Sau nhiều tuần phải tuân thủ lệnh “an trú tại nhà” có thể được kéo dài tới cuối tháng này, người Mỹ bắt đầu thấy chồn chân.
Siêu thị vắng vẻ vì lệnh “an trú tại nhà”. Ảnh: VĂN HẰNG VANG |
Sau những tranh cãi về việc giãn cách xã hội, mang hay không mang khẩu trang khi đến nơi công cộng, giờ đây, nước Mỹ đứng trước một câu hỏi không dễ dàng: Khi nào mở cửa lại? Tổng thống Donald Trump đã công bố những chỉ dẫn của chính quyền liên bang về việc mở cửa lại nền kinh tế, giao quyền tự quyết cho các thống đốc. Và các bang đứng trước sự lựa chọn khó khăn chưa từng có: mở cửa cho người dân làm ăn, kiếm tiền chi tiêu cuộc sống, phát triển kinh tế; hay sức khỏe và an toàn của cả xã hội?
Biểu tình đòi tái mở cửa
Sau Michigan và New York, ngày 18-4, người dân ở hai tiểu bang California và Michigan có cuộc biểu tình khá lớn, quy tụ hàng ngàn người nhằm chống lại lệnh đóng cửa quá lâu. Hàng trăm chiếc xe nối đuôi nhau chật kín hai bên đường, hú còi inh ỏi.
Người dân tụ tập hô to các khẩu hiệu và dĩ nhiên không hề có giãn cách xã hội hay mang khẩu trang như chính phủ đã kêu gọi. Một số người còn mang cả súng. Trong khi nhiều người tỏ ra phấn khích về việc này, những người khác cảm thấy lo sợ những ngày tới sẽ có thêm nhiều người mắc Covid-19 và hệ thống y tế lại trở nên quá tải như hai tuần trước.
Trên các con đường cao tốc xuyên bang, thi thoảng những chiếc xe tải tầm trung chạy qua có giăng biểu ngữ: “Hãy mở cửa các doanh nghiệp nhỏ”, “Cho tôi quyền tự do”... Những gói cứu trợ khổng lồ của chính phủ dường như vẫn không “giải nhiệt” được sự bức bối của những người Mỹ vốn quen sống tự do.
Lý lẽ được nhiều người biểu tình đưa ra là giới truyền thông đã thổi phồng các số liệu, khiến người dân phải lo sợ quá mức cần thiết và làm suy sụp nền kinh tế vốn đang trên đà tăng trưởng tốt của nước Mỹ. Nhiều người được phỏng vấn nói rằng họ đã quá mệt mỏi vì không được đi đâu; những người trong gia đình và bạn bè đã bị mất việc vì Covid-19 và họ “muốn trở lại làm việc”.
Trên các diễn đàn trực tuyến, nhiều nhóm ngành kinh doanh bắt đầu hô hào ký các thỉnh nguyện thư đề nghị ngành kinh doanh của mình là “cần thiết”. Khái niệm doanh nghiệp nào “cần thiết” hay “không cần thiết” cũng là đề tài được bàn luận sôi nổi khắp nơi.
Trong khi cửa hàng tạp hóa, nhà hàng, tiệm bia rượu và thậm chí nhiếp ảnh được cho phép hoạt động với các tiêu chí nghiêm ngặt về giãn cách 6 feet (1,83m) và tránh mọi tiếp xúc; thì ngành nghề làm đẹp như tiệm thẩm mỹ, làm tóc... có rất đông người Việt Nam đang làm việc chịu ảnh hưởng nặng nề vì phải đóng cửa.
Một người bạn của tôi vốn là chủ một tiệm spa có 4 người làm, vẫn thường nhắn tin than thở về việc thiếu hụt thu nhập. 4 tuần đóng cửa nhưng vẫn phải trả đủ các loại tiền nhà, tiền xe, bảo hiểm… khiến cô gần như kiệt sức. Tuy khách đặt hẹn rất nhiều nhưng cô không thể phá rào vì sợ bị tịch thu giấy phép, phạt tiền. Cô nói rằng, trong lúc chờ chính quyền cho mở cửa, cô tranh thủ thiết kế lại tiệm với những miếng chắn nhựa trong suốt giữa người làm và khách hàng để bảo đảm sức khỏe cho cả hai bên.
Nhiều thông tin lạc quan về tình hình dịch bệnh
Sự “nổi loạn” của người dân đã làm chính quyền các tiểu bang chùn chân trong việc tiếp tục áp dụng các biện pháp khắt khe. Rất nhiều nơi đã ngấp nghé mở cửa nền kinh tế sớm hơn dự tính. Ở bang Oklahoma nơi tôi đang sống, Thống đốc Kevin Stitt vừa thông báo, có nhiều chỉ số cho thấy “đường cong” đã được san phẳng nhờ vào nỗ lực của chính quyền và dân chúng, thực hiện các biện pháp giãn cách, đóng cửa những nơi công cộng như trường học, công viên, thư viện, các cửa hàng không thiết yếu và hạn chế người dân ra đường từ rất sớm, khi bang này chớm có những người nhiễm bệnh đầu tiên; cũng như việc kêu gọi rửa tay, xịt khuẩn thường xuyên ở nhà và các cửa hàng, hạn chế tụ tập hơn 10 người…
Ông Stitt cho biết, chỉ có khoảng 7% trong số gần 35.000 người được xét nghiệm cho kết quả dương tính, và số người chết cũng như số bệnh nhân phải nằm trong các khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) giảm dần so với 3 tuần trước đó. Nếu bang này tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như hiện nay, việc cung cấp đủ giường bệnh, máy thở và phòng chăm sóc đặc biệt sẽ không thành vấn đề.
Cũng như Oklahoma, tuần qua, nhiều tin tức lạc quan về số ca mắc bệnh ở Mỹ giảm, các bệnh viện được cung cấp thêm rất nhiều đồ bảo hộ y tế... nên việc mở cửa trở lại sẽ thực hiện trong một vài tuần tới, bắt đầu dần dần bằng việc nới lỏng các quy định. Chẳng hạn, nhà hàng được bán cho khách ngồi ăn không quá 10 người/lần, tiệm thẩm mỹ chỉ được làm cho 1 khách/kỹ thuật viên, người trên 65 tuổi được kêu gọi không ra đường nếu không cần thiết...
Trong nhiều tuần qua, nước Mỹ chứng kiến sự thay đổi chưa từng có trong lịch sử về cách con người giao tiếp với nhau. Mọi thứ, mọi món hàng đều được mua trực tuyến. Người ta chỉ cần ngồi nhà và bấm điện thoại, thậm chí tìm kiếm các lời khuyên trên các nhóm trực tuyến về những chỗ ăn ngon, những cửa hàng có đủ thực phẩm và các dung dịch vệ sinh,… Người ta kêu gọi nhau mua ủng hộ các cửa hàng do người địa phương làm chủ để giúp cộng đồng cùng vượt qua khó khăn này.
Những hành động hỗ trợ nhau cũng như việc “nổi loạn” của người dân đã cho thấy các nỗ lực cùng những lời hứa hẹn của chính phủ vẫn chưa đủ, người ta cần phải “làm gì đó” để thấy mình vẫn đang sống và được hưởng quyền tự do.
VĂN HẰNG VANG
(Từ bang Oklahoma, Mỹ)