Sáng 5-8, trời Hải Phòng mưa rả rích nhưng không cản được tinh thần, nhiệt huyết của 33 cán bộ, nhân viên y tế của Hải Phòng gấp rút chuẩn bị lên đường chi viện cho các bệnh viện thành phố Đà Nẵng. Chuyến đi vào “tâm dịch” thực hiện nhiệm vụ này dự kiến khó khăn, vất vả hơn nhưng ai cũng sẵn sàng với tinh thần cao nhất “Đà Nẵng ổn, Hải Phòng và cả nước sẽ bình yên”. Trong ánh mắt và nụ cười của các y, bác sĩ trẻ, như gói trọn niềm tin, sự động viên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cảng với thành phố kết nghĩa yêu thương.
Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố Hải Phòng tặng hoa động viên, dặn dò các thầy thuốc trước khi lên đường. Ảnh: VIỆT HOÀNG |
“Mẹ đi làm nhiệm vụ nhé, con ở nhà sẽ ngoan”
8 giờ sáng ngày 5-8, nhận lệnh của Ban Giám đốc phải chuẩn bị gấp để lên đường ngay, chị Phạm Thị Anh Tú, bác sĩ khoa Gây mê (Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng) chạy ào ra phố mua thêm một số vật dụng cần thiết nhất mang theo. Tối hôm trước, anh Đào Văn Tùng, cũng là một cán bộ trong ngành y tế giúp vợ chuẩn bị quần áo, cho sẵn vào ba-lô.
Trước lúc chị lên đường thực hiện nhiệm vụ, anh chỉ nhắn gửi đôi lời ngắn gọn: “Nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, chú ý giữ sức khỏe cho bản thân”. Chồng hiểu và ủng hộ nhưng điều chị Tú băn khoăn nhất là hai đứa con học lớp 8 và lớp 2. 11 giờ trưa, lúc chị Tú mang ba-lô rời khỏi nhà, cháu Đào Minh Hiếu, con trai thứ hai của anh chị ôm chân mẹ thì thầm: “Mẹ đi làm nhiệm vụ tốt nhé, con ở nhà sẽ ngoan” khiến chị rơi nước mắt xúc động.
Cũng có hai con nhỏ như chị Tú, bác sĩ Đặng Duy Nhất, khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Việt-Tiệp) giao phó và gửi gắm niềm tin tưởng tuyệt đối vào người vợ là một giáo viên ở quận Hồng Bàng. Anh vui vẻ cho biết: “Tôi làm việc ở khoa Bệnh nhiệt đới nên luôn sẵn sàng, chủ động ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh truyền nhiễm như Covid-19, trước đó là dịch SARS năm 2003, dịch sốt xuất huyết… Khi nghe tin tôi tình nguyện tham gia đoàn công tác chi viện cho Đà Nẵng, người thân trong gia đình cũng tỏ ra lo lắng, ái ngại, và chính mình lại là người động viên ngược trở lại cho gia đình. Bởi hơn ai hết, là bác sĩ nên tôi hiểu, dù dịch bệnh có nguy hiểm thế nào nhưng mình có phương pháp đúng và tâm thế chủ động phòng dịch, nguy cơ lây nhiễm rất thấp”.
Trong số bác sĩ, điều dưỡng trẻ tham gia đoàn công tác đợt này có điều dưỡng Tạ Thị Ngọc Ánh, 25 tuổi, khoa Nội 3-Thận Tiết niệu (Bệnh viện Việt-Tiệp). Ngọc Ánh vừa kết hôn được một tuần, mẹ chồng lại mắc bệnh ung thư phổi, nhưng chính chồng của chị - một công nhân điện lại động viên vợ lên đường thực hiện nhiệm vụ.
Người ở nhà sẽ thay người đi gánh vác công việc
Ngoài sự ủng hộ của gia đình, các bác sĩ, điều dưỡng tham gia đoàn công tác còn nhận được những ủng hộ, sẻ chia của các bệnh viện nơi họ công tác. PGS.TS Lê Minh Quang, Giám đốc Bệnh viện Việt-Tiệp cho biết, trong đợt chi viện này, Bệnh viện Việt-Tiệp cử 5 bác sĩ, 15 điều dưỡng tham gia. Để yên lòng người đi công tác, ngoài việc Ban giám đốc bệnh viện trực tiếp gặp gỡ, động viên tinh thần, dặn dò những điều cần thiết, bệnh viện còn mua bảo hiểm và thực hiện các chế độ đãi ngộ khác.
Còn theo bác sĩ Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện Kiến An, trong đợt đi này, bệnh viện có 3 bác sĩ, 9 điều dưỡng. Ngoài tập huấn kiến thức chuyên môn, tất cả đều được trang chu đáo về khẩu trang y tế, bảo hộ phòng, chống dịch, nước sát khuẩn, thậm chí cả sữa, bỉm… mang theo.
Ban Giám đốc Bệnh viện Việt-Tiệp gặp gỡ, dặn dò các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện tham gia chi viện cho Đà Nẵng. Ảnh: VIỆT HOÀNG |
Các bệnh viện Việt-Tiệp, Phụ sản, Kiến An đều là bệnh viện hạng 1 của thành phố. Hằng ngày, số người đến khám, chữa bệnh rất đông, chưa kể nhiệm vụ tham gia điều trị, cách ly y tế cho các trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19 của thành phố cũng như công tác phòng, chống dịch nói chung. Vì thế, việc cắt cử các bác sĩ, điều dưỡng các chuyên ngành Nội hô hấp, Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm có thể gây thiếu hụt lực lượng tại chỗ.
