Một chiếc xe liên tỉnh, màu vàng sậm, chạy tuyến liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng trờ tới. Người phụ xe nhoài người ra hỏi nhóm hành khách có trẻ, có già đang đợi xe ngay trạm bằng giọng Quảng Nam “đặc sệt”: “Đi mô? Hương An, Tam Kỳ, Hà Lam không?”
Tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề Đà Nẵng - Quảng Nam hoạt động trở lại, đưa nhiều người trở về Quảng Nam sau thời gian ở lại Đà Nẵng vì dịch bệnh. Ảnh: X.S |
1. Giữa tiếng nổ rì rầm của động cơ xe và giọng í ới của người phụ xe, anh Nguyễn Lê Huy Thành (trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) hối hả xách balo phóng thẳng lên ghế trống sau tài xế, không quên nhắc phụ xe: “Cho tui về ngã ba Hương An hỉ”.
Hương An thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Trong ký ức của Thành, đó là một phần quê nhà, là nơi chục năm trước Thành đứng vẫy xe ra Đà Nẵng thi đại học, cũng là nơi anh xuống xe trong mỗi chuyến về quê. Lúc đợi xe ở trạm, Thành nói: “Anh thấy đó, chỗ tôi ở nằm ngay quốc lộ 1A cách Đà Nẵng không xa, chỉ chừng 1 tiếng đồng hồ. Vậy mà cả tháng nay có về được mô. “Covid” một phát là “đứng bánh” liền”.
Hành lý của Thành chuyến này khá nhiều, nên anh chọn đi xe buýt. Khác với lần trước, trong balo ngoài thuốc bổ cho ba mẹ, ít sách vở cho em trai còn có thêm khẩu trang y tế và nước rửa tay, rồi vitamin C sủi đóng tuýp. “Dịch đâu đã hết, không dám chủ quan xí mô. Ba mẹ ở nhà cũng được phát nhưng mình chủ động mua thêm về cho mọi người dùng lâu dài”, anh chia sẻ.
Trong ánh mắt Thành trước khi lên xe, là cả một niềm vui to lớn. Từ trước dịch, cứ cuối tuần là anh về nhà chỉ trừ khi công việc quá bận. Anh nói, chủ yếu về nhà để ăn cơm với gia đình, dù quả thực cơm ở đâu cũng như nhau. Covid-19 ở một khía cạnh nào đó đã “cách ly” con người theo nhiều nghĩa. Cách ly về địa lý, thời gian, niềm vui và nhiều điều không tên. “Mỗi tuần ở nhà một ngày, chỉ cần ăn bữa cơm quê là vui lắm rồi. Mà chừ cả tháng hơn không về, cứ nhân lên là hiểu…”, Thành nói.
Cách đây 2 tuần, Thành có dịp gặp ba mình khi ông mang quà quê ra tiếp tế cho con trai. Tuân theo quy định về phòng, chống Covid-19, ông chỉ có thể đứng ở hàng rào chốt chặn giữa 2 tỉnh, thành nhờ các chiến sĩ công an chuyển hàng qua địa phận Đà Nẵng. “Gặp được ba đó, cách nhau một hàng rào phong tỏa, mừng lắm mà đâu dám tới gần. Chỉ biết vẫy tay chào ba rồi hẹn hết dịch con về, ba con ăn cơm với nhau”, Thành nói.
Nếu như anh Thành phải đợi hơn 1 tháng mới được ăn bữa cơm nhà, thì anh Nguyễn Trường Trung (xã Bình Phú, huyện Thăng Bình) mất gấp đôi khoảng thời gian ấy để đợi ngày sum vầy bên gia đình ở Quảng Nam. Cuộc sống hối hả, công việc bận rộn ở Đà Nẵng, lại chăm vợ vừa mới sinh con chưa lâu, rất nhiều lý do để anh Trung chưa thể về Bình Phú. Rồi Covid-19 trở lại Đà Nẵng, số ca tăng cao, thành phố gần như “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, anh lỗi hẹn với gia đình ở quê thêm nhiều tuần. “Chỉ khi Đà Nẵng yên ổn, dịch được kiểm soát, hai địa phương “mở cửa cho nhau” thì tôi mới được về Quảng Nam thăm gia đình.
Dịch bệnh ngắt quãng những dự định, rất khó khăn nhưng cũng là dịp để mình biết trân trọng, lưu giữ thời gian quý giá bên gia đình, bên người thân”, Trung chia sẻ. Về quê, điều mà anh làm sẽ như bao người con xa quê lâu ngày là ăn bữa cơm bên cha mẹ, em út; ngửi mùi dầu phụng phi thơm xèo xèo từ một góc bếp; là thư thái ngồi uống trà với gia đình trên chiếc bàn đá, nhìn ra cánh đồng trước nhà, nghe tiếng xe kéo nổ máy ầm ầm ngang ngõ. Trung nói, đó là hương vị của quê nhà, của ruộng đồng, thứ hương vị mà lâu rồi anh chưa gặp lại.
