'Đến em thơ cũng hóa những Anh hùng'

.

Có dịp gặp những anh hùng, dũng sĩ tiêu biểu người Đà Nẵng, dễ nhận thấy họ có những nét tương đồng kỳ lạ. Đó là tham gia cách mạng từ thuở thiếu niên và cầm súng như một lẽ tự nhiên. Tuổi thơ dữ dội được trui rèn trong lửa đạn đã tạo cho họ bản lĩnh đương đầu với mọi gian khổ, ác liệt trong chiến tranh và cả cuộc sống thời bình.

Nữ điệp báo Ngô Thị Huệ (bìa trái) trong lần hoạt động hợp pháp năm 1968. 						(Ảnh tư liệu)
Nữ điệp báo Ngô Thị Huệ (bìa trái) trong lần hoạt động hợp pháp năm 1968. (Ảnh tư liệu)

Đánh giặc tuổi lên 10

Quê Hòa Liên, Hòa Vang, là út ít của gia đình 8 anh chị em, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Ngô Thị Huệ nổi tiếng gan dạ từ bé. 10 tuổi, thời còn chống Pháp, khi thấy cán bộ đằng mình hy sinh, dù địch đang phong tỏa, cô bé và các bạn khiêng chú giấu vô trong làng, rồi chạy về báo cho cha và du kích chôn cất. Một lần các đồng chí đang họp thì địch càn, cô bé Huệ nhanh trí mở chuồng trâu cho xổng, kêu gào: “Trâu ăn lúa bà con ơi” nhằm báo động. Cán bộ chạy thoát nhưng hai cha con bị địch bắt giam, tra tấn.

Năm 1959, AHLLVTND Ngô Thị Huệ công tác bán hợp pháp, không trực tiếp chiến đấu nhưng chỉ những tên ác ôn cho anh em hành động. Nhà bà có ba người con đi thoát ly nên bị xếp sổ đen. Bản thân bà Huệ bị tình nghi chỉ điểm cho đồng đội diệt ác ôn. Chúng lại bắt hai cha con đánh nhừ tử. Lúc thấy máu cha trào ra, ướt đỏ đôi mắt (sau này mù lòa), bà nhào vô ôm lấy cha. Nhưng ông vẫn bình tĩnh động viên, nhắn nhủ: “Con trâu trước đi trước, con trâu sau nhớ đó mà đi. Chịu đau mau về!”.

Rời nhà tù với bao vết thương chưa lành, bà được người dân chăm sóc, bồi bổ, nào cháo đậu xanh, trứng gà, miếng thịt. Ơn nghĩa ấy sau này bà nhớ mãi. Tiếp tục hoạt động diệt ác, trừ gian, xây dựng cơ sở cách mạng, một lần nữa, bà lại bị bắt, đưa đi hết nhà tù này đến nhà tù khác. Những trận đòn kinh hoàng đã làm bà mất thiên chức làm mẹ.

Đồng đội gọi bà là “Bông hồng thép”, niềm tự hào của ngành an ninh. Đầu năm 1969, trong một lần đưa cán bộ đi về, bà rơi vào chỗ dội bom của địch, mảnh găm trên đầu, được tổ chức đưa ra Bắc chữa trị. Hai anh trai và chị gái hy sinh, ba cũng mất vì vết thương tái phát, nỗi đau tinh thần cùng di chứng mảnh bom hành hạ làm bà liên tục lên cơn động kinh.

Một lần đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an đến Bệnh viện E thăm, đã xúc động nhận bà làm con nuôi. Sau giải phóng, bà Huệ trở về quê công tác rồi nghỉ hưu từ năm 1993 với quân hàm trung tá. Chồng bà, ông Trần Viết Trí cũng là cựu tù yêu nước, ông mất người vợ trước, có hai đứa con trai.

AHLLVTND Ngô Thị Huệ kể: “Sau giải phóng, hai suất lương nuôi gia đình 10 người, gồm cả những đứa cháu nghèo khó. Vợ chồng không dám ở trung tâm thành phố mà đưa lên Liên Chiểu để rộng rãi trồng trọt chăn nuôi, cải thiện đời sống. Bầm dập suốt hơn 40 năm, nay mới có căn nhà tạm gọi khang trang trên đường Tân Lập 2, quận Hải Châu ở tuổi 80. Hạnh phúc nhất là dù ở đâu, đồng đội vẫn luôn đến thăm tôi, làm nơi hội ngộ, gặp gỡ thường niên”.

