Chim Phượng hoàng đậu dưới mái nhà Moong

.

Mỗi lần gặp nghệ nhân Alăng Đợi là mỗi lần nghe như tiếng rừng núi thâm sâu trong những câu chuyện kể không đầu không cuối bên mái nhà Moong (một loại nhà Gươl của nhiều gia đình Cơ tu). Mặc cho thời gian, mặc cho những biến động của đời thường, anh vẫn ngồi đó kể những câu chuyện của buôn làng bằng những pho tượng mộc mạc được đẽo gọt trên những cây gỗ thơm mùi an nhiên. Anh bảo, mỗi bức tượng là cả một câu chuyện dài của người Cơ tu đất Quảng. 

1. Lần đầu tiên gặp nghệ nhân Alăng Đợi trong đoàn khách mời đến từ huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) dự Liên hoan Văn hóa - Thể thao và phục dựng lễ hội người Cơ tu năm 2017, do huyện Hòa Vang tổ chức tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú.

Lúc ấy, nhiều người chỉ biết anh trong tạo hình của một thầy cúng, đóng khố, mặc áo thổ cẩm tua rua, đầu đội mũ lông chim sặc sỡ, cổ đeo nhiều vòng mã não, nanh heo rừng, tay cầm quạt cánh chim, thổi tù và… Mái tóc xoăn đen nhánh rủ dài hai bên vai, đôi mắt to và sâu hun hút như cánh rừng pơ-mu thượng ngàn, Alăng Đợi đi đầu đoàn múa cồng chiêng, đẹp tựa một vị thần của núi rừng hùng vĩ.

Nghệ nhân Alăng Đợi với tác phẩm Thần Nước do anh sáng tác.
Nghệ nhân Alăng Đợi với tác phẩm Thần Nước do anh sáng tác.

Một ngày thu năm ngoái, tôi mới bất ngờ gặp lại anh ngồi tạc tượng bên cầu thang nhà Moong ở khu du lịch sinh thái Suối Hoa ở xã Hòa Phú. Đôi bàn tay thô ráp đi những đường rìu khỏe khoắn trên súc gỗ mới thơm mùi an nhiên. Trên ô cửa sổ nhỏ, một chú chim phượng hoàng non lông xanh biếc nghiêng đôi mắt hạt huyền ngó trời xanh.

Đó là chú chim non anh mang từ núi rừng Đông Giang xuống khi nhận lời về Suối Hoa làm việc. Anh nói, cả nhà rời làng Gừng xuống Suối Hoa được gần một năm rồi. Chỉ kịp dựng căn nhà Moong lợp bằng lá nón. Đẽo vài bức tượng gỗ, trồng vài cái cây quanh nhà.

Cũng là mới kịp vừa bén rễ chứ chưa xanh cây. Việc rời làng Gừng xuống Suối Hoa sống của vợ chồng Alăng Đợi và Alăng Thị Phơi là một câu chuyện dài. Đối với người Cơ tu, việc rời làng cũ đến ở đất mới xưa kia chỉ xảy ra khi có dịch bệnh, cháy làng hoặc chiến tranh. Nay cả nhà Alăng Đợi về xuôi ở chỉ vì một ước muốn: “Để mọi người dưới xuôi ai cũng biết, cũng hay về văn hóa Cơ tu…”, Alăng Đợi nói.

Buổi sáng ở làng Toom Sara (tiếng Cơ tu, nghĩa là Suối Hoa) thật yên bình. Tôi ngồi trên bậc thang gỗ đẽo từ cây rừng, lắng nghe tiếng suối chảy và ngắm những hình gỗ trang trí trên nóc nhà Moong. Ở kia là hình hai con gà một đen, một trắng.

Nhà bên cạnh thì gắn hai lưỡi giáo nhọn hoắc lao thẳng lên bầu trời. Còn kia nữa là hình trăng non hiền hòa như vừa ló dạng trên mái nhà tranh…. Tất cả được đục đẽo, tô vẽ bằng những sắc màu, đường nét rất đỗi hồn nhiên, chân thực.

Thấy khách có vẻ thắc mắc, Alăng Đợi cho biết, người Cơ tu tính ngày trong tháng theo chu kỳ mặt trăng. Vì vậy, những hình gỗ trang trí trên hai đầu hồi nóc nhà cũng có hình dáng tựa mặt trăng. Mỗi nhà đều chọn cho mình một vật để trang trí mang ý nghĩa thể hiện ước muốn của người chủ.

