ĐNO - Ngày 24-5, tại bang Geneva - Thụy Sĩ, đoàn công tác thành phố Đà Nẵng do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh làm Trưởng đoàn đã phối hợp cùng Hội Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam - Thụy Sĩ (SVBG); Phòng Thương mại, Công nghiệp và Dịch vụ bang Geneva (CCIG) tổ chức tọa đàm với chủ đề "Đà Nẵng - Trung tâm tài chính tương lai".
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Tham dự tọa đàm có bà Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva; ông Vincent Subilia, Giám đốc CCIG… cùng đại diện các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại quốc tế, ngân hàng, quản lý tài sản, công nghệ cao, luật và tư vấn đầu tư tại bang Geneva…
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh giới thiệu tổng quan về điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng; vị thế, vai trò của thành phố trong bản đồ kinh tế Việt Nam và khu vực, làm rõ tầm nhìn phát triển, mục tiêu và các trụ cột chính trong quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong khuôn khổ tọa đàm, đoàn công tác thành phố Đà Nẵng đã giới thiệu lợi thế đầu tư vào thành phố, cung cấp các thông tin cụ thể về dự án Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng và Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai bày tỏ sự vui mừng được làm cầu nối, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa các cơ quan, địa phương Việt Nam và Thụy Sĩ, góp phần vào sự phát triển bền vững của quan hệ song phương.
Về các dự án trọng điểm, Đại sứ cho rằng dự án Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng được xây dựng trên cơ sở các lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng về vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, hạ tầng đô thị và nguồn nhân lực … Trên thực tế Đà Nẵng được định hướng là trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, có đủ nền tảng và lợi thế về hạ tầng để trở thành trung tâm công nghệ tài chính (Fintech) trong tương lai.
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai chia sẻ với kinh nghiệm mà Geneva đã trải qua để xây dựng thương hiệu trung tâm tài chính toàn cầu sẽ giúp khơi gợi những định hướng mà Đà Nẵng sẽ thực hiện để xác định chỗ đứng của mình trên thị trường tài chính toàn cầu trong thời gian tới.
Các đại biểu đã thảo luận về khung cơ chế pháp lý hình thành trung tâm tài chính quốc tế, đồng thời trao đổi sự quan tâm đến việc tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Fintech, đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử...; khuyến nghị chính quyền thành phố Đà Nẵng cần có những cải thiện mạnh mẽ về môi trường đầu tư và sự hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nước ngoài, đáp ứng các nhu cầu của nhiều doanh nghiệp Thụy Sĩ.
Các đại biểu quốc tế dự buổi tọa đàm. |
Ông Vincent Subilia, Giám đốc CCIG đưa ra đánh giá, khuyến nghị đối với thành phố Đà Nẵng trong định hướng xây dựng trung tâm tài chính trong tương lai. Đặc biệt ông Vincent Subilia nhấn mạnh sự cần thiết của khung pháp lý minh bạch, linh hoạt, để khi trung tâm tài chính đi vào hoạt động sẽ bảo đảm những việc tuân thủ pháp luật của nhà đầu tư cũng như sự an toàn trong việc bỏ vốn vào triển khai dự án của nhà đầu tư, đồng thời phù hợp với các Hiệp ước quốc tế và tập quán thương mại quốc tế.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đánh giá cao và cảm ơn các ý kiến phát biểu đóng góp, qua đó bày tỏ mong muốn được đón tiếp các doanh nghiệp Thụy Sĩ đến thăm và nghiên cứu cơ hội đầu tư, kinh doanh tại thành phố.
Chính quyền thành phố cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp tại Thụy Sĩ nói chung, tại bang Geneva nói riêng thực hiện những dự án đầu tư, kinh doanh tại Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, thành phố cũng mong muốn các cơ quan đại diện tham dự tọa đàm sẽ hỗ trợ chia sẻ thông tin, quảng bá rộng rãi môi trường đầu tư, kinh doanh và tiềm năng phát triển của thành phố Đà Nẵng đến cộng đồng doanh nghiệp tại bang Geneve nói riêng và Thụy Sĩ nói chung.
GIA MINH