ĐNO - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 23-9-2021 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cảng biển Đà Nẵng được quy hoạch vào nhóm cảng loại 1. Trong ảnh: Cảng Tiên Sa. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...
Về năng lực, các cảng biển đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước và hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vận tải hành khách nội địa và quốc tế.
Hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa 1.140-1.423 triệu tấn (trong đó hàng container từ 38 đến 47 triệu TEU); hành khách 10,1-10,3 triệu lượt khách.
Theo quy hoạch về quy mô, chức năng, hệ thống cảng biển Việt Nam có 3 loại gồm: Cảng biển đặc biệt (2 cảng biển): Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu). Cảng biển loại 1 (15 cảng biển): Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An, Trà Vinh.
Trong đó, các cảng biển Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt. Ngoài ra, quy hoạch có 6 cảng biển loại 2, 13 cảng biển loại 3.
Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 313.000 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa), được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung cho hạ tầng hàng hải công cộng, khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư.
TRIỆU TÙNG