Nếu con gà tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, trù phú thì lưỡi giáo, lưỡi mác là biểu tượng của lòng quả cảm, sự mạnh mẽ, khỏe khoắn của mỗi gia đình, và cũng là vũ khí bảo vệ dân làng trước thế lực thiên nhiên hung dữ. Hình tượng trăng sao tượng trưng cho vũ trụ trong trạng thái thanh bình.

2. Cũng lâu lắm rồi, tôi mới có dịp đắm mình trong không gian tưởng chừng chỉ có trong phim ảnh. Đó là cảnh người chồng Cơ tu ngồi dưới sân thả hồn theo từng đường đục, nhát đẽo, vợ ngồi dệt vải thổ cẩm trên sàn nhà Moong.

Tiếng con thoi lách cách trên khung gỗ nghe như tiếng thời gian rơi chầm chậm quanh nhà. Đâu đó, tiếng chó sủa vu vơ trong nắng vàng rớt hột... Alăng Đợi kể rằng, đàn ông Cơ tu ai cũng biết chặt gỗ, hái lá, đan phên làm nhà. Nhưng tạc tượng thì phải là người khéo tay, và có trái tim nghệ sĩ mới làm được.

Từ năm 16 tuổi, anh đã tạc bức tượng gỗ đầu tiên với tạo hình đầu sơn dương. Các cậu, các dì đều khen giống như thật. Gần hết một đời người trôi qua, anh thật thà thú nhận là mình cũng không nhớ đã đốn bao nhiêu cây gỗ, đẽo bao nhiêu tượng.

Người Cơ tu như anh không có thói quen ký tên và ghi ngày tháng sáng tác vào mỗi tác phẩm. Chỉ nhớ là mỗi bức tượng ra đời đều là mỗi câu chuyện tự kể về những ẩn số văn hóa của người Cơ tu.

Tôi đã nhiều lần đến các làng Cơ tu ở các huyện miền núi Quảng Nam, cũng được chiêm ngưỡng nhiều tượng gỗ do các nghệ nhân Cơ tu làm ra nhưng chưa bao giờ được vỡ vạc như lần trò chuyện sáng hôm đó cùng nghệ nhân Alăng Đợi.

Nghệ thuật tạo hình của dân tộc Cơ tu thể hiện chủ yếu là tượng tròn, phù điêu, tranh vẽ và hoa văn trang trí trên các bộ phận kiến trúc. Gỗ dùng tạc tượng phải là lõi cây Dỗi hương, Tấu, Kiền kiền… Dụng cụ ngoài cây rựa, rìu, đục, dao nhỏ thì đôi bàn tay tài hoa và trái tim của người nghệ sĩ sẽ thổi hồn vào từng khúc gỗ vô tri khiến gỗ phải nhảy múa khóc cười như thật…

Theo nghệ nhân Alăng Đợi, một trong những công đoạn khó nhất của đẽo tượng là đục tạo hình. Sau khi dùng rìu vạc khối gỗ, thì người làm tượng sẽ đục tạo hình dáng. Phải biết cầm đục nặng nhẹ tùy lúc để tạo những đường uốn lượn của tay chân, mắt mũi.

Nhất là tạo dáng các hoạt động như đi săn, múa Tung tung - Da dá, múa Cồng chiêng, giã gạo, ru con… Chỉ cần bàn tay cầm đục không cảm được cái hồn của ý tưởng là gỗ sẽ “bị phạm”. Lúc ấy chỉ còn biết vứt bỏ và làm lại từ đầu.

Nghệ nhân Alăng Đợi (giữa) chụp hình lưu niệm với khách tham quan trước nhà Moong do anh phục dựng.  Ảnh: N.H
Nghệ nhân Alăng Đợi (giữa) chụp hình lưu niệm với khách tham quan trước nhà Moong do anh phục dựng. Ảnh: N.H

Tạc tượng gỗ, nghệ nhân Cơ tu chú trọng nhất ở đôi mắt. Nhiều người đến khu du lịch Suối Hoa đã từng bị ám ảnh vì đôi mắt của tượng Mẹ Rừng của nghệ nhân Bh’riu Pố. Hình ảnh người phụ nữ Cơ tu với khuôn mặt nhăn nheo và đôi mắt buồn rầu nhìn thẳng vào người đối diện như muốn hỏi vì sao?

Đôi bàn tay nâng hai bầu ngực chảy dài bên to, bên nhỏ… như một thông điệp cảnh báo rừng cạn kiệt! Trong sắc màu văn hóa của đồng bào phía thượng ngàn, nghệ thuật điêu khắc như kho báu tinh thần giàu chất biểu tượng.

