Những "vua chân đất" ở núi đồi Hòa Ninh

.

Xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) là vùng bán sơn địa. Những người con sinh ra trên vùng núi đồi còn nhiều khó khăn này luôn trăn trở phải làm gì để góp phần thay đổi diện mạo quê hương.

Ông Bùi Quang Tiến đang theo đuổi giấc mơ thương hiệu bưởi Hòa Ninh theo mô hình VietGap.
Ông Bùi Quang Tiến đang theo đuổi giấc mơ thương hiệu bưởi Hòa Ninh theo mô hình VietGap. Ảnh: N.H

Những người vun xới ước mơ

Niềm háo hức cho chuyến đi vào rừng keo cách trung tâm xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang gần chục cây số phải gác lại vì “trời mưa, đường vô rừng lầy lội quá” như lời anh “chủ rừng” Nguyễn Kông Kính, chúng tôi đành chuyện trò với anh ở trụ sở UBND xã.

Với tuổi đời còn rất trẻ (SN 1986), Kính đã có khu rừng keo rộng 20ha, trong tay lúc nào cũng có hai đội quân lao động thường trực khoảng 30 người từ huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, ra làm việc và một cơ số xe ủi, xe tải, một căn nhà dành riêng cho người lao động tạm trú, mới thấy cái chí, cái tầm của người trẻ tuổi không hề nhỏ chút nào.

Theo lời Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Ninh Nguyễn Đức Tân, có thể anh Kính chưa phải là người có diện tích trồng keo nhiều nhất xã nhưng rừng keo của anh cho hiệu quả kinh tế cao bởi cách trồng rừng bài bản và khoa học. Mỗi ha rừng keo của Kính mỗi năm cho lãi ròng 40 triệu. Con số đó được nhân lên với 20ha rừng trồng khiến tên tuổi của anh gắn liền với biệt danh “vua keo lá tràm” ở Hòa Ninh quả là xứng đáng.

Cũng vì mưa, nên chúng tôi có dịp đến thăm vườn bưởi da xanh của ông Bùi Quang Tiến ở thôn Đông Sơn, cách không xa trung tâm xã Hòa Ninh . Từ căn nhà để dụng cụ làm vườn bằng gỗ đơn sơ giữa khu vườn nhìn ra bốn bề chập chùng cây trái, ông Tiến tiết lộ: “Vụ bưởi tháng 8 qua rồi, mỗi cây chỉ còn sót ít quả cuối mùa. Chừ bưởi đang ra hoa kết trái cho vụ Tết nên bốn bề “ngan ngát hương đưa” như rứa đó. Có điều, mưa quá, độ ẩm cao, bưởi đang tạo múi dễ nứt và thối rụng”.

Khu vườn ông Tiến rộng chừng 2ha, trồng 500 gốc bưởi, đã thành niềm mơ ước của nhiều người. Dân địa phương vẫn thường gọi ông Tiến là “vua bưởi” không chỉ bởi diện tích trồng lớn mà còn ở hiệu quả kinh tế từ khu vườn bưởi nức tiếng này đem lại. Ở vùng đất đồi khô cằn Hòa Ninh, để có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ vườn đồi không chỉ phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mà còn là sự đam mê và tình yêu mãnh liệt đối với đất đai quê nhà.

Ông Tiến vừa ngắt bỏ mấy trái bưởi bị sâu bệnh, vừa thong thả kể, hồi trước, đất vườn Hòa Ninh chỉ trồng sắn, trồng các loại cây ăn trái giống địa phương một cách manh mún với quy mô nhỏ lẻ. Khi Nhà nước có chủ trương cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái để cung cấp cho thị trường thì người dân hưởng ứng nhưng vẫn e ngại chưa dám làm vì nhiều lý do. Lúc đó xã họp đưa ra vấn đề là cán bộ, đảng viên phải làm trước, làm có hiệu quả để dân làm theo. “Tôi suy nghĩ mấy ngày liền, mình là cán bộ xã, lại là người con của Hòa Ninh. Đất đai có sẵn. Nhà nước hỗ trợ cây giống và kỹ thuật. Mình không làm thì ai làm đây?”, ông Tiến nhớ lại.

