Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XXI Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đoàn kết, đổi mới và đạt được những kết quả quan trọng trên lĩnh vực kinh tế, tạo động lực, nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.
Sức lan tỏa đô thị Đà Nẵng từ trung tâm thành phố ra khu vực phía tây, tây bắc với hạ tầng được đầu tư đồng bộ sẽ tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội thành phố. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Phát triển mạnh ngành du lịch, dịch vụ
Một trong những dấu son tô điểm cho bức tranh kinh tế thành phố có nhiều khởi sắc trong những năm qua đó là việc thực hiện đột phá về phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại. Nhờ đó, giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng bình quân 7,8%/năm, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế thành phố. Giám đốc Sở Du lịch thành phố Trương Thị Hồng Hạnh đánh giá, dịch vụ du lịch tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, có khả năng cạnh tranh quốc tế và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Để có được dấu ấn mạnh mẽ đó, theo bà Hạnh, nhờ thành phố tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp trở thành sản phẩm du lịch chủ lực; thu hút nhiều dự án du lịch lớn, tầm cỡ, hình thành hệ thống cơ sở lưu trú chất lượng quốc tế do các tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới trực tiếp quản lý như: Trung tâm hội nghị quốc tế Ariyana, khách sạn Sheraton, mở rộng Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula, Nam An Retreat, Vinpearl Resort & Spa, Risemount Premier Resort, Sheraton Grand, Da Nang Golden Bay, Grand Tourance...
Cùng với đó, các sự kiện lớn mang tầm quốc tế được thành phố đăng cai tổ chức thường xuyên; lễ hội pháo hoa quốc tế, các sự kiện lễ hội thường niên được nâng cấp, đổi mới; các sản phẩm vui chơi giải trí, mua sắm ngày càng phong phú, đa dạng. Tiềm năng du lịch sinh thái, đường thủy nội địa, cộng đồng từng bước được khai thác. Thành phố tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, mở các đường bay quốc tế trực tiếp đi và đến Đà Nẵng.
Đến năm 2020, có 40 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng với tần suất 480 chuyến/tuần, tăng 20 đường bay so với năm 2015 và 8 đường bay nội địa với tần suất 647 chuyến/tuần. Ngành du lịch thành phố cũng đã thành lập đại diện du lịch tại Hàn Quốc, Trung Quốc; ký kết chương trình hợp tác, liên kết với nhiều địa phương trong nước và các cơ quan quản lý du lịch và doanh nghiệp du lịch quốc tế. Nhờ đó, số lượt khách các cơ sở lưu trú phục vụ tăng bình quân 10,2%/năm; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng bình quân 7,5%/năm.
Song song với dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại trong những năm qua cũng đã góp phần không nhỏ cho kinh tế Đà Nẵng thêm đà khởi sắc. Theo đánh giá của ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương, dịch vụ thương mại của thành phố luôn duy trì tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng của người dân và khách du lịch. Hạ tầng thương mại cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển, hệ thống các chợ, siêu thị, tuyến phố chuyên doanh được đầu tư theo hướng văn minh, hiện đại. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 8 trung tâm thương mại tổng hợp, 64 siêu thị, 70 chợ các loại, 230 cửa hàng chuyên doanh, tiện lợi và tự chọn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giai đoạn 2015-2020 ước tăng bình quân 10%/năm; trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng bình quân 8,8%/năm.
Ngoài ra, sản xuất công nghiệp của thành phố luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Để duy trì được mức tăng trưởng tốt, thành phố chủ động tham mưu, cụ thể hóa Nghị định số 04/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; ban hành các quy định, chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Nhờ đó, giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng bình quân 6,2%/năm. Một trong những điểm nổi bật trên lĩnh vực công nghiệp của thành phố đó là, bên cạnh các khu công nghiệp đang hoạt động, thành phố đã đầu tư hoàn thành cơ bản hạ tầng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; khánh thành Khu Công nghệ thông tin giai đoạn 1, phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 2 và Khu Công viên phần mềm số 2; thành lập 3 khu công nghiệp mới và một số cụm công nghiệp, góp phần giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất và thu hút đầu tư, nhất là trên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin và phát triển kinh tế số. Đây không chỉ là động lực mà còn là cơ sở vững chắc để nền kinh tế thành phố phát triển bền vững trong tương lai.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Thời gian qua, thành phố đã nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp (DN), nâng cao năng lực cạnh tranh... Nhờ đó, công tác thu hút đầu tư của thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Trần Phước Sơn cho biết, 7 tháng đầu năm 2020, thành phố đã thu hút được gần 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và hơn 120 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án trong nước, ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng (gấp 6,78 lần về vốn so với cùng kỳ); cấp mới giấy chứng nhận đăng ký DN cho hơn 2.500 DN, chi nhánh và văn phòng đại diện...