Phải đọc tác phẩm bằng lối tư duy hồn nhiên của người Cơ tu thì mới hiểu được câu chuyện mà nghệ nhân muốn kể. Nếu không có nghệ nhân Alăng Đợi thì có lẽ tôi cũng chỉ hiểu lơ mơ về tác phẩm Thần Nước do anh điêu khắc đặt ngay lối vào của khu du lịch Suối Hoa.

Trên một khúc gỗ dài tượng trưng cho con suối, con sông là hình ảnh Thần Nước với khuôn mặt đen, môi dày đỏ, đôi mắt to xếch. Người Cơ tu tin rằng Thần Nước cai quản suối sông, vì vậy muốn bắt cá, lấy nước phải được thần cho phép.

Hình ảnh quả bầu nậm dùng để múc nước, và con cá được chạm vào gỗ như món quà vô giá mà thần ban cho con người. Bên cạnh đó, hình ảnh con rái cá, một loài vật chuyên ăn cá sống ở sông suối cũng được đặc tả như một mối quan hệ hài hòa giữa thần, người và loài vật…

3. Đêm thật sâu, tiếng chiêng trống đã tắt. Lửa cũng tàn dần, điệu múa Tung tung - Da dá chỉ còn là dấu chân trần in trên mặt đất ẩm hơi sương. Chỉ có men rượu cần là vẫn mềm môi người uống. Lần đầu tiên cả nhà anh Dương Văn Hải, quản lý Trung tâm Anh ngữ và Toán Tư Duy Vinabacus Sơn Trà, được thưởng thức hoạt động văn hóa của người Cơ tu.

“Thực sự đó là một kỳ nghỉ tuyệt vời đầy trải nghiệm tại làng văn hóa Cơ tu Toom Sara. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên được những món ăn đặc sản, những bức tượng gỗ đầy ý nghĩa, mái nhà Gươl, nhà Moong...”, anh Dương Văn Hải thổ lộ. Con anh, bé Sim 5 tuổi được vợ Alăng Đợi cho mượn trang phục dân tộc Cơ tu, sau khi hào hứng đi theo đội múa, vẫn không chịu thay lại áo quần người Kinh.

Tôi buột miệng hỏi Alăng Đợi một câu bâng quơ: Về xuôi sống có buồn không? Câu hỏi như con dao nhọn chạm vào thân cây để lại một vết xước dài. Alăng Đợi nhìn vào đống lửa sắp tàn như nói với chính mình: “Buồn lắm chớ. Xa nhà, xa núi rừng, xa con sông con suối nhớ lắm. Nhưng rồi lại nghĩ, việc mình làm chính là đem văn hóa Cơ tu về xuôi để nhiều người biết hơn là một việc tốt, việc nên làm thì tâm can cũng được an ủi”.

Cái tâm của Alăng Đợi không chỉ đặt vào từng tác phẩm điêu khắc gỗ anh làm hằng ngày mà còn qua cách anh truyền dạy nghề cho đồng bào Cơ tu ở các thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) và Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc). Trong nhà Moong của vợ chồng Alăng Đợi, ngoài bếp lửa lúc nào cũng âm ỉ cháy giữa nhà thì tài sản quí giá nhất là những tượng điêu khắc gỗ.

Rời làng Toom Sara, ngoảnh đầu nhìn lại vẫn thấy chú chim Phượng hoàng non với đôi cánh xanh biêng biếc đậu ở bậu cửa sổ nhà Moong. Khung cửi vẫn lách cách trên sàn nhà và Alăng Đợi vẫn ngỗi với chiếc rìu, chiếc đục đẽo tượng.

Người nghệ nhân Cơ tu ấy như cánh chim Phượng hoàng từ đại ngàn về xuôi chở theo một ước vọng thật đẹp: “Càng nhiều người biết đến văn hóa Cơ tu thông qua hoạt động du lịch là vui cái bụng rồi!”, Alăng Đợi cười hiền nói...

Nghệ nhân Alăng Đợi, 56 tuổi, người con của tộc người Cơ tu ở thôn Gừng, thị trấn Prao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Alăng Đợi học nghề điêu khắc Cơ tu từ cha mình. Công trình tiêu biểu của anh (có công sức của nhiều già làng Cơ-tu) là kiến trúc Gươl làng Gừng - một công trình Gươl được xem lớn bậc nhất của đồng bào Cơ tu ở Trường Sơn. Nghệ nhân Alăng Đợi được UBND huyện Đông Giang tặng giấy khen nhân tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

 NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.