Khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão lũ

.

Tại phiên họp Chính phủ khai mạc vào sáng 30-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã báo cáo ngắn về tình hình ứng phó thiên tai. Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, công tác phòng chống thiên tai đã được tập trung, quyết liệt và huy động lực lượng, sự vào cuộc tích cực đồng bộ của các cơ quan liên quan, sự cố gắng và tinh thần ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” của các địa phương, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, đã đáp ứng được yêu cầu phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Qua đó, giảm thiểu được thiệt hại về người, đây là cố gắng rất lớn của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng vũ trang, các cơ quan, tinh thần chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đến nay, đã có 230 người chết, mất tích do mưa lũ, bão, sạt lở đất và do người dân gặp sự cố trên biển.

* Tối 30-10, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam Trương Xuân Tý cho biết, tỉnh đã xác định có 22 người chết, 46 người bị thương và 24 người mất tích do bão số 9. Trong đó, tại huyện Nam Trà My có 16 người chết (xã Trà Vân 8 người, xã Trà Leng 8 người); 46 người bị thương (Trà Vân 12 người, Trà Leng 33 người, Trà Mai 1 người); 14 người mất tích (Trà Leng 14 người, Trà Mai 1 người). Huyện Bắc Trà My có 1 người chết tại xã Trà Giáp. Huyện Hiệp Đức có 1 người mất tích tại thôn Bình Kiều, xã Hiệp Hòa. Huyện Phước Sơn có 5 người chết (tại thôn 3 xã Phước Lộc); 8 người mất tích (2 người tại thôn 1 và 6 người tại thôn 3, xã Phước Lộc).

Hiện nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh đang phối hợp với Quân khu 5, các địa phương và cơ quan có liên quan tổ chức tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Sở Giao thông vận tải, Điện lực Quảng Nam, các doanh nghiệp Viễn thông khẩn trương tổ chức khắc phục hệ thống điện, hệ thống viễn thông, bảo đảm giao thông bước đầu phục vụ dân sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung chữa, khắc phục các thiệt hại, hư hỏng về trường học và các trang thiết bị phục vụ dạy học. Chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hai do thiên tai; tập trung hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại về dân sinh để sớm ổn định đời sống nhân dân...

* Trong khi đó, trong ngày 30-10, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có tờ trình gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai báo cáo thiệt hại do bão số 9 gây ra, gồm: 194 nhà bị sập, 100.816 nhà bị tốc mái, 232 trường học và trạm y tế bị tốc mái và hư hỏng..., ước tính tổng giá trị thiệt hại lên đến 3.200 tỷ đồng. Tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 570 tỷ đồng để hỗ trợ mua các loại giống phục vụ sản xuất vụ đông xuân, giúp dân khi phục nhà ở và công trình thiết yếu phục vụ dân sinh, khôi phục bước 1 các cầu và đường giao thông, đầu tư xây dựng kè biển...

* UBND tỉnh Bình Định cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo thiệt hại do bão số 9 gồm: 12 người bị thương, 23 người mất tích trên biển, 54 nhà bị sập, 5.076 nhà bị tốc mái, 1.092 nhà bị ngập nước, nhiều hư hỏng ở các trường học, đường giao thông, chăn nuôi, nông nghiệp... với tổng thiệt hại gần 500 tỷ đồng. Tỉnh Bình Định đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 200 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo để hỗ trợ dân sinh và khắc phục hậu quả do bão gây ra.

* Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng, bão số 9 làm 6 người bị thương (quận Sơn Trà có 1 người; huyện Hòa Vang 5 người); 93 nhà tốc mái hoàn toàn, 719 nhà bị tốc mái 1 phần, 29 nhà bị hư hỏng, 20 nhà bị sập một phần, 8 nhà sập hoàn toàn; 3.200 cây xanh gãy cành nhánh, nghiêng, ngã đổ... Các sở, ngành, UBND các quận, huyện vẫn đang tiếp tục triển khai công tác khắc phục thiệt hại, tập trung khắc phục cây xanh ngã đổ, dọn dẹp vệ sinh môi trường không để xảy ra dịch bệnh; hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất... Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra thiệt hại sạt lở các tuyến đường giao thông theo phân cấp quản lý. Công ty TNHH MTV Điện lực đang tập trung khắc phục, dự kiến khôi phục cung cấp điện toàn bộ phụ tải thành phố Đà Nẵng lúc 12 giờ ngày 31-10.

* Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng cho biết, công ty đã huy động 100% nhân lực, phương tiện để thu gom rác sinh hoạt và thân, cành, lá cây ngã đổ. Tính đến 16 giờ chiều 30-10, đã thu gom khoảng 4.000 tấn rác các loại. Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng Trần Văn Tiên  cho biết, hiện công ty đã thu dọn sạch rác trên 47 tuyến đường, giải quyết xong khối lượng rác sinh hoạt tồn đọng. Tuy nhiên, khi thời tiết khô ráo sau bão thì người dân cũng dọn nhà, sân vườn, khuôn viên... và đổ các loại rác ra nhiều hơn nên khối lượng rác phát sinh so với ngày thường rất lớn. Công ty sẽ tiếp tục tập trung nhân lực, phương tiện để thu gom các loại rác.

* Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã phối hợp với các quận, huyện tiến hành chọn các điểm tập kết tạm gồm: trạm trung chuyển rác Đa Phước và đường Lê Thanh Nghị, khu đất trống thu hồi dự án Bệnh viện Bưu điện 3 cũ (quận Thanh Khê), lô đất trống ở ngã ba đường Hồ Hán Thương - Lê Văn Duyệt (quận Sơn Trà), lô đất trống ở tuyến đường Trần Nam Trung và Đinh Liệt (quận Cẩm Lệ), điểm tập kết tạm tại tuyến đường Ngô Xuân Thu (quận Liên Chiểu) với tổng khối lượng rác thân, cành cây ngã đổ có thể chứa là 2.500 tấn. Ngoài ra, đơn vị cũng đề nghị UBND quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang chủ động lựa chọn điểm tập kết tạm thân, cành cây ngã đổ do bão để chờ trung chuyển lên bãi rác Khánh Sơn. Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai đến các quận, huyện và đơn vị chức năng kế hoạch triển khai ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường trong 2 ngày 31-10 và 1-11 trên toàn địa bàn thành phố, tập trung các tuyến đường chính, khu vực công cộng, khu vực ven biển phía Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn và bãi biển dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.