Hiện nay, thành phố có 867 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 3,518 tỷ USD; có 31.661 DN với tổng số vốn đăng ký đạt 216.920 tỷ đồng. Trong đó, có 3 dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng là: Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine; Mở rộng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Mabuchi Motor; Nhà máy xản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử Key Tronic; 3 dự án đang thực hiện các thủ tục để triển khai xây dựng là: Sản xuất và lắp ráp ô-tô các loại GAZ TD; Tháp ven sông; Nhà máy chế tạo gia công các loại ống xả.
Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng Huỳnh Liên Phương cho hay, thời gian qua, các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế được chú trọng. Trong 7 tháng đầu năm, có hơn 50 đoàn khách quốc tế đến thành phố thăm và làm việc, trao đổi về tình hình kinh tế-xã hội, môi trường đầu tư, xúc tiến thỏa thuận hợp tác, tài trợ dự án, đào tạo và giao lưu văn hóa.
"7 tháng đầu năm 2020, Đà Nẵng đã thu hút được gần 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và hơn 120 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài" |
Đáng chú ý là hội thảo xúc tiến đầu tư, du lịch, nguồn nhân lực trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam và Đà Nẵng của Tổng Thư ký Đảng Tự do dân chủ Nhật Bản Nikai Toshihiro; Tọa đàm kết nối thương mại, đầu tư Đà Nẵng-Hoa Kỳ với Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam và các doanh nghiệp Hoa Kỳ nhân sự kiện khai trương và thành lập Chi hội AmCham tại thành phố Đà Nẵng (19-6-2020); làm việc với Tập đoàn khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) tại Bắc Ninh; Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC)...
Trong khi đó, Giám đốc Công ty Ubisoft Việt Nam Aurelien Palasse đánh giá: “Đà Nẵng là một thành phố đáng sống, rất lý tưởng để sinh sống và làm việc. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các DN trong nhiều lĩnh vực, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ cao, góp phần biến khu vực này trở thành một trung tâm phát triển công nghệ trong tương lai. Nhờ sự hỗ trợ nhanh chóng, nhiệt tình từ các cơ quan quản lý của thành phố Đà Nẵng, văn phòng của chúng tôi có thể chính thức hoạt động chỉ sau 6 tháng”.
Đà Nẵng xác định thu hút đầu tư là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất ở Công ty Thủy sản Miền Trung. Ảnh: THÀNH LÂN |
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Xác định thu hút đầu tư là giải pháp then chốt, là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, ngay từ đầu năm, thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động triển khai kế hoạch “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”, bằng những phần việc cụ thể như: lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030; hoàn thiện cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xúc tiến đầu tư; tập trung xúc tiến các dự án đầu tư trọng điểm, dự án PPP; tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư; hỗ trợ các nhà đầu tư tại chỗ, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin liên quan đến thực hiện thủ tục đầu tư...
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (BQL) thông tin, hiện BQL có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ thông tin... Thời gian qua, bằng các hình thức họp trực tuyến, online, BQL đã tiếp xúc được với một số tổ chức, doanh nghiệp châu Âu để giới thiệu về các ưu đãi này. Ngoài ra, BQL đang rút ngắn thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư; rút ngắn thời gian chấp thuận mặt bằng, phương án kiến trúc và đấu nối hạ tầng kỹ thuật so với quy định...
Theo ông Trần Phước Sơn, thành phố tiếp tục tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục để giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục về quy hoạch, đất đai, đầu tư cho các dự án; tuyệt đối không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết.
Ngoài ra, thành phố sớm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ hông tin tập trung nhằm bảo đảm mặt bằng sản xuất để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là các dòng vốn FDI của các công ty, tập đoàn đa quốc gia đang có xu hướng dịch chuyển ở khu vực. Để triển khai có hiệu quả việc cải thiện môi trường đầu tư, mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất với UBND thành phố các giải pháp cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để sẵn sàng đón làn sóng chuyển hướng đầu tư hậu Covid-19.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) giai đoạn 2015-2020 ước tăng bình quân 6,3%/năm, với quy mô GRDP (giá hiện hành) ước đạt khoảng 114.849 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2020 ước đạt 98,89 triệu đồng (4.172 USD), gấp 1,4 lần năm 2015. Cơ cấu kinh tế theo ngành chuyển dịch đúng định hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; cơ cấu GRDP năm 2020 ước đạt: dịch vụ 64,2%; công nghiệp - xây dựng 22,8%; nông nghiệp 1,9%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) 11,1%. |
ĐẶNG NỞ - THÀNH LÂN