Trời nắng như đổ lửa từ trên cao xuống, muốn nung chảy lớp nhựa đường khen khét dưới bánh xe. Song, chỉ một phút sau từ quốc lộ 14B rẽ vào thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, bạn sẽ cảm nhận được một bầu không khí hoàn toàn khác-cái mát lành được lan tỏa tự nhiên bởi hơi nước từ những hồ cá dọc theo đường làng.
Anh Cao Văn Tới thu hoạch mẻ cá Thát lát đầu tiên ở xã Hòa Khương (ảnh trái). Bà Trần Thị Hồng bên ao cá nhà mình (ảnh phải). Ảnh: NHƯ HẠNH |
1. Không câu nệ, khách và chủ ngồi bên chiếc bàn nhỏ sát bờ hồ nuôi cá nước xanh leo lẻo râm ran trò chuyện. Ông Nguyễn Liễu, một trong 3 hộ đầu nuôi cá nước ngọt ở Hòa Khương rủ rỉ kể rằng: Không ai có thể hình dung 30 năm trước, khi Phú Sơn chưa tách ra làm hai thôn như chừ, nơi đây chỉ là vùng thuần nông, đất đai khô cằn, ruộng đất phụ thuộc vào nước trời. Lúa má chỉ trồng được một mùa. Mùa còn lại trồng khoai sắn hoặc bỏ không. Từ khi có nước hồ từ Đồng Xanh Đồng Nghệ đổ về, không chỉ tưới mát cho cánh đồng bán sơn địa Hòa Khương mà còn mở ra một nghề mới: nuôi cá nước ngọt cho nông dân Phú Sơn nghèo khó.
Ông Liễu chỉ tay ra mặt hồ lăn tăn tăm cá lấp lánh dưới mặt trời đang dần đứng Ngọ bảo, ông bà mình hay nói người cũng có phận người, cá cũng có đời cá. “Người ta hay nói “muốn giàu nuôi cá...”. Mà có phải ai nuôi cá cũng giàu mô? Cũng trầy vi tróc vảy lắm mới được như ngày hôm ni. Chẳng qua hồi nớ làm ruộng khổ quá. Mỗi sào ruộng chỉ thu về hơn tạ lúa nên phải kiếm đường sống thôi chớ ai tài giỏi chi...”
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, mỗi địa phương đều có mô hình “Ao cá Bác Hồ”, hầu như chỉ nuôi cá Trắm, cá Mè, cá Trôi... Năm 1990, một lần ông Liễu đi ngang ao cá Bàu Năng (nơi có Bia di tích Chiến thắng Bàu Năng, nằm bên quốc lộ 14B đoạn qua xã Hòa Khương), thấy hợp tác xã thu hoạch cá bắt lên hàng tấn thấy “đã con mắt”. Về nhà, đêm nằm gác tay lên trán, ông trăn trở mãi đến chiêm bao. Sáng dậy, ông bàn với vợ đào 200 mét vuông ao, bỏ ra ít vốn ban đầu mua giống, mày mò nuôi cá.
Từ nông dân chân đất chuyển lúa qua cá, đâu dễ một sớm một chiều là thành công. Ông đã phải học hỏi “trầy vi tróc vảy” kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt từ những người đi trước. Lứa cá đầu tiên, ông bán được 5 triệu đồng. Lần đầu tiên trong đời, cầm trong tay số tiền lớn vợ chồng ông Liễu ngỡ như một giấc mơ. Hồi ấy giá bán có 9.000 đồng một ký chớ mấy. Từ đó, con cá đã gắn chặt vào đời người nông dân trước nay chỉ biết mặt hạt lúa, củ khoai như ông Liễu trở thành những chủ hồ cá với gần hai ngàn mét vuông mặt nước lúc nào cũng sôi tăm cá.
Ba mươi năm, nghề nuôi cá nước ngọt trở thành cần câu cơm của nhiều hộ nông dân Phú Sơn. Những thửa ruộng lầy ngày nào bây giờ đã biến thành gần 7 héc-ta ao hồ nuôi cá. Các giống cá cũ như Trắm cỏ, Trôi, Mè, Chép, Chim trắng... giờ không còn giá trị thương phẩm nên các hộ nuôi mang tính tự phát trước đây như ông Liễu đã chuyển sang nuôi cá theo mô hình tiên tiến, có sự chọn lọc, hỗ trợ về con giống và kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện.
