Ổn định nguồn cung hàng hóa trong mọi tình huống

.

Để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn thành phố, nhất là khi dịch bệnh vẫn còn phức tạp, các cấp, ngành, địa phương đang chủ động các phương án theo tinh thần “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) với mục tiêu không để xảy ra khan hiếm, gây ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống của nhân dân.

Các đơn vị cung ứng nguồn hàng hóa được yêu cầu tăng gấp 3 lần so với ngày thường dự trữ để chủ động ứng phó khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.  Trong ảnh: Người dân mua sắm ở siêu thị BigC tối 16-8. Ảnh: KHÁNH HÒA
Các đơn vị cung ứng nguồn hàng hóa được yêu cầu tăng gấp 3 lần so với ngày thường dự trữ để chủ động ứng phó khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong ảnh: Người dân mua sắm ở siêu thị BigC tối 16-8. Ảnh: KHÁNH HÒA

Sở Công thương cho biết, đến thời điểm này, việc điều tiết thị trường hàng hóa diễn ra bình thường, chưa có biến động lớn. Lượng hàng hóa thiết yếu cung ứng tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà phân phối… vẫn bảo đảm cung ứng cho nhu cầu người dân trên địa bàn. Trong khi đó, hàng hóa thiết yếu dự trữ có tại các đơn vị có giá trị khoảng 120 tỷ đồng và được lưu chuyển theo chu kỳ 2-3 ngày/lần. Trong thời gian qua, nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân tại các khu, điểm cách ly y tế tại các quận, huyện và để hạn chế việc di chuyển, Sở Công thương phối hợp các địa phương cung cấp cho người dân số điện thoại, đầu mối liên hệ để chủ động tự mua sắm hàng hóa trực tuyến hoặc qua điện thoại tại các siêu thị, trung tâm thương mại: Co.opmart, BigC, Lotte Mart, MM Mega Market, Vinmart+…

Đơn hàng sẽ được các đơn vị phân phối cử nhân viên giao đến tại khu vực cách ly nơi khách đặt hàng đang cư trú. Việc giao nhận và thanh toán sẽ được cán bộ tại khu vực hỗ trợ thực hiện và chuyển hàng đến tận tay khách hàng. Địa điểm giao nhận hàng được tập trung tại vòng ngoài khu vực cách ly; căn cứ trên số lượng người được cách ly, nhà phân phối sẽ vận chuyển đúng, đủ số lượng. Đồng thời, đơn vị đã lên danh sách, chuyển cho các quận, huyện, các công ty cung cấp suất ăn công nghiệp để lập biên bản thỏa thuận, hợp đồng chuẩn bị suất ăn cho người được cách ly trong trường hợp cách ly tập trung và cách ly diện rộng.

Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng phòng Kinh tế quận Sơn Trà cho biết, quận đã có kế hoạch thực hiện các phương án “4 tại chỗ” theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố. Ngoài việc phối hợp các Ban quản lý các chợ trên địa bàn bảo đảm cung ứng nguồn hàng hóa, quận đã chỉ đạo các Tổ công tác Covid-19 cộng đồng hỗ trợ nhận đơn hàng của người dân tại khu vực cách ly, phong tỏa để đặt hàng. Đặc biệt, lưu ý công tác giao hàng phải bảo đảm các quy định về an toàn; cung cấp số điện thoại, cách thức liên hệ và khuyến khích người dân mua hàng trực tuyến, mua hàng qua mạng tại các siêu thị, trung tâm thương mại..., tránh trường hợp tập trung đông người mua hàng trong cùng thời điểm dễ dẫn đến là nguồn phát sinh, lây lan Covid-19.

Trường hợp dịch lan rộng với các khu, điểm cách ly rộng, sẽ tổ chức tiếp nhận, phân phối hàng hóa cho người dân tại khu cách ly tập trung hoặc vùng cách ly theo chỉ đạo của UBND quận. Các siêu thị, doanh nghiệp phân phối, cơ sở kinh doanh chủ động dự trữ các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm thiết yếu như: gạo, muối, đường, nước mắm, dầu ăn, đồ hộp các loại, mỳ ăn liền... cung ứng cho nhu cầu của nhân dân cũng như phục vụ công tác huy động của quận khi có yêu cầu.

Cũng theo bà Phương Mai, để đáp ứng nhu cầu của người dân trong khu cách ly trên địa bàn, một số phường có vùng cách ly y tế đã triển khai mô hình mới; trong đó phường An Hải Đông triển khai mô hình “Dịch vụ cung ứng hàng hóa” từ ngày 10-8. Theo đó, vào 16 giờ hằng ngày, cán bộ phường sẽ thu phiếu đăng ký mua hàng của người dân trong vùng cách ly y tế theo danh mục hàng hóa từ các nhà cung cấp là hệ thống cửa hàng tiện lợi Vinmart+, siêu thị Co.opmart Sơn Trà và Hợp tác xã An Hải Đông và sáng hôm sau đưa hàng vào khu cách ly giao cho người dân.

Người dân được khuyến cáo không hoang mang, có tâm lý tích trữ hàng hóa quá nhiều gây xáo trộn thị trường khi các cấp, ngành thành phố đã có phương án chuẩn bị chi tiết. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại chợ Đống Đa. Ảnh: KHÁNH HÒA
Người dân được khuyến cáo không hoang mang, có tâm lý tích trữ hàng hóa quá nhiều gây xáo trộn thị trường khi các cấp, ngành thành phố đã có phương án chuẩn bị chi tiết. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại chợ Đống Đa. Ảnh: KHÁNH HÒA

Theo bà Đinh Thị Quế, Trưởng phòng Kinh tế quận Hải Châu, quận đang rà soát và tổng hợp dự báo về nguồn lương thực, thực phẩm của các cơ sở cung ứng trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, báo cáo lên Sở Công thương để có phương án chuẩn bị hợp lý. Trong khi đó, UBND quận Liên Chiểu cũng chỉ đạo rốt ráo các chợ, đơn vị kinh doanh trên địa bàn chủ động dự trữ nguồn hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu nhằm phòng bị trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, không để xảy ra tình trạng khan hiếm.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương cho hay, thành phố chủ động tất cả các phương án về nguồn cung nhằm bảo đảm hàng hóa luôn được duy trì ổn định, cung ứng đầy đủ cho nhu cầu của người dân trong mọi tình huống. Chính vì vậy, người tiêu dùng không nên có tâm lý tích trữ hàng hóa với số lượng lớn, gây xáo trộn không đáng có trên thị trường; tránh tập trung đông người cùng một thời điểm trong khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Sở vừa ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị cung ứng nguồn hàng hóa như: chợ, siêu thị, các đơn vị phân phối lớn… dự trữ nguồn hàng hóa, ít nhất gấp 3 lần so với ngày thường để chủ động cho trường hợp dịch bệnh kéo dài, các vùng cách ly y tế xuất hiện ngày càng nhiều. Đồng thời, ngành Công thương cũng yêu cầu UBND các quận, huyện kiểm tra kiểm soát tình hình giá cả trên địa bàn nhằm có phương án chấn chỉnh kịp thời nếu có sự cố phát sinh.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích