Người Đà Nẵng chung tay giữ đàn khỉ trên bán đảo Sơn Trà

.

ĐNO – Một nhóm du khách dừng xe máy trước khu vực miếu Đôi – nơi có đàn khỉ vàng đang tập trung, rồi lôi ra một túi trái cây để… “nhử” khỉ ăn, nhưng hành động này nhanh chóng được ngăn lại bởi lực lượng tình nguyện viên (TNV) trên bán đảo Sơn Trà.

a
Một cá thể khỉ vàng trên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: XUÂN SƠN

Sau khi nhóm du khách cất thức ăn vào xe và rời đi, anh Lê Khả Thiên, một TNV tham gia bảo vệ khỉ trên bán đảo Sơn Trà chia sẻ: “Đó là chuyện thường diễn ra ở đây và nhiệm vụ của tôi cũng như các TNV khác là nhắc nhở, tuyên truyền đến người dân và du khách về tác hại của hành vi cho khỉ ăn và trêu chọc khỉ”.

Theo Phó Ban quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng Phan Minh Hải, trong đợt này, thông qua Facebook của BQL và nhóm Facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi Xanh – Sạch – Đẹp”, đơn vị tuyển 10 TNV trong độ tuổi từ 19 đến 35 làm nhiệm vụ tại các điểm mà du khách thường xuyên cho khỉ ăn là: trước cổng chùa Linh Ứng Sơn Trà, khu vực Miếu Đôi, quán ăn Hoang Dã (cách chùa Linh Ứng Sơn Trà 300m). Hiện có 8 TNV tham gia, thời gian làm việc chia làm 2 buổi: buổi sáng từ 9 – 11 giờ, buổi chiều từ 15 – 17 giờ 30.

1. Vốn làm nghề sửa chữa điện thoại di động, anh Lê Khả Thiên là một trong số những người tiên phong hưởng ứng lời kêu gọi của BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng trong việc giữ gìn sự an toàn cho khỉ nói riêng, các loài động vật hoang dã nói chung trên bán đảo.

“Các anh thấy đó, hình ảnh khỉ bị thương rồi tràn xuống lòng đường ăn đồ ăn của con người chính là hệ quả từ sự thiếu ý thức của một bộ phận du khách. Vì thế, tôi quyết định tham gia vào nhóm TNV vì thấy đây là việc thiết thực, nên làm, để hạn chế tình trạng trên”, anh Thiên chia sẻ.

Cũng như anh Thiên, TNV Trần Nguyễn Nam Tùng (SN 2001, sinh viên Trường Đại học Duy Tân) cho biết: “Những năm gần đây, tình trạng du khách vô tư cho khỉ ăn cứ tiếp diễn, khỉ bị tổn hại nhiều. Khi tham gia vào nhóm TNV bảo vệ khỉ, tôi và mọi người trong nhóm cố gắng sắp xếp công việc, lịch học tập để hưởng ứng lời kêu gọi của BQL”.

Ảnh: XUÂN SƠN
Tình nguyện viên Lê Khả Thiên (áo trắng) đang nhắc nhở người dân không cho khỉ ăn tại chốt trực trước miếu Đôi. Ảnh: XUÂN SƠN

Chỉ tay về khu vực miếu Đôi ngay điểm cuối tuyến đường Hoàng Sa dẫn lên bán đảo Sơn Trà, anh Thiên cho hay: “Tại chỗ này, cứ tầm 16 giờ trở đi, chiều mát mẻ là đàn khỉ vàng đổ xuống nhiều và người dân, du khách theo đó lại tập trung để ngắm khỉ. Nhiều người vô tư trêu chọc, tiếp xúc gần với khỉ rồi cho chúng ăn mà không biết rằng điều đó ảnh hưởng không tốt đến khỉ và cả bản thân mình”.

“Bà con, anh chị chú ý, cho khỉ ăn nhiều làm chúng phụ thuộc vào đồ ăn của con người cung cấp, lâu ngày mất dần bản năng tự kiếm ăn dẫn đến suy yếu. Bản thân chúng ta có nguy cơ lây bệnh từ khỉ và dễ bị khỉ tấn công gây thương tích…”, anh Thiên lặp đi lặp lại những nội dung tuyên truyền khi có một du khách nào đó lại gần đàn khỉ.

Các TNV cho biết, đã từng có trường hợp khỉ tràn xuống lòng đường, tấn công, tranh giành thức ăn của du khách, gây mất an toàn giao thông và làm tổn thương cho du khách và chính bản thân khỉ. “Mỗi chiều, người dân, du khách đến bán đảo ngắm khỉ rất nhiều, đặc biệt vào cuối tuần. Họ mang theo trái cây, bánh kẹo để “nhử” khỉ xuống chụp ảnh và trêu chọc chúng một cách vô tư nhưng khi được nhắc nhở thì rất khó chịu, gắt gỏng, nói lời khó nghe. Những lúc như vậy, mọi người chỉ biết cố gắng tuyên truyền, quyết tâm giải thích đến cùng để mọi người cùng hiểu”, TNV Trần Nguyễn Nam Tùng kể lại.

Ảnh: XUÂN SƠN
Sự vào cuộc của cộng đồng được kỳ vọng góp phần giữ gìn, bảo vệ loài khỉ trên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: XUÂN SƠN

2. Theo đánh giá của BQL, với việc nhân viên BQL, TNV và kiểm lâm tham gia chốt trực, tình trạng cho khỉ ăn đã giảm bớt và khỉ cũng ít xuống đường so với lúc trước. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít bộ phận người dân và du khách cho khỉ ăn, thường tập trung cuối tuần vào lúc 16 giờ trở đi.

“Khi phỏng vấn đăng ký thực hiện hoạt động tình nguyện bảo vệ khỉ, các bạn đều vì tình yêu đối với thiên nhiên và động vật tại bán đảo Sơn Trà nên làm việc rất nhiệt tình, tận tâm không ngại thời tiết bất lợi. Thông qua đó, BQL mong muốn lan tỏa thông điệp đến người dân, du khách phải có trách nhiệm giữ gìn môi trường và bảo tồn các loài động vật hoang dã tại bán đảo Sơn Trà”, Phó BQL Phan Minh Hải nhấn mạnh.

Song hành với việc triển khai nhóm TNV, BQL đã có biện pháp mạnh như lập biên bản gửi về địa phương; phối hợp với Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn tuần tra, nhắc nhở du khách tại khu vực Chùa Linh Ứng Sơn Trà và các vị trí dọc tuyến đường Hoàng Sa từ Miếu Đôi đến Ngã ba Bãi Bắc; gửi Công văn đến các quận, huyện trên địa bàn thành phố đề nghị phối hợp tuyên truyền, khuyến cáo người dân trong cộng đồng dân cư; tăng cường tuyên truyền trực quan bằng băng rôn, phướn, bảng khuyến cáo tác hại của việc cho khỉ ăn; tuyên truyền trên hệ thống phát thanh ven biển và loa di động; gửi công văn đến Sở Giáo dục và đào tạo phối hợp tuyên truyền học sinh…

Được biết, hiện tại vẫn chưa có quy định, chế tài xử lý cụ thể về hành vi cho ăn và trêu chọc động vật hoang dã nên công tác bảo vệ ở bán đảo Sơn Trà chỉ dừng ở việc nhắc nhở, tuyên truyền. Chính vì thế, theo BQL, điều quan trọng nhất chính là cải thiện nhận thức của người dân, du khách trong việc chung tay giữ gìn sự sinh tồn cho loài khỉ nói riêng, các loài sinh vật nói chung trên bán đảo Sơn Trà.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.
.