Diễn biến dịch Covid-19 tới 6 giờ sáng 9-4: Thế giới có trên 1,5 triệu ca bệnh, New York ghi nhận số người chết kỷ lục

.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h sáng 9-4 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới 1.506.420 trường hợp, trong khi số ca tử vong lên tới 88.100 người.

Bang New York của Mỹ ghi nhận thêm 779 người chết

Nhân viên y tế chuyển nạn nhân nhiễm Covid-19 tới bệnh viện ở Brooklyn, New York, Mỹ, ngày 7-4. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế chuyển nạn nhân nhiễm Covid-19 tới bệnh viện ở Brooklyn, New York, Mỹ, ngày 7-4. Ảnh: AFP-TTXVN

New York ngày 8-4 ghi nhận thêm 779 người tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua, nhiều hơn 48 ca so với ngày trước đó. Như vậy, ngày 8-4 trở thành ngày có nhiều ca tử vong nhất tại vùng tâm dịch của nước Mỹ.

Trong cuộc họp báo trực tuyến cập nhật tình hình dịch Covid-19 ở bang New York, Thống đốc Andrew Cuomo cho biết tuy số người tử vong vẫn tiếp tục tăng cao, song số người nhập viện đã cho thấy mức độ lây lan của đại dịch có chút giảm tại New York. Ông cũng bày tỏ lạc quan nếu tỷ lệ nhập viện tiếp tục giảm thì hệ thống y tế của bang sẽ vận hành ổn định trong khoảng 2 tuần tới.

Tổng số người tử vong tại bang New York tính đến ngày 8-4 lên tới 6.298 người khiến Thống đốc Cuomo phải yêu cầu toàn bang để cờ rủ.

Trước đó, trong phần họp báo cập nhật tình hình đại dịch ở thành phố New York, Thị trưởng Bill de Blasio đã bày tỏ quan ngại về tình trạng tỷ lệ người tử vong trong cộng đồng người gốc Nam Mỹ và gốc Phi cao gấp đôi tỷ lệ tử vong của người Mỹ da trắng và điều này cho thấy có sự cách biệt về điều kiện kinh tế cũng như cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế của các nhóm dân cư này. Thị trưởng de Blasio khẳng định thành phố sẽ nỗ lực hỗ trợ các bệnh viện công hơn nữa để người nghèo có cơ hội điều trị khi nhiễm SARS-CoV-2.

Tính tới 6 giờ sáng 9-4, Mỹ ghi nhận 425.828 ca mắc Covid-19, trong đó 14.604 ca tử vong. Số ca mắc Covid-19 tại Mỹ vẫn cao nhất thế giới. Số ca tử vong chỉ đứng sau Italy và Tây Ban Nha.

Châu Âu: EC hối thúc các nước Schengen kéo dài hạn chế đi lại

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ ngày 17-3. Ảnh: THX/TTXVN
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ ngày 17-3. Ảnh: THX-TTXVN

Ngày 8-4, Ủy ban châu Âu (EC) đã hối thúc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) duy trì lệnh hạn chế đi lại trong khu vực Schengen ít nhất đến ngày 15-5 để làm chậm đà lây lan của đại dịch Covid-19.

Theo bà Margaritis Schinas, Ủy viên châu Âu phụ trách về vấn đề nâng cao đời sống, toàn bộ các nước thành viên khối Schengen phải thực hiện tốt các biện pháp giãn cách xã hội để hạn chế tương tác trong cộng đồng và làm chậm đà lây lan của virus. Bên cạnh đó, EU cũng cần hạn chế các hoạt động đi lại không thiết yếu từ các nước thứ 3 để hỗ trợ cho nỗ lực trên. Cùng ngày, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen hối thúc các quốc gia thành viên EU dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dược phẩm nhằm tránh gây thiếu hụt mặt hàng thiết yếu này trong khối.

Tại các nước châu Âu, tình hình dịch Covid-19 vẫn phức tạp.

Giới chức y tế Pháp xác nhận 10.869 ca tử vong vì Covid-19, trong đó 7.632 ca ở bệnh viện (tăng 541 trong 24 giờ). Số ca mắc bệnh ở Pháp tới 6h sáng 9-4 là 112.950 ca. Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp đã phải ngừng sứ mệnh ở Biển Bắc để quay trở về nước sau khi phát hiện khoảng 40 trường hợp nghi mắc bệnh Covid-19 ở trên tàu. Một nhóm chuyên gia về dịch bệnh thuộc lực lượng quân y Pháp đã được đưa lên tàu để kiểm tra tình trạng lây lan Covid-19 trong tổng số 1.760 thành viên thủy thủ đoàn.

