ĐNO - "Nhiều người quen hỏi mình sao chọn con đường kinh doanh này chi khổ? Nhưng mình nghĩ, chỉ cần sống yên ổn và giúp các bạn khuyết tật trong khả năng tốt nhất là được".
Chị Hồ Thị Hương Thảo hỗ trợ anh Phan Tài Toàn làm việc tại nhà hàng Happy Heart. Ảnh: XUÂN SƠN |
Đó là chia sẻ của chị Hồ Thị Hương Thảo (SN 1981), chủ nhà hàng Happy Heart (tạm dịch "Trái tim vui vẻ", số 57 Ngô Thì Sỹ, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn). Nơi đây đặc biệt khi chủ và nhân viên đều là người khuyết tật. Làm việc trong ca chiều cuối tuần, anh Phan Tài Toàn (SN 1979) hối hả “chốt đơn” thức ăn cho khách hàng mua đem về, vừa phục vụ món tại chỗ cho một gia đình người nước ngoài. Là người khiếm thính và khiếm thanh, Toàn giao tiếp với khách bằng ký hiệu tay nhanh nhẹn.
Anh Toàn là 1 trong số 5 nhân viên khuyết tật đang làm việc tại nhà hàng Happy Heart. Đã gần 4 năm gắn bó với nơi đây, anh như một trợ lý đa năng của chị Thảo khi có thể kiêm nhiệm từ phục vụ, thu ngân, pha đồ uống… đến làm bánh mỳ. “Tôi cực kỳ thích nấu nướng nên gắn bó với công việc ở nhà hàng nhiều năm qua. Hiện tại, Happy Heart là nơi tôi có thể vừa làm việc với đam mê đó, vừa có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, lo cho con ăn học”, anh chia sẻ.
Chị Thảo - một người phụ nữ nhỏ nhắn di chuyển với đôi nạng, lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết khi chia sẻ về công việc của mình. Chị muốn Happy Heart không chỉ kinh doanh đơn thuần mà cái chính là tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật. Cô gái gốc Quảng Nam hồi tưởng tuổi thơ và lấy đó làm động lực, sẻ chia cho những người đồng hành với mình tại nhà hàng này.
Từ tuổi thơ gian khó
Chị Thảo hồi tưởng lại những ngày thơ bé ở quê nhà xã Đại Quang (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Năm 6 tuổi, cô bé Hồ Thị Hương Thảo bắt đầu cảm nhận sự đi xuống của đôi chân sau cơn đau bệnh. Cơn đau ấy mở đầu chuỗi ngày mà sau này chị Thảo vẫn nhắc là “nằm việc nhiều hơn nằm nhà, y, bác sĩ quen và nhớ mặt”, có thời điểm nằm viện kéo dài hơn 3 tháng trời, rồi vết thương tái phát, gia đình đưa chị đi khắp nơi để chạy chữa. Ba mẹ chị là giáo viên lần lượt xin nghỉ ở nhà để chăm lo cho con.
“Ngày bé, thấy bạn bè cùng xóm đi học, tôi “ức” quá nên nằng nặc xin cho ba mẹ cho đến trường thử. Rồi buổi học đầu tiên cũng là buổi học cuối cùng của tôi trên ghế nhà trường. Ba mẹ tôi là giáo viên, rất chú trọng việc học hành của con cái, nhưng ba nói tình hình sức khỏe của tôi không cho phép tôi học ở lớp thật lâu. Ông lại đưa tôi về nhà chỉ dạy cách đọc viết với câu chữ, tính toán từng từng số. Nên tôi gọi ba là người thầy đầu tiên và cũng là duy nhất. Gia đình khó khăn nhưng ba vẫn bỏ tiền mua sách, báo, sách tiếng Anh về cho tôi học”, chị Thảo nhớ lại.
Năm 2001, chị Thảo bắt đầu tập đi nạng, sau khi chấp nhận bỏ đi một phần đôi chân. Khó khăn nhưng cô gái trẻ vẫn nỗ lực tập đi để không trở thành gánh nặng cho gia đình. Thông qua lời khuyên nhủ của bạn bè, chị ra Đà Nẵng.
Đến cửa tiệm của yêu thương
Năm 2005, chị Thảo có dịp gặp gia đình bà Kathleen Huff - chủ của Bread of Life (một tiệm bánh, cà-phê có nhân viên là người khuyết tật - PV) và được tạo điều kiện làm việc tại đây.
Với Thảo, đó là những tháng ngày chập chững vào đời, tự học lấy mọi thứ, từ kỹ năng tiếng Anh đến bếp núc, phục vụ bàn, giao tiếp… và ngôn ngữ ký hiệu thông qua từng ngày làm việc. Ban đầu chị được phân công giao thực đơn cho khách, nhận gọi món, về sau chuyển sang chăm sóc khách hàng. Dần dần, chị trở thành người hướng dẫn các nhân viên khiếm thính và kết nối họ với gia đình.
Sau này, vì nhiều lý do mà Bread of Life không thể hoạt động, không muốn những đồng nghiệp cũ - những nhân viên khuyết tật ở quán thất nghiệp, chị Thảo ấp ủ dự định mở một nhà hàng mới. Năm 2015, chị hợp tác với một người bạn Canada cũng là khách cũ của Bread of Life thành lập Happy Heart.
Chị thuê một đầu bếp ở TP. Hồ Chí Minh về đào tạo, trang bị nghiệp vụ từ đầu cho mọi người với công thức mới. Khi nhà hàng vào guồng, người bạn Canada về nước, chị chuyển mặt bằng của Happy Heart về “khu phố Tây” An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn) và hoạt động ổn định đến nay.
Nhà hàng Happy Heart được nhiều khách nước ngoài ghé đến. Ảnh: XUÂN SƠN |
Nhân viên ở Happy Heart được trả thu nhập phù hợp năng lực và công việc. Chị kể: “Mới đây có một gia đình gửi 2 người con khuyết tật nhờ giúp đỡ. Họ mong mình nhận các em vào làm việc, chỉ cần dạy các em kỹ năng làm việc, kỹ năng ứng xử và không cần trả lương, nhưng mình thấy cần phải trả lương rõ ràng và công bằng. Để các bạn, các em ở đây thấy rằng mình có thể tự kiếm thu nhập, nhận thức được giá trị bản thân và từ đó có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Có mặt ở Happy Heart vào chiều cuối tuần, chị Đinh Bảo Quyên, khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi thấy ấm áp trước sự nhiệt tình, thân thiện và nụ cười của chị chủ quán lẫn các bạn nhân viên. Sắp đến tôi chuyển đến Đà Nẵng sống, làm việc và đây là một nhà hàng đặc biệt để quay lại”.
Sau hai năm chịu tác động của Covid-19, chị Thảo hy vọng khu An Thượng sôi động trở lại, khi ấy “đứa con tinh thần” Happy Heart có cơ hội nâng cấp, với việc tìm đối tác phát triển.
“Mọi thứ bắt đầu lại nhưng mình tin sẽ vào guồng. Nhà hàng không thể đóng cửa, mình chấp nhận lỗ để duy trì và để các bạn làm việc tốt. Nhiều người quen hỏi mình sao chọn con đường kinh doanh này chi khổ? Nhưng mình nghĩ chỉ cần sống yên ổn và giúp các bạn khuyết tật trong khả năng tốt nhất là được. Đợi giàu mới làm, đến bao giờ?”, chị Thảo cười, nụ cười lạc quan và tin tưởng.
XUÂN SƠN