Ước mơ về một thương hiệu cây trái quê nhà đã được ông Tiến thực hiện 5 năm trên khu vườn đồi thừa nắng gió nhưng lại thiếu nước. Không những thế, ông còn  tính toán sẽ tận thu vỏ bưởi để nấu tinh dầu. Vợ ông cũng đã thử làm mứt bưởi bán vào dịp Tết Nguyên đán, được bạn bè gần xa khen nức nở. Và biết đâu một ngày nào đó vườn bưởi da xanh của ông sẽ nằm trong cung đường du lịch sinh thái làng quê của xã Hòa Ninh…

Khác với ông Tiến, anh Nguyễn Kông Kính ngay từ nhỏ đã gắn bó với rừng như con hươu, con nai ăn lá rừng, uống nước suối. Anh kể về những ngày theo cha đi núi gầy rừng: “Lúc đó tôi mới học lớp 6. Vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật cha dẫn tôi theo để nấu cơm, phụ chăm sóc cây. Những đêm nằm ở lán trong rừng  nghe con mang kêu xao xác ngoài suối, sáng dậy nghe tiếng chim rừng ríu rít trên cành cây khiến tâm hồn của đứa trẻ tràn ngập cảm giác vừa phiêu lưu vừa thích thú…”.

Để giải thích cho lý do hơn 20 năm qua kế thừa và gắn bó nghề trồng rừng ở núi đồi, Kính buột miệng nói: “Rừng giờ ở trong máu rồi”. Đất Hòa Ninh có rất nhiều người trồng keo, cả người trong xã lẫn người nơi khác đến. Nhưng để trồng rừng đạt hiệu quả cao, theo anh, phải là người hiểu đất, gắn bó với rừng mới có thể bám trụ lâu dài. Nhiều người nơi khác đến mua đất lập trang trại trồng keo. Ban đầu hăng hái lắm nhưng càng về sau càng đuối dần bởi nhiều lý do nên đành bấm bụng sang nhượng lại cho người khác.

Nếu chỉ chằm hăm ở việc trồng keo chu kỳ 5 năm thì việc trồng rừng sẽ dừng lại ở sản phẩm dăm thô phục vụ cho chế biến ván ép. Với Kính, anh tiết lộ rằng mình đang ấp ủ mô hình trồng rừng cây gỗ lớn với chu kỳ 10 năm để cho ra sản phấm gỗ nguyên tấm chất lượng cao.

Anh Nguyễn Kông Kính không chỉ lo chỗ ăn chỗ ở cho nhân công mà còn tổ chức lao động cho hợp lý, khoa học để phát triển kinh tế rừng. TRONG ẢNH: Anh Kính (trái) tặng quà Trung thu cho con của người lao động làm việc tại rừng keo của anh. Ảnh: N.H
Anh Nguyễn Kông Kính không chỉ lo chỗ ăn chỗ ở cho nhân công mà còn tổ chức lao động cho hợp lý, khoa học để phát triển kinh tế rừng. TRONG ẢNH: Anh Kính (trái) tặng quà Trung thu cho con của người lao động làm việc tại rừng keo của anh. Ảnh: N.H

Hoa nở trên đất cằn cỗi

Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Những năm mưa bão lớn, rừng keo ngã đổ thiệt hại không kể xiết. Để hạn chế rủi ro do thiên tai, người trồng rừng thường chia diện tích đất thành nhiều tiểu khu. Mỗi tiểu khu sẽ trồng lệch nhau về thời gian, nếu bão có kéo qua thì diện tích cây non sẽ không thiệt hại nặng, cây lớn 3 năm tuổi trở lên nếu gãy đổ vẫn có thể thu hoạch vớt vát phần nào. Mặt khác, vào bất cứ thời điểm nào cũng có thu hoạch rừng để trả tiền nhân công, tái đầu tư mua, phát quang mặt bằng, cây giống…

Một chu kỳ keo lá tràm kéo dài 5 năm có đến 5 lần phát chồi. Việc phát chồi bao gồm rong bớt các nhánh nhỏ và dứt dây rừng bám vào cây để cây phát triển tốt và cứng cáp. Đến kỳ thu hoạch, phải dùng xe ủi tạo mặt đường rộng để xe tải chạy vào tận nơi để thu gom keo. Sau đó trung chuyển đến xã Hòa Nhơn (gần lối vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) để xay nhuyễn thành dăm làm ván ép thương phẩm.

