Những ngày mưa gió, họ vẫn âm thầm đổ mồ hôi trên những vách núi chênh vênh hay khe sâu thăm thẳm. Tất cả để đổi lấy tấm áo, tiền học cho con và thuốc thang cho cha mẹ già ở quê.
Người H’Rê lên non làm rừng để có tiền trang trải cuộc sống cho người thân nơi quê nhà. Ảnh: N.H |
1. Đã 8 giờ sáng nhưng bầu trời vẫn âm u xám xịt, hứa hẹn những cơn mưa rừng trắng trời. Chị Đinh Thị Út (SN 1981) không đi làm vì anh Đinh Văn Úi, chồng chị, bị ốm. Trong căn lán bằng vải bạt lúp xúp dưới tán keo lá tràm, anh Úi đắp chăn nằm trên chiếc sạp được ghép bằng những thanh gỗ keo còn nguyên vỏ. Chị bảo: “Mấy hôm đi rừng dầm mưa nên về cảm lạnh. Chỉ là cơn ốm vặt. Nghỉ ngơi một hai bữa là hết thôi mà…”.
Vợ chồng chị Út là một trong 8 hộ gia đình gồm 16 nhân khẩu là người dân tộc H’Rê từ xã Long Mai, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi ra xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng làm thuê cho chủ rừng keo. Gọi là hộ gia đình vì người H’Rê đi làm ăn xa thường dẫn theo vợ và con nhỏ. Mỗi lán là một gia đình. Những người bà con hoặc cùng làng, cùng xã dựng lán xúm xít, quây quần bên nhau như một xóm nhỏ ở trong rừng. Họ còn nuôi thêm bầy gà và mấy con chó trông lán khiến không gian chung quanh bớt đi phần quạnh quẽ.
Mỗi ngày, từ 5 giờ sáng, chị Út và những người phụ nữ khác bật dậy khỏi sạp, lọ mọ cơm nước trong ánh lửa chập chờn và cái lạnh sáng sớm của núi rừng. Ăn xong, cả đoàn người trèo non vào rừng xuyên qua màn sương trắng nhờ nhờ như ảo ảnh. Một ngày làm việc của những lao động người H’Rê bao gồm những công việc như phát quang, đào hố trồng keo, làm cỏ, và thu hoạch keo. Anh Nguyễn Công Kính, một chủ rừng đang sử dụng hơn 30 lao động là người H’Rê ở Hòa Ninh, cho biết: “Rừng keo thường chia làm nhiều tiểu khu. Mỗi tiểu khu thường lệch nhau về thời gian trồng và thu hoạch. Vì vậy người lao động có việc làm quanh năm…”.
Thường thì tiền lương được tính công nhật, bình quân 250.000 đồng/người/ngày. Khai thác rừng được khoán theo khối lượng (tấn). Keo thành phẩm được xe chở về nhập nhà máy tại cảng Hòa Nhơn có hóa đơn cụ thể, rành mạch. Chủ rừng sẽ căn cứ theo khối lượng trên hóa đơn mà thanh toán cho người lao động.
Đầu tháng 3 vừa qua, trong một lần du khảo tại Lỗ Cối Tiên (thác 3 tầng), xã Hòa Bắc, chúng tôi đã có dịp “mục sở thị” những chiếc lán của người lao động H’Rê nằm chênh vênh bên con suối dưới chân núi Chà Nai. Người H’Rê thường cất lán dọc theo con sông, con suối để tiện lấy nước uống, tắm giặt và bắt cá. Dọc theo con sông Bắc đoạn từ bìa rừng đến thác 3 tầng dễ chừng đếm được gần 10 lán. Tất cả đều vắng tênh ngoại trừ mấy con chó nằm ngủ vùi bên cái bếp làm bằng 3 hòn đá nguội lạnh. Khi ngồi nghỉ chân, tình cờ gặp đoàn người H’Rê gùi cây keo con vội vã băng qua suối. Lúc đó chẳng kịp hỏi gì, chỉ biết giá mỗi chuyến gùi cây keo giống từ bìa rừng lên đỉnh núi là 150.000 đồng…
Chị Đinh Thị Út chuẩn bị bữa cơm cho gia đình sau những giờ lao động miệt mài. Ảnh: N.H |
2. Trong những ngày Covid-19 kéo dài, đọc báo mới biết rằng số lượng đồng bào H’Rê Quảng Ngãi đi khắp nơi kiếm sống bằng nghề trồng và thu hoạch keo thuê là rất lớn. Trong căn lán tối lờ mờ vì bóng cây bao phủ chung quanh, mỗi lời tâm sự của chị Đinh Thị Út phảng phất một nỗi buồn: “Ở quê nghèo lắm. Không đi làm thì lấy tiền mô nuôi con ăn học, nuôi cha mẹ già…”. Chị bảo, mỗi hộ dân ở quê chị sở hữu 1 đến 3 sào ruộng bậc thang cằn khô quanh năm phụ thuộc vào nước trời. Ruộng mỗi năm một vụ không đủ ăn. Rừng càng ngày càng cạn kiệt đến nỗi đi mấy ngày trời khi trở về chỉ còn tiếng thở dài não ruột… Nên khi có người từ vùng khác đến tuyển lao động trồng keo là đi ngay. Dù biết rằng, trên non kia có thể hiểm nguy đang chờ đợi họ.
