý khách đã chia sẻ với bệnh nhân ung thư”.
Chủ cửa hàng Ty Đức đang đóng hàng cho một nhóm bạn đi từ thiện cuối năm ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. |
Mới đó mà gần 3 năm, giờ đây chị Vân đã trở thành đầu mối không thể thiếu trong nhóm những người góp phần duy trì nồi cháo tình thương ở Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Chị tâm sự: “Với tôi, bây giờ mỗi ngày được sống bình yên là món quà vô giá rồi. Vì vậy, tôi muốn chia sẻ với những người không được may mắn như tôi.
Cũng thật mừng là “nồi cháo tình thương” đã được rất nhiều người quen và không quen ủng hộ. Chúng tôi đang liên lạc với những nhóm từ thiện khác (tránh trùng lịch) để những ngày cận Tết Nguyên đán đến lo cho bệnh nhân một bữa tất niên đầy đủ và một ít quà không khí ngày xuân”.
Cũng bận rộn với những chuyến từ thiện cuối năm, chị Trần Thị Thương, Chủ nhiệm CLB từ thiện Nhuận Tâm cho biết, kết thúc năm 2018, CLB đã vận động và tặng quà với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Riêng phần Tết Nguyên đán sắp đến, CLB vận động được khoảng 120 triệu đồng để tặng quà cho bà con nghèo ở Quảng Nam, Quảng Trị và dự kiến khoảng 29 tháng Chạp sẽ đi chuyến cuối năm để tặng quà cho người mù tỉnh Quảng Nam.
Mừng một điều là bước sang tuổi 16, CLB ngày càng có thêm nhiều hội viên mới, người góp công, người góp sức đến với bà con nghèo. “Tết bận rộn lắm nhưng cũng là thời điểm chúng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất vì được chia sẻ khó khăn với bà con nghèo”, chị Thương nói.
Không biết từ bao giờ, chị em tiểu thương ở các chợ cũng rất nhiệt tình tham gia công tác từ thiện hướng đến người nghèo, người gặp hoạn nạn đột xuất, với cách làm rất phổ biến là giảm giá bán, hoặc không lấy lãi những mặt hàng bán cho người đi làm từ thiện.
Chia sẻ về cách làm này, chủ cửa hàng Ty Đức, chuyên bán quần áo trẻ em ở chợ Cồn cho hay: “Thường thì từ đầu tháng 12 Dương lịch, chúng tôi đã nhận được đơn đặt hàng của các CLB, hoặc cá nhân làm từ thiện để chuẩn bị cho những chuyến đi cuối năm. Những ngày cuối năm nay trời trở lạnh nên mặt hàng áo ấm cho trẻ em và người già rất hút hàng.
Đến thời điểm đầu năm 2019, tôi đã bán ra gần 500 bộ đồ ấm cho trẻ em. Tất cả đều ngang giá sỉ, hoặc chỉ cao hơi một chút để bù tiền vận chuyển chứ không lấy lời”. Chung suy nghĩ như vậy, chị Vân, chủ tiệm Vân chuyên bán đồ len ở chợ Cồn cho biết, chị đã bán gần 700 chiếc mũ len với mức đồng giá 15.000 đồng/chiếc, thay vì bán cho khách lẻ 20.000 đồng/chiếc. “Cả năm kiếm lời được rồi, dành ra thời điểm cuối năm giúp bà con nghèo cũng là việc cần làm”, chị Vân tâm sự.
Khá kiệm lời, thậm chí không muốn nói về bản thân, nhưng cứ nhắc đến những chuyến đi từ thiện cuối năm thì hầu hết thành viên các CLB, cá nhân đi làm từ thiện lại rất sôi nổi. Họ say sưa kể về kế hoạch, sự chuẩn bị cho những chuyến đi đầy tình nghĩa, không kể khó khăn thời tiết, đường sá xa xôi. Có những người lớn tuổi, bản thân mắc nhiều bệnh tật và cũng có những người rất trẻ ở lứa tuổi học sinh THCS vẫn “nuôi heo” hằng ngày để cuối năm chung sức với ba mẹ đi làm từ thiện. Như những cơn sóng ngầm đong đầy yêu thương cứ lan tỏa dần, tất cả cùng tâm niệm chia sẻ với người nghèo, người gặp hoạn nạn để tất cả đều có được cái Tết đầm ấm, yên vui.
Bài và ảnh: THANH VÂN