Hiện nay, Đà Nẵng được xem là vùng đất có nhiều sản phẩm du lịch ấn tượng với du khách từ trên nguồn đến xuống biển. Đáng chú ý là mới đây, Quốc hội, Chính phủ có nhiều chủ trương, chính sách để Đà Nẵng xây dựng chính quyền đô thị, phát triển mạnh về du lịch, nhất là “kinh tế đêm”, nhằm khai thác tiềm năng vốn có của thành phố.
Để góp thêm vào sự đa dạng các sản phẩm du lịch, thu hút khách, tạo ấn tượng đẹp về Đà Nẵng, tôi mạnh dạn có mấy đề xuất nhỏ như sau:
Một là, xây cột cờ Tổ quốc trên bán đảo Sơn Trà.
Vị thế của bán đảo Sơn Trà thì chúng ta khỏi phải bàn. Hiện nay có một số tour du lịch ngắn đưa du khách lên trên đỉnh núi. Tuy nhiên, ngoài thăm đài quan sát thành phố, ngắm nhìn các cá thể voọc chà vá, cây đa cổ thụ… thì theo tôi, còn thiếu một vị trí nữa là xây dựng cột cờ Tổ quốc thật lớn trên đỉnh núi Sơn Trà. Chọn một vị trí đẹp xây dựng cột cờ Tổ quốc để từ biển xa khi các con tàu sắp cập cảng Tiên Sa đều nhìn thấy, hay đứng ở trung tâm thành phố cũng nhìn rõ lá cờ Tổ quốc tung bay trước gió. Còn du khách nếu tham gia tour để được lên đến đó mà ngắm nhìn và chụp ảnh bên cột cờ thiêng liêng của Tổ quốc cũng là kỷ niệm đẹp khi có dịp đến với Đà Nẵng. Như vậy, là Đà Nẵng có thêm tour du lịch lên đỉnh Sơn Trà. Cũng như khi chúng ta đến Hà Giang lên với ngọn cờ Tổ quốc ở Lũng Cú vậy!
Hai là, chiếc đồng hồ trung tâm và các vệ tinh.
Quan sát thành phố về ban ngày hay ban đêm hiện nay tôi thấy chưa có nơi nào bố trí chiếc đồng hồ để du khách và cả người Đà Nẵng có thể nhìn biết ngày và giờ cả. Trong khi đó, nhiều biển quảng cáo, khẩu hiệu các loại giăng đầy. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đang mạnh dạn phát triển kinh tế cả ngày lẫn đêm thì chiếc đồng hồ cũng có ý nghĩa với các hoạt động này lắm thay. Vì nó không chỉ giúp cho mọi người nhìn biết được thời gian mà còn tạo nên một ấn tượng rất Đà Nẵng.
Theo tôi, hiện nay chiếc cầu quay Sông Hàn được cho là biểu trưng của Đà Nẵng, nằm ở ngay khu vực trung tâm thường diễn ra các sự kiện quan trọng thu hút hàng vạn người tham gia. Do vậy, nơi tháp quay hiện nay giữa cầu Sông Hàn đang bố trí ánh đèn nhấp nháy về đêm thì nên thay vào đó chiếc đồng hồ thật lớn bốn mặt để người trên bờ hay dưới sông từ xa đều có thể ngắm nhìn được.
Ví dụ, khi mọi người đi xem bắn pháo hoa, nhìn lên chiếc đồng hồ biết được thời gian mà chờ đợi, mà đón nhận sự kiện. Hay khi có đua thuyền trên sông Hàn, cũng giúp cho cả người thi và người xem nhìn được đồng hồ để sự kiện thêm phần thú vị. Hoặc các ngư dân khi đi biển hay trở về nhìn lên chiếc đồng hồ biết được thời gian với cảm nhận rất riêng của người đi biển.
Ngoài chiếc đồng hồ đặt ở trung tâm thành phố, nên chăng, tại các cửa ngõ ra, vào Đà Nẵng cũng nên bố trí các đồng hồ. Được vậy, chúng ta đang tạo ra một sản phẩm riêng biệt về thời gian khi mọi người đi và đến Đà Nẵng biết được điều mà nhiều khi cứ tưởng lật chiếc đồng hồ đeo tay hay chiếc điện thoại sẽ biết ngay.
Trên đây là hai ý kiến nhỏ của tôi. Rất mong các nhà quản lý thành phố để tâm và biến nó thành hiện thực!
TUYẾT MINH