Nhân viên y tế hỗ trợ bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Lombardy, Italy ngày 7/4. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế hỗ trợ bệnh nhân mắc Covid-19 tại một bệnh viện ở Lombardy, Italy ngày 7-4. Ảnh: AFP-TTXVN

Tại Italy, Thủ tướng Giuseppe Conte ngày 8-4 cho rằng Italy phải kiên trì với lệnh phong tỏa khắt khe để cố gắng kiềm chế dịch Covid-19, theo đó bác bỏ những lời kêu gọi của các doanh nghiệp được mở lại công ty. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng nếu người dân Italy tôn trọng lệnh phong tỏa của chính phủ thì số người mới mắc Covid-19 cũng như con số tử vong sẽ giảm.

Cùng ngày, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố nước này ghi nhận thêm 3.836 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 139.422 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong đã tăng lên 17.669 trường hợp (tăng 542 ca) và số ca hồi phục là 26.491 ca (tăng 2.099 ca).

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Neuchatel, Thụy Sĩ ngày 25/3. Ảnh: AFP/TTXVN
Bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị tại bệnh viện ở Neuchatel, Thụy Sĩ ngày 25-3. Ảnh: AFP-TTXVN

Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ ngày 8-4 đã quyết định kéo dài các biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19 thêm một tuần nữa, tức đến ngày 26-4. Sau đó các biện pháp này sẽ được nới lỏng dần. Theo Tổng thống Thụy Sĩ Simonetta Sommaruga và Bộ trưởng Nội vụ Alain Berset, các biện pháp được đưa ra để chống Covid-19 đang được công chúng thực hiện tốt và hiện có hiệu quả như mong muốn. Dịch Covid-19 đã lan rộng ở Thụy Sĩ nhưng tốc độ lây lan đã chậm lại trong những ngày gần đây.

Thụy Sĩ vẫn là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19 với 23.280 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và 895 trường hợp tử vong trên tổng số 8,5 triệu người dân.

Tại Anh, tính tới 6 giờ sáng 9-4, số người tử vong do virus SARS-CoV-2 đã tăng 938 người, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 7.097 ca. Số ca mắc Covid-19 là 60.733. Tới nay, tổng số người được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại Anh là 232.708 người.

Diễn biến dịch Covid-19 tại châu Á

Một nhóm sinh viên Ấn Độ đeo khẩu trang bên ngoài một nhà ga tàu hỏa tại Kochi, Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Một nhóm sinh viên Ấn Độ đeo khẩu trang bên ngoài một nhà ga tàu hỏa tại Kochi, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Tại Ấn Độ, nhiều bang đã đưa ra quy định bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Trong công bố ngày 8-4, chính quyền Delhi yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng khi ra ngoài, kể cả lúc ngồi trên xe ô tô, ở nơi làm việc hoặc văn phòng. Mọi hành vi vi phạm sẽ bị trừng phạt. Cùng ngày, bang đông dân nhất Ấn Độ Uttar Pradesh và các thành phố Mumbai, Thane và Pune của bang Maharashtra cũng đưa ra quy định tương tự.

Bên cạnh đó, thủ đô Delhi đã phong tỏa toàn diện 20 khu dân cư là điểm nóng của dịch. Bang Uttar Pradesh phong tỏa 15 khu dân cư. Người dân ở các khu vực này không được ra khỏi nhà với bất cứ lý do gì và họ sẽ được nhận các nhu yếu phẩm ngay tại cửa.

Theo số liệu trên chuyên trang thống kê worldometers.info, đến 6h sáng 9-4, Ấn Độ đã ghi nhận 5.916 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, làm 178 người tử vong.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30/3. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30-3. Ảnh: THX-TTXVN

Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8-4 thông báo quốc gia này đã ghi nhận thêm 4.117 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và 87 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm bệnh và thiệt mạng do chủng virus nguy hiểm này lên tương ứng 38.226 và 812. Trong vòng 24 giờ qua, đã có 24.900 trường hợp được xét nghiệm để sàng lọc các nguy cơ mắc Covid-19.

Tại Iraq, Bộ Y tế nước này xác nhận tổng cộng 1.202 ca nhiễm bệnh và 69 người tử vong do virus SARS-CoV-2 trên toàn quốc. Trong vòng 24 giờ qua, số ca mắc Covid-19 tại Iraq là 80 trường hợp, trong đó có 15 người được phát hiện ở thủ đô Baghdad. Chính phủ Iraq đang áp dụng một số biện pháp để kiềm chế sự bùng phát dịch Covid-19, trong đó có mở rộng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc cho tới ngày 19-4.

Bộ Y tế Saudi Arabia ngày 8-4 cho biết số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng lên 2.932, sau khi ghi nhận thêm 327 trường hợp mắc bệnh. Bộ Y tế Saudi Arabia kêu gọi người dân nước này theo sát những chỉ dẫn y tế và tuân thủ chặt chẽ các biện pháp đang được triển khai để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.

