Không chỉ Tổng thống Mỹ Donald Trump mà cả Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cần cải cách sau những ồn ào liên quan phản ứng của cơ quan này đối với đại dịch Covid-19.
Người dân xếp hàng nhận thực phẩm phía trước một nhà thờ ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: Getty Images |
Ngày 19-5, giờ Canada (sáng 20-5, giờ Việt Nam), phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với các thành viên của Quốc hội, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng, “cần cải cách WHO và các tổ chức quốc tế khác sau đại dịch Covid-19”. Trả lời báo giới về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với WHO, ông Trudeau nhấn mạnh: “Sự cân bằng cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng. Sẽ có những câu hỏi về vai trò của Trung Quốc trong thời gian tới cần được trả lời...”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trước đó cũng kêu gọi các nước xem xét cách thức để có thể nâng cao chức năng, vai trò của WHO, trong đó có việc bảo đảm nguồn tài chính bền vững. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: “Chúng ta cần một WHO lớn mạnh để đối phó Covid-19. WHO là chúng ta - các nước thành viên”.
WHO vẫn dẫn dắt cuộc chiến chống Covid-19
Toàn bộ 194 nước thành viên WHO, trong đó có Canada, Đức và Pháp, thống nhất mở cuộc điều tra độc lập về phản ứng của cơ quan y tế này đối với Covid-19. Căng thẳng một lần nữa dấy lên khi Tổng thống Trump cho WHO 30 ngày để “cải cách thực chất đáng kể”, nếu không Mỹ sẽ ngừng viện trợ và xem xét lại tư cách thành viên của cường quốc hàng đầu thế giới. Chính phủ Mỹ liên tục chỉ trích về sự chậm trễ và thiếu minh bạch của WHO trong phản ứng đối với Covid-19. Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO với khoảng 450 triệu USD mỗi năm. Nếu Washington - một thành viên chủ chốt - rút khỏi WHO, tổ chức y tế này sẽ mất nguồn kinh phí đáng kể và hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển theo đó có thể sẽ bị cắt giảm.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố, tổ chức đa phương của ông sẽ tiếp tục dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch và không đề cập đến cảnh báo của Tổng thống Trump về việc tạm ngừng tài trợ, hay xem xét rút Mỹ khỏi tổ chức này. “WHO luôn giữ cam kết minh bạch, có trách nhiệm và liên tục cải thiện. Chúng tôi muốn minh bạch và trách nhiệm hơn bất cứ ai. Chúng tôi sẽ tiếp tục vai trò dẫn dắt chiến lược để phối hợp hành động toàn cầu”, ông Tedros nói.
“Năng lực xét nghiệm của Mỹ tốt hơn các nước khác”
Tính đến ngày 19-5 (giờ Mỹ), cường quốc lớn nhất thế giới có hơn 1,5 triệu người mắc Covid-19 và 91.800 người tử vong. Những con số này đặt ra áp lực lớn cho Tổng thống Trump. Hãng AP cho biết, người đứng đầu Nhà Trắng quy trách nhiệm cho Trung Quốc và WHO, nhưng nói rằng số người mắc Covid-19 cao đồng nghĩa với việc năng lực xét nghiệm của Mỹ tốt hơn các nước khác. Ông Trump cho biết, đến nay Mỹ đã thực hiện được gần 14 triệu xét nghiệm. “Nếu chúng ta chỉ xét nghiệm 1 triệu người thay vì 14 triệu người, số ca mắc bệnh sẽ ít hơn”, ông nói.
Cũng trong ngày 19-5, Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp, yêu cầu các cơ quan liên bang xem xét lại hàng trăm quy định không cần thiết và có thể gây cản trở cho sự phục hồi kinh tế. Theo đó, những quy định này có thể sẽ bị đình chỉ trong thời gian ứng phó với Covid-19, hoặc loại bỏ vĩnh viễn.
Các chuyên gia đều lo ngại về bức tranh kinh tế Mỹ. Tuần vừa qua, hơn 2,98 triệu người Mỹ nộp đơn thất nghiệp. Trong lúc này, khi tất cả 50 bang có những hành động khác nhau trong việc mở cửa trở lại từng phần, các doanh nghiệp vẫn chưa rõ họ sẽ tái khởi động như thế nào khi còn quá nhiều mối lo ngại.
Theo CNN, một số bang như Georgia và Texas đã triển khai kế hoạch mở cửa mạnh mẽ. Các bang khác có cách tiếp cận cẩn trọng hơn, chẳng hạn New York, California và Pennsylvania sẽ chỉ mở cửa khi không ghi nhận ca nhiễm mới. Nhiều thành phố vẫn duy trì lệnh ở nhà. Thành phố Baltimore (bang Maryland) cấm tụ tập hơn 10 người và tiếp tục đóng các cửa hàng bán lẻ. Thủ đô Washington gia hạn lệnh phong tỏa đến hết ngày 8-6.
60 triệu người “nghèo đói cùng cực” vì Covid-19 Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo cho biết, đại dịch Covid-19 có thể khiến 60 triệu người vào cảnh “nghèo đói cùng cực”, xóa bỏ mọi thành quả trong công tác xóa đói giảm nghèo hơn 3 năm qua. WB dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm 5% trong năm 2020 và các quốc gia nghèo nhất sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Theo hãng tin CNN, WB định nghĩa “nghèo đói cùng cực” là mức sống dưới 1,9 USD/người/ngày. |
PHÚC NGUYÊN