12 lần được phong dũng sĩ, 4 lần gặp Bác

Gặp nhà giáo Võ Phổ, nguyên giảng viên trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh tại quê hương Hòa Liên (Hòa Vang) của ông, chúng tôi cùng nhắc đến bài thơ “Emily, con” của nhà thơ Tố Hữu trong đó có những câu dành cho các cháu miền Nam:

“Ôi, Việt Nam, xứ sở lạ lùng/ Đến em thơ cũng hóa những anh hùng/ Đến ong dại cũng luyện thành chiến sĩ/ Và cây trái cũng biến thành vũ khí!”… Cựu dũng sĩ nói rằng, thời điểm 1965, khi ông Morrison tự thiêu để phản đối nhà cầm quyền Mỹ xâm lược Việt Nam, Võ Phổ mới 14 tuổi và đã “đánh đấm” mấy trận.

Sau này, ông gặp một cựu binh Mỹ, nghe hướng dẫn viên liệt kê thành tích của Võ Phổ, người cựu binh tỏ ra sợ hãi. Nhưng ngày ấy, cứ mở mắt ra là thấy lính Mỹ càn quét xóm làng mình, thế hệ như ông không có lựa chọn nào khác.

Lớn lên đúng thời điểm quân đội Mỹ đổ bộ vào miền Nam, sống sát cạnh căn cứ quân sự Đà Nẵng, ký ức của cậu bé là máy bay Mỹ thả quân, là quân Mỹ lùng sục đốt phá, bắn giết dân làng. Võ Phổ nổi danh khắp các đội du kích trong vùng. Năm 1968, bước sang tuổi 17, ông vinh dự 12 lần được phong Dũng sĩ diệt Mỹ, được ra Bắc chữa 14 vết thương bị địch bắn. Hạnh phúc không ngờ đến là ông được gặp Bác Hồ.

Anh hùng LLVTND Hồ Thị Lý (ngoài cùng, bên phải) gặp mặt các tướng lĩnh và Anh hùng LLVT Quân khu 5 vào năm 2005. 					              Ảnh: Hồng Vân
Anh hùng LLVTND Hồ Thị Lý (ngoài cùng, bên phải) gặp mặt các tướng lĩnh và Anh hùng LLVT Quân khu 5 vào năm 2005. Ảnh: Hồng Vân

Võ Phổ đã òa lên khóc khi được Bác hỏi thăm chiếc chân còn sưng mủ. Bác hỏi: “Gặp Bác phải vui chứ sao lại khóc?”… Sau đó đoàn Dũng sĩ miền Nam gặp Bác 4 lần nữa. Vết thương ở cổ làm ông nói lắp và ngọng. Nhớ lời Bác dạy, phải học cho giỏi, hằng ngày, ông úp vào lu nước, tập luyện cho tròn vành, rõ chữ. Có khi cổ họng đau rát, đỏ tấy, vẫn không chịu thua, rèn đến khi nói chuẩn mới thôi. Nhờ vậy, ông trụ trên bục giảng mấy mươi năm.

Đã thôi dạy chính ở Trường Đại học Bách khoa, ông vẫn kín lịch lên lớp và mấy lần ra Hà Nội để góp ý về cải cách, đổi mới giáo dục. Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình. Nhiều năm liền, ông dành tiền thù lao của mình gửi lại trường làm phần thưởng cho sinh viên học giỏi. Có những sinh viên sắp bỏ học vì không có tiền đóng học phí, ông đều sẵn lòng giúp. Căn nhà của ông ở quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh luôn dành riêng một vài phòng cho con của đồng đội hoặc những sinh viên nghèo.

Xứng đáng được phong anh hùng, nhưng thầy giáo Võ Phổ luôn tâm niệm phải dành những phần thưởng đó cho những đồng đội đã hy sinh, còn ông sẽ làm sau cùng. Thời gian cứ trôi đến bây giờ, dù bạn chiến đấu và quê hương cứ luôn giục giã chuyện hồ sơ…

Chuyện cô bé Muối chăn trâu

Gặp nữ AHLLVTND Hồ Thị Lý, quê bà ở Hòa Xuân (Cẩm Lệ), hiện ở số 4 Trần Đức Thảo, Đà Nẵng, chúng tôi khá bất ngờ khi bà kể về cái tên ấu thơ cha mẹ đặt cho: Muối! Con nhà nghèo lấy tên xấu cho dễ nuôi. Chưa hết tuổi nhi đồng, cô bé đã phải đi chăn trâu cho người trong làng. Cha là cơ sở cách mạng trong chống Pháp, sau năm 1954, bị chế độ Ngô Đình Diệm bắt, tra tấn đến bệnh rồi chết.

