Ngày 15-9 (giờ Washington), Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì lễ ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Israel - Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tại Nhà Trắng. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid Al Zayani cũng ký “Tuyên bố Hòa bình lịch sử” tại sự kiện này.
Như vậy, sau Ai Cập năm 1979, Jordan năm 1994 và Mauritania năm 1999, thế giới Arab có thêm 2 thành viên là UAE và Bahrain bỏ một trong những điều cấm kỵ chung trong văn kiện (hay còn gọi là “lời nguyền”) của Liên đoàn Arab (AL). “Lời nguyền” này đã được làm mới vào năm 2017 rằng, các nước thuộc AL chỉ bình thường hóa quan hệ với Israel khi Tel Aviv rút hoàn toàn quân khỏi lãnh thổ đang chiếm đóng của Palestine sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, công nhận một Nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô, và có một giải pháp cho vấn đề người tị nạn Palestine cùng con cháu họ.
Vậy đâu là nhân tố để UAE và Bahrain bước qua “lời nguyền” của thế giới Arab?
Giới quan sát cho hay, việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và UAE là thành quả từ hơn 20 năm quan hệ bí mật giữa hai quốc gia Trung Đông sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 tại Mỹ. Trong hai thập niên qua, quan hệ kinh tế giữa Israel và UAE đã mở rộng từ an ninh mạng, an ninh sân bay tới vận tải, khử muối nguồn nước, kỹ thuật nông nghiệp, bất động sản và du lịch… Mới đây, UAE bày tỏ mong muốn tiếp cận phương pháp điều trị Covid-19, cũng như vắc-xin của Israel một khi nghiên cứu thành công. Trong khi đó, Bahrain có quan hệ đặc biệt căng thẳng với Iran và phụ thuộc nhiều vào Mỹ, nhất là trong việc mua vũ khí. Bahrain cũng là nơi Mỹ đặt Hạm đội 5.
Có thể nói, thỏa thuận giữa Israel với UAE và Bahrain dưới sức ép của Mỹ trước hết là xuất phát từ những lợi ích của chính mình, trong đó vấn đề kinh tế và an ninh là chủ yếu. Ngay sau khi hai sự kiện này diễn ra, đã có những phản ứng khác nhau của các bên liên quan và cộng đồng quốc tế. Tổng thống Trump đánh giá thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với UAE và Bahrain là “bước đột phá lịch sử”.
Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner, con rể của Tổng thống Trump cho biết, thỏa thuận trên là “đỉnh điểm của 4 năm nỗ lực tuyệt vời”; nói cách khác, Kế hoạch hòa bình Trung Đông dưới thời ông Trump đã đạt kết quả mà trước đây các đời tổng thống Mỹ không làm được. Thủ tướng Netanyahu cho rằng, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Israel - UAE, Bahrain đánh dấu một “kỷ nguyên mới cho hòa bình”.
Tuy nhiên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani coi quyết định của UAE và Bahrain là “sai lầm nghiêm trọng”. Còn Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định: “Lịch sử… sẽ không quên và tha thứ cho hành vi giả tạo của UAE”. Chính quyền Palestine (PA) và phong trào Hồi giáo Hamas vẫn kiên quyết xem thỏa thuận là “đòn đâm sau lưng” đối với sự nghiệp chính nghĩa của Palestine và là một hành động chống lại người Palestine. Các chiến binh Palestine tại Dải Gaza đã phóng một tên lửa vào thành phố ven biển Ashdod của Israel, làm 2 người bị thương, đúng vào thời điểm Israel và UAE, Bahrain ký kết hiệp định bình thường hóa và thiết lập quan hệ chính thức.
Còn đối với Mỹ, đó là câu chuyện bầu cử. Tổng thống Trump đang cố gắng hiện thực hóa tầm nhìn về khu vực Trung Đông mà ông từng công bố vài tháng trước - thỏa thuận giữa Israel với UAE và Bahrain nằm trong số đó. Đây là chiến thắng cần thiết đối với cá nhân ông, trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng vấp phải nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đang dẫn điểm.
Tuy nhiên, giới quan sát chính trị cho rằng, thỏa thuận giữa Israel với UAE và Bahrain vẫn còn đó nhiều câu hỏi bỏ ngỏ, khi cả hai đã bước qua “lời nguyền” nhưng đều khẳng định về một Nhà nước Palestine độc lập.
Thỏa thuận sẽ ra sao trước áp lực lớn từ một số quốc gia Arab? Như một cuộc họp mới đây của AL theo đề nghị của Palestine đã không tìm được tiếng nói chung về sự kiện này. Liệu đây có thực sự là “bước tiến tích cực” đối với câu chuyện Palestine và hòa bình Trung Đông? Mặt khác, cuộc bầu cử ở Mỹ sắp tới sẽ tác động như thế nào tới quá trình triển khai thỏa thuận này?...
TUYẾT MINH