Tuy nhiên, với tinh thần sẻ chia với “tuyến lửa”, PGS.TS Lê Minh Quang, Giám đốc Bệnh viện Việt-Tiệp cho biết, bệnh viện khắc phục bằng cách điều phối nhân viên y tế các khoa tăng ca, làm thêm giờ, cùng nhau chia sẻ công việc để gánh vác thay người đi công tác.
Tất cả vì Đà Nẵng thân yêu
Năm 2020 đánh dấu tròn 60 năm hai thành phố cảng Đà Nẵng và Hải Phòng kết nghĩa. Còn nhớ vào năm 1960, nhằm cổ vũ động viên nhau giữa hậu phương lớn và tiền tuyến lớn, cả nước dấy lên phong trào kết nghĩa giữa các tỉnh miền Bắc với các tỉnh miền Nam, theo đó chỉ nói riêng ở đất Quảng, Thanh Hóa kết nghĩa với Quảng Nam và Hải Phòng kết nghĩa với Đà Nẵng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 700 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 399 Bạch Đằng 1 Thủy Nguyên - sau này là Tiểu đoàn Hải Đà - đã phải “tạm biệt xa nhau chào phố biển thân yêu” để vượt Trường Sơn vào mặt trận Quảng Đà tham gia chiến đấu góp phần giải phóng Đà Nẵng. Đúng 60 năm sau, phát huy truyền thống tốt đẹp ấy, trả lời tiếng gọi của “người anh em” trong giai đoạn khó khăn nhất của Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Sở Y tế Hải Phòng cử đoàn công tác gồm 33 bác sĩ, điều dưỡng của Hải Phòng vào chi viện cho nơi tuyến đầu chống dịch.
Trong giờ phút chia tay đoàn công tác, Giám đốc Sở Y tế Phạm Thu Xanh xúc động: “Ngay trong chiều 4-8, nhiều cán bộ, nhân viên y tế gọi điện, nhắn tin xung phong đi chi viện cho các bệnh viện của Đà Nẵng trong đợt 1. Tuy nhiên, trên cơ sở căn cứ vào nhu cầu của thành phố bạn, Sở Y tế cử 9 bác sĩ, 24 điều dưỡng giỏi, tập trung vào các chuyên ngành về nội hô hấp, hồi sức cấp cứu - những chuyên ngành phía bạn đang cần - để lên đường thực hiện nhiệm vụ ngay từ 3 giờ chiều 5-8. Nếu ngành Y tế Đà Nẵng cần, ngành y tế Hải Phòng lại sẵn sàng tiếp tục chi viện”.
Sáng 5-8, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng Lê Văn Thành chủ trì buổi gặp mặt đoàn bác sĩ, điều dưỡng thành phố Hải Phòng hỗ trợ thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trong công tác phòng, chống Covid-19. Tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành nhấn mạnh, tiền và vật tư y tế rất quan trọng, song thời điểm này đối với Đà Nẵng, khi toàn bộ hệ thống nhân viên y tế quá tải, quan trọng nhất với Đà Nẵng lúc này là các bác sĩ, điều dưỡng viên tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch. Ngoài sự cần thiết này, thành phố Đà Nẵng và Hải Phòng là hai thành phố kết nghĩa, có truyền thống “tương thân, tương ái”, giúp đỡ nhau mà thiết lập mối quan hệ này chính là những chàng trai Tiểu đoàn Hải Đà trong những năm kháng chiến ác liệt. Tiếp nối truyền thống quý báu đó, chỉ sau 24 giờ phát động, 33 bác sĩ, điều dưỡng của Hải Phòng sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ, điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của ngành y tế nói chung, người đứng đầu các bệnh viện, các thầy thuốc, bác sĩ, nhân viên y tế nói riêng. Các thành viên tham gia đoàn công tác chi viện cho Đà Nẵng đợt này chính là thay mặt cho tình cảm, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đối với thành phố kết nghĩa. |
Tỉnh Bình Định cử 25 y, bác sĩ hỗ trợ Đà Nẵng phòng, chống Covid-19 Ngày 5-8, UBND tỉnh Bình Định có công văn gửi UBND thành phố Đà Nẵng về việc cử đoàn công tác y tế hỗ trợ thành phố Đà Nẵng phòng, chống Covid-19 với số lượng 25 y, bác sĩ. Công văn của UBND tỉnh Bình Định nêu: Tỉnh Bình Định chia sẻ với những khó khăn trong công tác phòng, chống Covid-19 mà cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã phải đối mặt trong trong những ngày qua và tin tưởng thành phố Đà Nẵng nhất định chiến thắng Covid-19 trong thời gian sớm nhất. Theo kế hoạch, ngày 6-8 đoàn công tác gồm 25 y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm của tỉnh Bình Định sẽ lên đường đi Đà Nẵng tham gia công tác phòng, chống Covid-19. TRIỆU TÙNG |
Việt Hoàng