Các loại giấy đi đường được áp dụng và kiểm soát ra sao?

.

ĐNO - Ngày 27-8, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng ký ban hành công văn hướng dẫn việc cấp thẻ và kiểm soát thẻ nhận diện tham gia giao thông của người dân trên địa bàn thành phố.

Đây là nội dung được thực hiện sau khi UBND thành phố Đà Nẵng có Quyết định số 2860/QĐ-UBND ngày 25-8-2021 về việc “Bổ sung và điều chỉnh một số biện pháp cấp bách để phòng, chống Covid-19 theo Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 30-7-2021 và Quyết định số 2788/QĐ-UBND ngày 14-8-2021 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng”.

Lực lượng Công an thành phố Đà Nẵng kiểm soát giấy đi đường của người tham gia giao thông trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19. Ảnh: ĐỨC HOÀNG
Công an thành phố kiểm soát giấy đi đường của người tham gia giao thông trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19. Ảnh: ĐỨC HOÀNG

Theo đó, đối với trường hợp phương tiện đi ngang qua địa bàn thành phố sẽ được kiểm tra hiệu lực của mã QR “luồng xanh”, nếu còn hiệu lực thì cấp “phiếu kiểm soát phương tiện không vào thành phố” (phiếu màu trắng) và cho qua. Nếu không có mã QR “luồng xanh” hoặc mã QR hết hiệu lực thì tiến hành khai báo y tế, đo thân nhiệt, viết cam kết đi ngang qua địa bàn thành phố, không dừng, nghỉ dọc đường.

Trường hợp phương tiện có lộ trình đi vào Đà Nẵng thì tiến hành test nhanh, khai báo y tế tại các chốt C4, C5, C10, C21, C22, cấp “Phiếu kiểm soát phương tiện ra, vào thành phố”, sau đó xử lý theo Quyết định 135 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố.

Trường hợp không có lộ trình vào thành phố Đà Nẵng hoặc không có mã QR “luồng xanh” thì yêu cầu quay đầu. Trường hợp đi không đúng tuyến đường thì xử lý theo quy định và yêu cầu quay đầu. Tất cả người đi vào thành phố phải được test nhanh tại một trong trong các chốt C4, C5, C10, C1, C22 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SAR-CoV-2 bằng phương pháp Real-time PCR hoặc test nhanh tại thành phố Đà Nẵng trong vòng 72 giờ.

Đối với nhân viên của các công ty thương mại đầu mối; trung tâm thương mại, siêu thị; chuỗi cửa hàng tiện lợi: các đơn vị này phải rà soát, tập hợp danh sách gửi Sở Công thương để tổng hợp, thẩm định trước khi gửi Công an thành phố cấp giấy đi đường.

Người làm việc tại các cơ quan, công sở nhà nước (trừ lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch như Công an, quân đội, y tế, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp) phải thực hiện "3 tại chỗ". Những trường hợp đã được cấp thẻ công vụ thì tự động được gia hạn theo thông báo của Công an thành phố.

Những trường hợp đổi ca thì Văn phòng UBND thành phố; UBND các quận, huyện thu hồi các thẻ đã được cấp (đối với người trở về nhà) và tập hợp danh sách, thông tin cấp thẻ công vụ gửi về Công an thành phố để cấp thẻ.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh được phép hoạt động phải bảo đảm điều kiện "3 tại chỗ", chỉ được phép cho ô-tô tải vận chuyển hàng hóa ra, vào đơn vị. Nếu vận chuyển hàng trong địa bàn quận thì gửi về Văn phòng UBND các quận, huyện tập hợp, thẩm định và gửi về Công an quận, huyện để cấp giấy đi đường.

Với các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp thì Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp tập hợp danh sách gửi về Công an thành phố để cấp thẻ nhận diện (thẻ phương tiện).

Đối với nhân viên, người lao động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp dừng hoạt động trong thời gian thực hiện Quyết định 2860/QĐ-UBND được bố trí tối đa 3 người/mỗi đơn vị để xử lý công việc cần thiết liên quan đến các thủ tục hành chính, tài chính.

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp gửi đề nghị đến UBND các quận, huyện (nơi có trụ sở hoạt động) để rà soát, thẩm định nhu cầu cần thiết, sau đó UBND các quận, huyện gửi Công an các quận, huyện cấp thẻ nhận diện tham gia giao thông (giấy đi đường, kể cả các trường hợp di chuyển liên quận). Thời gian từ nhà đến đơn vị và ngược lại không quá 1 giờ (trừ các trường hợp ở các xã thuộc huyện Hòa Vang) và di chuyển theo nguyên tắc 1 cung đường 2 điểm đến. Các trường hợp di chuyển liên quận, Công an các quận, huyện báo về Công an thành phố để quản lý.

Đối với công nhân, người làm việc tại các công trình xây dựng trọng điểm được phép hoạt động theo danh mục do Chủ tịch UBND thành phố quyết định phải thực hiện 3 tại chỗ: các Ban quản lý dự án, chủ đầu tư lập danh sách công nhân, người làm việc, phương tiện phục vụ hoạt động, xây dựng các công trình trọng điểm gửi Sở Xây dựng để tổng hợp, thẩm định gửi Công an thành phố cấp thẻ nhận diện (giấy đi đường, thẻ phương tiện phù hợp với yêu cầu "3 tại chỗ").

Những người tham gia hoạt động giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ (gọi chung là shipper) do Công an thành phố cấp thẻ vận chuyển (QR Code).

Các trường hợp ngoại lệ được phép hoạt động (được phép di chuyển từ nơi làm việc về nhà và các địa điểm được phép hoạt động, không cần phải xuất trình giấy đi đường) gồm: lực lượng y tế, Công an, quân đội; nhân viên vệ sinh môi trường; nhân viên cây xanh (yêu cầu mang đồng phục, giấy tờ tùy thân) và các hoạt động liên quan y tế như tiêm chủng, xét nghiệm... theo quy định.

Đối với hoạt động tang lễ: không để đám tang quá 48 giờ; chỉ tổ chức nghi lễ trong phạm vi gia đình, không quá 20 người, không tổ chức các đoàn viếng. Chỉ được sử dụng phương tiện ô-tô đi đưa tang. Trường hợp đoàn xe đưa tang ra khỏi thành phố phải có xác nhận của chính quyền địa phương (quận, huyện). Người làm dịch vụ tang lễ phải có giấy đi đường do Công an thành phố cấp.

Các trường hợp khác phải được sự đồng ý của Chủ tịch UBND thành phố hoặc UBND các quận, huyện theo thẩm quyền.

ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.