Cùng ngày, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo có thêm 300 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh ở nước này lên 2.659. Hiện các ca nhiễm bệnh mới đều trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Trong khi đó, Jordan quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm 48 giờ trên quy mô toàn quốc, bắt đầu từ nửa đêm 9-4, nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19.

ASEAN: Thái Lan phong tỏa Pattaya, Singapore có số ca mắc mới cao kỷ lục

Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Narathiwat, Thái Lan, ngày 8/4. Ảnh: AFP/TTXVN
Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở Narathiwat, Thái Lan, ngày 8-4. Ảnh: AFP-TTXVN

Tính tới hết ngày 8-4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 15.478 ca mắc Covid-19, trong đó có 527 ca tử vong.

Nhằm ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19, chính quyền Thái Lan thông báo Pattaya - thành phố du lịch ven biển miền Đông nước này - sẽ áp đặt lệnh phong tỏa tạm thời, qua đó đóng cửa đối với toàn bộ du khách trong và ngoài nước. Tỉnh trưởng tỉnh Chonburi, Phakharathorn Thianchai đã xác nhận việc cấm toàn bộ du khách vào Pattaya theo lệnh phong tỏa, có hiệu lực từ ngày 9-4 đến hết tháng này, cùng với lệnh giới nghiêm vừa có hiệu lực trên toàn Thái Lan từ 22h tối đến 4h sáng các ngày

Trong khi đó, chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đang mở chiến dịch xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại nhà dành cho những trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 trong bối cảnh Thái Lan đã ghi nhận tới 2.369 ca mắc bệnh.

Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho biết nước này ngày 8-4 đã ghi nhận thêm 218 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh trên toàn quốc lên thành 2.956 người. Ông Yurianto cũng cho hay Indonesia đã có thêm 19 người tử vong do mắc Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên thành 240 người, trong khi có 222 bệnh nhân được chữa khỏi. Covid-19 đã lây lan ra 32 trên tổng số 34 tỉnh và thành phố ở Indonesia. Trong đó, thủ đô Jakarta tiếp tục là "điểm nóng" với 1.470 ca nhiễm.

Trong bối cảnh đó, Jakarta sẽ thắt chặt các biện pháp nhằm hạn chế người dân đi lại sau khi được chính quyền trung ương cho phép áp đặt Các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2.

Ngày 8-4, Bộ Y tế Singapore thông báo đã ghi nhận thêm 142 ca mắc Covid-19, mức tăng hàng ngày lớn nhất, nâng tổng số ca mắc bệnh dịch lên 1.623 ca.

Châu Phi: Số ca nhiễm ở Nam Phi tăng cao nhất kể từ 27-3

Cảnh sát giúp đỡ một người già trên đường đi mua thực phẩm tại ngoại ô thủ đô Pretoria hôm 7/3. Ảnh: Phi Hùng (P/v TTXVN tại Nam Phi)
Cảnh sát giúp đỡ một người già trên đường đi mua thực phẩm tại ngoại ô thủ đô Pretoria hôm 7-3. Ảnh: Phi Hùng (P-v TTXVN tại Nam Phi)

Bộ Y tế Nam Phi ngày 8-4 thông báo nước này ghi nhận thêm 96 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm Covid-19 tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này lên 1.845 trường hợp. Đây cũng là số ca mắc trong ngày cao nhất trong ngày kể từ Nam Phi bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc hôm 27-3.

Theo Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize, Nam Phi cũng ghi nhận 18 ca tử vong do COVID-18, tăng 5 trường hợp so với một ngày trước đó. Tỉnh Gauteng, nơi có thủ đô Pretoria và thủ phủ kinh tế Johannesburg, tiếp tục là tâm dịch với 782 ca nhiễm, tiếp theo là tỉnh Western Cape cùng thành phố du lịch Cape Town với 495 ca. Tỉnh KwaZulu-Natal nơi có cảng biển quốc tế Durban sếp thứ 3 với 354 trường hợp.

Đến thời điểm hiện tại, Nam Phi đã xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 63.776 người. Dự kiến, nước này sẽ nâng năng lực xét nghiệm từ khoảng 5.000 người-ngày lên 15.000 người-ngày vào giữa tháng 4 và 30.000 vào cuối tháng 4 tới.

Cùng ngày, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã tạm đình chỉ chức vụ của Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ kỹ thuật số Stella Ndabeni-Abrahams trong vòng 2 tháng do vi phạm quy định phong tỏa toàn quốc bởi dịch Covid-19. Bà này bị cáo buộc đã đến thăm nhà một người bạn và ăn trưa ở đó trong thời gian nước này áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc 21 ngày từ 26-3 đến 16-4.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.