Thương cha vô cùng nhưng cô bé không hiểu vì sao cha mình qua đời cho đến khi được ông Hồ Sâm, Bí thư chi bộ xã giác ngộ điều đó. Cô cũng không hiểu vì sao, ông Sâm lại chọn mình, cô bé lũn đũn da đen cháy, tóc khét nắng. Trước khi biết ông Hồ Sâm là phía cách mạng, cô bé chỉ biết ông là người chăn vịt.

Nhiệm vụ cô làm thật đơn giản, đó là vài bữa một lần đến nhà ông Sâm, rồi mang tờ giấy bé xíu mà ông cuộn lại rất kỹ bảo mang đến cho bà Chín Hý, dặn đến lấy trứng. Từ mờ sớm, giao trâu cho người cày bừa, nắng cũng như mưa, cô bé Muối lội mấy cánh đồng, bỏ lại những con chó hung hãn sủa râm ran đuổi theo để đến địa chỉ cần gặp. Suốt mấy năm ấu thơ như vậy, dẫu phần thưởng ông Sâm cho Muối chỉ vài cái trứng. Khi thấy Muối vững vàng, dạn dĩ, ông Sâm giao việc lớn hơn mặc cho mẹ cô sợ hãi.

Không lo sao được khi đứa con nít cứ chạy đầu trên xóm dưới, ngày cũng như đêm, đi vào nơi tiếng súng đùng đoàng. Vậy mà Muối vẫn làm cách mạng theo cách của mình. Tiểu đoàn 51 của địch đóng ở thôn, Muối lân la ra làm quen, nhổ tóc sâu, gãi lưng cho đến khi chúng ngủ lăn, lấy lai rai hàng chục quả lựu đạn đem về cho đằng mình. Đi phụ hồ cùng người anh ở sân bay Đà Nẵng, Muối lân la quan sát, nhớ kỹ về kể cho ông Hồ Sâm nghe về cách bố trí lực lượng địch.

Thời thiếu nữ, Lý có mái tóc đen nhánh, dài quá lưng; nụ cười tươi giòn, hàm răng trắng muốt. Cơ sở giao cô công tác mới đó là lên núi học trường đặc công và trở thành biệt động thành Đà Nẵng. Cô vào câu lạc bộ của Mỹ và lấy lòng chúng rất nhanh, từ đó nắm tin tức biết đường đi lối lại.

Từ đầu năm 1968 đến cuối năm 1969, Hồ Thị Lý không nhớ hết mình đánh bao nhiêu trận, tham gia, hay trực tiếp chỉ huy. Chỉ nhớ 3 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Nhớ nhất là trận đánh ngày 22-11-1969, địch tập trung xe tăng ở đầu cầu Trịnh Minh Thế để chuẩn bị đi càn quét, Hồ Thị Lý bí mật đặt mìn và một gói truyền đơn vào giữa bãi xe.

Mìn nổ, một số xe bốc cháy, truyền đơn bay khắp bãi. Cuối năm 1969, Hồ Thị Lý bị bắt, nhưng đã kịp phi tang tài liệu, địch tra tấn đủ kiểu nhưng vẫn không làm lung lay nữ quận đội phó trung kiên. Trong tù, bà cùng các đồng chí của mình tổ chức 36 lần đấu tranh chính trị. Ra tù năm 1973, bà tiếp tục hoạt động, là quận đội phó cho đến khi về hưu. Bà được tuyên dương AHLLVTND năm 1976, sống cuộc đời bình dị với người chồng là cựu tù yêu nước năm xưa.

Mỗi người một câu chuyện, một dấu ấn anh hùng khác nhau, song AHLLVTND Ngô Thị Huệ, Hồ Thị Lý, cựu dũng sĩ Võ Phổ - những tuổi thơ đã đi qua giông bão chiến tranh - đều có chung niềm mong mỏi là đất nước mãi mãi hòa bình, để lớp cháu con được sống trong hạnh phúc và văn minh.

HỒNG VÂN

;
;
.
.
.
.
.