2. Mặt trời đang đứng bóng, nắng rát mặt, anh Cao Văn Tới, con trai trưởng thôn Phú Sơn 2 Cao Văn Mễ vẫn không ngơi tay thu hoạch mẻ cá Thát lát đầu tiên của Hòa Khương. Những con cá trắng như thoi bạc quẫy mình lấp lánh trong tay lưới.
Trong khi anh Tới và người bạn đang ở trần, dầm mình dưới nước để dồn cá vào lưới thì mấy người hàng xóm trên bờ vừa hóng xem thu hoạch cá vừa bàn tán xôm tụ. Ông Cao Văn Mễ cũng là người có thâm niên nuôi cá hơn 10 năm, hể hả cho biết, mẻ cá Thát lát này được nuôi theo mô hình chuyển đổi do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đầu tư con giống, thức ăn và kỹ thuật. Nếu nuôi đạt hiệu quả, sẽ nhân rộng ra cả làng...
Anh Tới trước là công an viên ở xã Hòa Khương, khi lực lượng Công an chính quy được bố trí về xã, anh nghỉ chế độ, về nhà nuôi cá, trở thành người trẻ đi đầu trong việc nuôi cá Thát lát ở Hòa Khương. Anh không giấu nụ cười rạng rỡ khi cùng bạn nghề ra sức dồn cá vào lưới. Những con cá ánh bạc, có những chấm tròn màu vàng, đen dọc về phía đuôi bơi đặc nước. Nhìn mà sướng con mắt! Lứa cá này anh xuống giống gần một năm. Đây là mô hình nuôi cá chuyển đổi do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố đầu tư 100% con giống và 50% thức ăn... Vì là lần đầu nuôi Thát lát nên anh Tới cũng lóng ngóng khi thấy có thời gian cá biếng ăn, chậm lớn.
Mỗi lúc như thế anh Tới phải tức tốc chạy xe lên Trung tâm con giống tại Ba ra An Trạch để hỏi “thầy” là các kỹ sư nuôi trồng. Đang kỳ thu hoạch lại gặp mùa Covid-19 nên chỉ bắt lai rai mỗi ngày vài chục ký... đem về phi lê làm chả cá rồi rao bán online.
Ngồi xem kéo lưới cá, nghe bà con hóng chuyện, mới biết thêm rằng, giống cá Thát lát này không chỉ cho thịt ngon, giá thành cao, được các nhà hàng đặc sản đồng quê đưa vào danh sách các món ăn khoái khẩu mà còn được mua về nuôi làm cảnh. Dân chơi cá cảnh thích chọn những con cá dáng đẹp, trên mình có nhiều chấm tròn vàng đen sắc nét. Nếu số chấm càng nhiều và là số lẻ (9, 11, 13) thì giá tiền càng giá cao.
Càng về trưa, cái nắng càng oi nồng. Tiếng cá ăn mồi rào rào nghe như những con sóng nhỏ va đập vào bờ. Ông Mễ vừa cho cá ăn vừa cho biết, hơn 5 năm nay, nhà ông chuyển đổi từ nuôi cá Trê lai sang Điêu hồng, Ba sa, Thát lát. Các giống cá này ăn thức ăn công nghiệp (dạng hạt) nên không gây ô nhiễm mùi hôi và nguồn nước xả ra đồng ruộng. Mấy năm về trước cả làng Phú Sơn nhà nhà nuôi Trê lai. Loại này ăn tạp lắm.
Thức ăn thường là những phế phẩm như lòng heo, đầu tôm xương cá hoặc cá vụn được các chủ hồ mua ở lò mổ và chợ đem về băm nhỏ. Cứ thế mà vứt xuống hồ. Mỗi lần cho cá ăn, mùi hôi thối nồng nặc xông lên không thở được. Đó là chưa kể nguồn nước xả từ hồ chạy ra cánh đồng, mương nước khiến việc trồng lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước phản ứng của người dân, xã, huyện vận động bà con bỏ Trê lai nuôi các loại cá “sạch” hơn. Và, Thát lát là một trong những loại cá “hot” được chọn.