2. Từ trước giải phóng cho tới những năm cuối của thập niên 90, thế kỷ 20, người Quảng Nam ra Đà Nẵng và ngược lại đã có dịp gặp nhau trên những chiếc xe Renault chở khách - nay đã được xếp vào hàng xe cổ. Hình ảnh những chiếc Renault của Pháp hay được người dân quen gọi là “xe đò” giờ chỉ còn hiển hiện trong ký ức người viết và trong những bức ảnh tư liệu cũ xưa. Đó là tiền thân của xe buýt liên tỉnh chạy tuyến liền kề bây giờ. Xe đò năm ấy, hay xe buýt năm nay cũng đều là một phần trong ký ức người Quảng Nam - Đà Nẵng.
Anh Nguyễn Lê Huy Thành đợi xe buýt về quê sau 1 tháng “cách ly” vì dịch bệnh. Ảnh: X.S |
“Mùa” Covid-19 đợt 2 này, buýt liền kề cũng khẽ nằm lại suốt 1 tháng ròng, nhường chỗ cho những hoạt động phòng, chống dịch. Buýt không chạy, Đà Nẵng giãn cách xã hội, Quảng Nam cũng không khác mấy. Nhiều người ở bên này ngóng tin về bên kia. Một phần ngóng tình hình dịch bệnh, phần chờ đợi một ngày xe cộ được thông chuyến trở lại. Trong số đó, có người đã gần như gắn một phần những chuyến đi bên những chiếc xe buýt, như bà Kiều Thị Bé, trú phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn.
Năm nay 54 tuổi, mấy năm rồi bà mất ăn, mất ngủ theo đúng nghĩa đen do chứng mất ngủ kinh niên kèm theo đau đầu. Giờ cứ đều đặn 3 tháng/lần, bà lại vẫy xe buýt ra Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng để siêu âm, điện não rồi nhận thuốc. Gia cảnh khó khăn, chồng qua đời, một tay bà nuôi mẹ già và 2 con, sức khỏe cũng không cho phép bà đi xe máy ra Đà Nẵng chữa trị, cứ thế, những chuyến xe buýt đồng hành với bà suốt thời gian qua. Bà chia sẻ: “Cứ sợ dịch bệnh lâu dài, không ra Đà Nẵng lấy thuốc được, lại lo cho sức khỏe mình. Sợ mình xuống sức đi thì gia đình không ai chăm. Tới hồi nghe tin Đà Nẵng nới lỏng giãn cách, Quảng Nam cho xe chạy lại, trời ơi hắn mừng”.
Phan Nguyễn Khánh Nhi (20 tuổi), sinh viên ngành Cử nhân báo chí, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) trở về quê nhà Thăng Bình hơn 1 tháng qua. Những ngày này, Nhi vẫn chờ thông báo được đi học trở lại sau khi Đà Nẵng ổn định tình hình dịch bệnh. Nhắc đến xe buýt, với Nhi đã trở thành điều gì đó thân quen. Nhi kể: “Từ bé tới lớn, em đi buýt ra vào Đà Nẵng-Quảng Nam là chủ yếu. Kỷ niệm thì nhiều, nhưng có lẽ khó quên nhất sẽ là những chuyến xe cuối tuần đông đúc, chen chúc nhau lắm khi ngột ngạt. Có khi phải đứng trên xe suốt đoạn đường từ Đà Nẵng về đến Quảng Nam, đến nhà chỉ biết nằm lăn ra vì mệt. Ấy vậy mà giờ lại nhớ những chuyến xe ấy vô cùng và rất vui khi thấy xe chạy trở lại…”.
Mấy ngày này, xe buýt liên tỉnh đã chạy lại, nhưng… lác đác. Phần vì người dân chủ động đi xe máy nhiều hơn. Phần vì một số nhà xe còn e dè trong việc chạy ra vào Đà Nẵng do sợ cảnh thiếu khách. Tôi liếc ngang khung cửa một chuyến xe từ nội thị Tam Kỳ ra Đà Nẵng, thấy thưa thớt chừng 5-6 người. Anh tài xế (xin giấu tên) chép miệng: “Được chạy lại thì vui mà nhìn cái xe thưa thớt thế này thì hơi… buồn, phần vì ít người đi, bà con đi xe máy, phần vì mình cũng nhắc nhở bà con, nếu xe trống trải thì cứ ngồi giãn cách ra để bảo đảm. Chỉ biết chờ cái ngày mà bà con ngồi kín xe, dịch im re, mình lại khỏe thôi à”.
Ngày anh chờ đâu xa nữa, khi những thông tin tốt đẹp, lạc quan về tình hình dịch bệnh ngày một nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Từ 6 giờ ngày 6-9, tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề Đà Nẵng-Quảng Nam được phép hoạt động trở lại. Song hành với đó là việc xe máy được ra vào địa phận 2 tỉnh, thành trên cơ sở bảo đảm các yếu tố về phòng, chống dịch. Những ngày giông bão của dịch đã tạm lắng, nhiều người Quảng lại hối hả trở về trên những chuyến xe chở đầy hành lý, niềm vui và nỗi nhớ quê nhà khắc khoải. |
XUÂN SƠN