Kể ra thì rạch ròi từng công đoạn như vậy nhưng thực tế trồng rừng lại là một trường ca đẫm mồ hôi và nước mắt. Từ việc lặn lội vào tận huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi chiêu mộ lao động đến việc chọn mua cây giống tốt ở tỉnh Đồng Nai. Từ việc tổ chức chỗ ăn chỗ ở cho nhân công đến việc phân công lao động sao cho hợp lý, khoa học mà không lãng công. Đó là chưa kể chẳng may keo trồng nhiễm bệnh, nhất là bệnh nấm trắng. Lúc đó chỉ còn cách nhắm mắt khoanh rừng, đốt trọn để diệt trừ bệnh lây lan sang tiểu khu khác.

Trường ca đẫm mồ hôi và nước mắt cũng là cảnh trồng bưởi da xanh thương phẩm ở Hòa Ninh từ khi bắt tay vào lập vườn. Với ông Tiến, đó là những ngày chân ướt chân ráo cầm lại cái cuốc, cái máy cắt cỏ sau nhiều năm làm cán bộ. Dưới cái nắng đổ lửa của vùng đất đồi, riêng cái việc tưới nước chăm cây cho vườn bưởi rộng 2ha là một thách thức. Tuy bưởi là giống cây thích hợp với đất đồi nhưng nắng quá cũng chết mà mưa quá cũng không sống nổi. Có hố ông đã trồng đến lần thứ 5 mà cây vẫn không sống được.

Năm năm vừa trồng vừa mày mò học hỏi thêm kinh nghiệm của những vùng bưởi nổi tiếng đất Nam Bộ, ông Tiến đã thuộc nằm lòng tính khí của cây bưởi da xanh từ trong đó về bén duyên trên đất Hòa Ninh. Ông tâm sự: “Ban đầu chỉ dám trồng 300 gốc bưởi da xanh, 200 gốc bưởi ta (bưởi địa phương). Bưởi ta tuy sai trái nhưng giá trị kinh tế không cao. Ngược lại, bưởi da xanh tuy ít trái hơn nhưng quả to, ruột tím hồng, vị ngọt thanh nên giá gấp đôi…”.

Khi vườn bưởi của mình cho thu hoạch ổn định, ông Tiến đã mạnh dạn chặt bỏ 200 cây bưởi ta đang trĩu quả, chừa gốc lại để ghép giống bưởi da xanh, tạo ra giống bưởi lai kháng sâu bệnh cao với hy vọng tạo ra một loại bưởi da xanh mang thương hiệu quê nhà. Khi được hỏi về thu nhập hằng năm đem lại từ vườn bưởi, ông Tiến cười bảo rằng: “Thôi thì tính sơ sơ mỗi gốc bưởi bán được 1 triệu đồng mỗi năm…”.
Được biết, trên địa bàn xã Hòa Ninh có khoảng 200 hộ trồng bưởi với diện tích gần 200ha. Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh Lê Đức Thương cho biết: “Hiện nay xã đang đăng ký thương hiệu bưởi Hòa Ninh theo mô hình VietGap, đăng ký theo chương trình OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Chúng tôi đang xúc tiến thành lập Hợp tác xã Bưởi Hòa Ninh có thương hiệu để ra thị trường”.

Đã có lúc nhiều người từng nghi ngại khi nhà thơ Hoàng Trung Thông viết “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Nhưng qua câu chuyện hai “ông vua chân đất” ở đất đồi Hòa Ninh mới biết rằng, sức người thôi cũng chưa đủ mà còn phải đam mê và khát vọng thì đất cằn cỗi mới thật sự nở hoa.

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.