Thực tế, ban đầu, không ít hộ nông dân vẫn “lăn tăn” khi chuyển đổi từ giống Trê lai phàm ăn, năng suất cao (1 tấn/100m2 mặt nước, thời gian nuôi chỉ sáu tháng là thu hoạch) sang các giống cá khác năng suất thấp hơn đến 10 lần mà thời gian nuôi lại xấp xỉ cả năm trời. Cũng dễ hiểu bởi chỉ cần làm một con tính đơn giản có thể thấy, rõ ràng nuôi cá Trê lai đem lại nguồn lợi rất lớn cho các hộ gia đình. Nhưng hậu quả của việc ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước sẽ gây thiệt hại lớn cho cộng đồng thì không thể nào tính được. Xem ra, cá cũng có đời của cá như các cụ nhà ta đã dạy.
3. Chuyện con Trôi, con Chép, Trê lai rồi đến Ba sa, Điêu hồng, Thát lát không chỉ là đời cá mà còn là cuộc đời của người nuôi cá đang vật mình với thị trường và thiên tai dịch bệnh. Nói như ông Liễu, không dễ gì giàu bằng nuôi cá như lời người ta đồn thổi. Nghề gì cũng có những thăng trầm, vất vả... chỉ có con người phải trì chí thì mới sống được với nghề.
Bây giờ, mỗi khi thu hoạch cá, thương lái đem ô-tô đến tận hồ thu mua. Chớ mấy chục năm trước khổ lắm. Bà Trần Thị Hồng, vợ ông Liễu kể rằng đến thì cá lớn, vợ chồng bà lưới lên từng mẻ vài chục ký, rồi dùng xe đạp thồ cá ra bán ở chợ Túy Loan, chợ Hòa Nhơn. Sỉ có lẻ có. Bán hết thì chạy về chở tiếp. Sau này khá lên, ông bà sắm chiếc xe máy chạy mới đỡ vất vả phần nào.
Mà có phải trời lúc nào cũng yên, sông lúc nào cũng lặng. Mỗi khi mưa to gió lớn, nếu không theo dõi kịp thì nước tràn bờ, cứ thế là cá “đội nón” ra sông không một lời từ biệt. Còn khi nắng hạn kéo dài, hồ Đồng Xanh Đồng Nghệ hụt nước, ai cũng thi nhau dùng máy bơm bơm nước ngược từ sông Yên vào kênh mương dẫn về hồ. Nhiều khi phải thức trắng đêm để bơm nước cho đủ. Nếu không, cá thiếu nước sinh dịch bệnh...
Trồng lúa hay nuôi cá đều có niềm vui, thăng trầm riêng, khó lòng so sánh. Nhưng dẫu sao, ở Phú Sơn 2, công bằng mà nói, cá đã thay đổi phận người. Dọc con đường bê tông chạy từ đầu làng đến cuối thôn là những ngôi nhà mái bằng, mái ngói thấp thoáng sau hàng rào trổ đầy hoa. Anh Nguyễn Văn Hiếu, cán bộ văn phòng UBND xã Hòa Khương phụ trách Nông thôn mới, đi thực địa cùng chúng tôi hôm ấy nhỏ nhẹ khoe: “Nhà ngói, xe xịn, con cái ăn học... ở Phú Sơn đều từ cá mà ra!”...
Làng cá Phú Sơn 2 hiện có 7ha diện tích mặt nước với trên 20 hộ nuôi cá nước ngọt các loại. Mỗi hộ thu nhập bình quân mỗi năm 20-30 triệu đồng/500m2 mặt nước (1 sào). Theo Nghị quyết Đảng bộ xã Hòa Khương nhiệm kỳ 2020-2025, xã đưa làng cá thành khu nuôi cá an toàn sinh học, tiếp tục đầu tư một số hạng mục như điện, kênh mương lấy nước và thoát nước, mở đường từ 14B vào thẳng khu nuôi cá, hình thành các dịch vụ trải nghiệm tham quan và câu cá phục vụ nhu cầu thưởng thức sản phẩm đồng quê của du khách gần xa”. Ông Trần Văn Mười, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Khương |
NHƯ HẠNH