Câu chuyện thỉnh thoảng bị tiếng máy cưa rít từng hồi từ trong rừng vọng ra. Anh Đinh Văn Úi thỉnh thoảng thò đầu ra khỏi chăn, tiếp lời vợ: “Trồng keo con, làm cỏ, phát quang tuy nặng nhọc nhưng không nguy hiểm. Chỉ lúc thu hoạch mới lo tai nạn. Phải cưa hạ cây, cắt ngắn, đập giập, bóc vỏ. Cuối cùng là khiêng, vác gom cây thành đống trước khi chất lên xe tải. Làm không khéo, cây ngã đổ gây tai nạn thương tâm đã trở thành nỗi ám ảnh đeo bám cả đời người trồng rừng…”.
Đơn giản có khi chỉ là vết thương nhỏ như bà Đinh Dách, 54 tuổi, bị xóc dằm gỗ vào tay khi thu hoạch keo cũng trở thành nguy hiểm khi nhiễm trùng. May có anh Kính chủ rừng phát hiện kịp, liền chuyển bà xuống Bệnh viện đa khoa Liên Chiểu khám, rồi chuyển lên Bệnh viện Đà Nẵng điều trị. Bà Dách phải nằm viện 1 tuần để bác sĩ theo dõi và mổ lấy dằm ra. Các khoản viện phí đều do anh Kính lo liệu.
Trời vẫn mưa rả rích, nước từ hố Đá Hang tràn lên mặt cỏ xâm xấp. Mấy đứa trẻ đang lúi húi chống chiếc bè tự làm chơi đùa trên con nước nhỏ trước mặt lán. Thằng bé lớn nhất là Đinh Văn Toàn 10 tuổi, có tên ở nhà là cu Mít học lớp 2. Em trai nó theo cha mẹ đi trồng keo từ hồi còn ẵm ngửa đến nay đã 3 tuổi. Đợt nghỉ hè vừa rồi theo cha mẹ lên non trồng rừng kẹt dịch đến bây giờ vẫn chưa trở lại trường. Khi nghe chúng tôi hỏi làm gì khi ba mẹ đi làm, thằng bé trả lời một cách rất quan trọng rằng: “Con trông em và cơm nước cho ba mẹ đi làm”.
Nghe nói hồi cơn bão số 5 vừa rồi, gió to keo ngã đổ la liệt. Những cái lán mỏng manh bằng vải bạt có nguy cơ không trụ nổi trước cuồng phong của đất trời. Để bảo đảm an toàn cho người lao động, anh Kính đã đưa xe chở bà con về Trường Tiểu học Hòa Trung tránh trú và hỗ trợ hoàn toàn chuyện ăn, ở.
3. Người lao động H’Rê đi làm rừng thuê trên địa bàn Hòa Vang vẫn giữ thói quen mỗi tháng về quê một lần để thăm gia đình và đem tiền trang trải chuyện áo cơm. Ở rừng, không có lịch, họ tính theo con trăng. Cứ giáp một con trăng là lội rừng băng suối xuống trung tâm xã bắt xe đò về quê. Đó cũng là dịp họ mua thêm gạo cơm, mắm muối, cá khô… cho những ngày vào rừng sắp tới.
Những ngày tháng 8-2021, lúc tình hình Covid-19 bùng phát, tại xã Hòa Bắc có nhiều nhóm công nhân làm rừng người từ các tỉnh như Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa… bị kẹt lại không thể về quê được. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ lương thực và thực phẩm cho họ ăn uống để bảo đảm theo quy định của UBND thành phố “ai ở đâu thì ở đó”.
Tuy nhiên, số đồng bào H’Rê ở Ba Tơ, Quảng Ngãi ra Hòa Bắc làm rừng vẫn một mực kiên quyết đòi về quê dù phải đi bộ cả trăm cây số. Nỗi lo về tình hình dịch bệnh ở quê nhà đã không thể giữ chân họ ở lại. Trước tình hình này, Công an xã và Ban Chỉ huy Quân sự xã Hòa Bắc đã tham mưu với các cấp lãnh đạo xã đề đạt nguyện vọng của bà con lên cấp trên. Công an thành phố và Công an huyện đã hỗ trợ ô-tô đưa họ về quê để bảo đảm an toàn về giao thông và phòng, chống dịch.
Trung tá Lê Văn Tư, Trưởng Công an xã Hòa Bắc cho biết, thời điểm đó, ông đã cùng ông Đỗ Ngọc Châu, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã trực tiếp lên xe đưa 15 người về đến Quảng Ngãi bàn giao cho chính quyền huyện Ba Tơ tiếp nhận. Trước đó, 15 người này đã được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và Trạm Y tế xã Hòa Sơn đã có phiếu trả lời kết quả tất cả đều âm tính.
Lúc dịch giã tạm yên, nhóm 15 đồng bào H’Rê này đã quay ra Hòa Bắc tiếp tục trèo non trồng rừng. Những ngày mưa gió, họ vẫn âm thầm đổ mồ hôi trên những vách núi chênh vênh hay khe sâu thăm thẳm. Tất cả để đổi lấy tấm áo, tiền học cho con và thuốc thang cho cha mẹ già ở quê. Nói như chị Đinh Thị Út, người phụ nữ H’Rê có nhiều năm theo chồng đi làm thuê xứ người: “Làm tới khi mô già không còn sức trèo núi nữa thì thôi...”.
NHƯ HẠNH